Quốc lộ 40B chạy từ huyện Bắc Trà My lên huyện Nam Trà My, Quảng Nam, tới địa phận xã Trà Dơn, huyện Bắc Trà My, phía bên tay phải sẽ có một biển chỉ dẫn rẽ vào xã Trà Leng, huyện Nam Trà My còn 16km. Cách tấm biển ấy vài mét là một ngôi nhà ven đường. Vào sáng 29/10, ngôi nhà ấy được trưng dụng thành nơi tập trung các nạn nhân sau vụ sạt lở, để tiếp tục sơ cứu họ, trước khi đưa ra xe cứu thương chuyển đi bệnh viện.
Những nạn nhân nằm trên các chiếc võng, gương mặt nhăn nhó đau đớn, lại có những gương mặt bất động thất thần, cả sự ngơ ngác của những đứa trẻ vừa thoát cửa tử. Tất cả vừa được các chiến sĩ trong lực lượng tìm kiếm khiêng ra từ nơi sạt lở mười mấy cây số. Những nạn nhân vụ sạt lở vẫn đang được các y, bác sĩ sơ cứu, chữa trị vết thương.
Lẽ ra, xe cứu thương sẽ vào tận hiện trường vụ sạt lở Trà Leng, nhưng những điểm sạt lở khác trên đường vào, đã ngăn cản. Lực lượng tìm kiếm phải chia làm hai, một nhóm liên tục thông tuyến các điểm sạt lở, một nhóm băng rừng, lội bộ vào Trà Leng với tinh thần càng sớm càng tốt. Nhờ vậy, đã có 33 người được cứu, 8 người bị thương nặng, cùng 6 thi thể. Và khi ấy, trưa 29/10, vẫn còn 14 người mất tích…
Nơi góc nhà, tôi bắt gặp đôi mắt ngổn ngang nhiều lắng lo của một người phụ nữ, trong khi hai bàn tay ôm chặt đứa con nhỏ của mình. Người phụ nữ ấy là Hồ Thị Hà. Hà không thiệt mạng trong vụ sạt lở, vì hôm ấy chị ở nhà ngoại, nhưng vụ sạt lở đã khiến cha chị tử vong, mẹ chị bị thương nặng, con gái và em gái chị bị thương nhẹ hơn. Vài phút sau đó, khi đội ngũ y tế đưa người thân của chị ra ngoài để cố định lại các vết thương trước khi đưa đi bệnh viện, chị tất tả theo sau. Chị quỵ gối ngồi xuống, nắm chặt tay con gái đầu của mình, là bé Hồ Hà My, trong khi cô bé khóc lớn vì đau đớn lúc bác sĩ sơ cứu. Hình như cô bé bị gãy tay...
Ở nơi cách Trà Leng 16km này, tôi gặp một người không phải dân ở đây, nhưng vừa thoát chết từ nơi ấy, đó là Đinh Văn Thượng. Thượng là dân gốc Bắc, vào Trà Leng làm công nhân cho một công trình gần trung tâm xã Trà Leng. “Vụ sạt lở xảy ra từ khoảng 12h30 đến 14h ngày 28/10. Khi ấy, em và 5 anh em công nhân đang ngủ trưa. Nguyên cả nhà bị ủi bay luôn nhưng 5 người chúng em thoát được, còn ông chủ nhà thì tử vong, đã tìm được thi thể” - Thượng kể lại. Sau khi thoát nạn, nhóm của Thượng lội núi mười mấy cây số để ra ngoài, khuôn mặt vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng.
Cả một vùng núi bạt ngàn bị mất sóng điện thoại, chúng tôi phải xuôi vào chục cây số xuống trung tâm huyện Bắc Trà My để gửi hình ảnh, tin bài về tòa soạn, khi trời vừa kịp tối.
Sau đó, chúng tôi gặp lại những nạn nhân sống sót tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Tất cả đượm vẻ mệt mỏi, buồn bã và lắm lúc mông lung với những đăm chiêu của chính mình. Họ vẫn đang không biết người thân của mình còn mất tích ở Trà Leng đã được tìm thấy chưa, hay xác thân vẫn đang còn chôn vùi đâu đấy dưới lớp đất đá khổng lồ đầy lạnh lẽo kia. Những dáng buồn ấy, cứ thế bủa vây trong tâm trí mỗi người họ.
Trong khung cảnh ấy, tôi khựng lại rất lâu trước vẻ bần thần của chị Trần Thị Diệu. Mắt chị Diệu không ướt mà đỏ hoe. Có lẽ chị cạn khô nước mắt rồi, khi vụ sạt lở đã cướp đi ba đứa con chị dứt ruột đẻ ra. “Mà đứa nhỏ nhất của em, chỉ mới 10 tháng tuổi” - giọng chị Diệu lạc đi.
Nếu không nằm cùng con trên giường bệnh, nếu không phải còn chở che con trên giường bệnh, có lẽ Diệu sẽ lộ vẻ đớn đau hơn. Nhưng chị đành phải gói vào trong, “chứ em mà còn như thế, con em khóc theo mất”. Nên thành ra, dáng buồn của Diệu toát lên nhiều hơn, đậm thêm vẻ thất thần, trong khi con chị còn quá nhỏ để nghĩ về những điều vừa xảy ra đối với gia đình mình.
Chắc cô bé cũng không biết rằng ba mình đang lòng như lửa đốt nơi Trà Leng, khi cùng lực lượng chức năng tìm kiếm các chị em mất tích của mình. Những dẫu sao thì giờ đây, cô bé còn được nằm bên cạnh mẹ. Chứ cách đấy một chiếc giường, là bé Trần Thị Minh Châu, một mình nằm với những sợ sệt còn trên nét mặt. Sau vụ sạt lở, Châu không còn ba nữa, trong khi mẹ và các anh chị em bị thương nặng hơn, đang được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam.
Khuya hôm ấy, chúng tôi nhân được tin lực lượng công binh đã thông được tuyến đường vào Trà Leng. Sáng hôm sau 30/10, chúng tôi cùng nhau đi về phía ấy, ngang qua những vệt sạt lở, mà không ít lần lạy trời. Không ngờ rằng sau 4 năm, tôi trở lại nơi này và phải chứng kiến cảnh toang hoang. Nhưng đó chỉ là những thứ mở đầu cho một khung trời đầy đau thương phía trước: Thôn 1 xã Trà Leng, nơi có 11 ngôi nhà và 53 người dân sinh sống, đã bị vùi lấp dưới từng lớp đất đá. Không còn bóng dáng của bất kỳ ngôi nhà nào, sạt lở đã cuốn phăng tất cả và gieo xuống những tiếng kiếm tìm thảng thốt, những lời kêu khóc đến lạc giọng,...
Ở gần hiện trường vụ sạt lở, tôi bắt gặp hai hình ảnh trái ngược nhau về cảm xúc. Buồn, là bắt gặp hai người khiêng một thi thể rất nhỏ ra mà theo những thông tin có được, tôi đoán là đứa con 10 tháng tuổi của chị Diệu. Vui, là tôi gặp lại anh Phạm Phương đang tươi cười bên người vợ của mình. Tôi gặp anh ngày hôm qua, nơi cách Trà Leng 16km, với gương mặt đầy vẻ lo lắng chạy khắp nơi tìm vợ. Khi anh đưa con xuống Tam Kỳ, thì Trà Leng xảy ra sạt lở và vợ anh đang ở đây. Sự lo lắng của anh mỗi lúc càng nhiều khi số điện thoại của vợ mãi không gọi được. Và sáng đó, anh gặp lại vợ mình bình an ở Trà Leng. Có lẽ đây là chút ủi an hiếm hoi sau vụ sạt lở.
Bên sườn núi Trà Leng, trước trưa 28/10, vẫn là những ngôi nhà chen chúc nhau. Ở đó có người, có tiếng nói, có nụ cười và có cả những khoảng trời riêng của mỗi ai đấy. Nhưng sau buổi trưa định mệnh ấy, đất núi tràn xuống đã chôn vùi những khoảng trời riêng, chung nhau một cuộc xót thương. Bên sườn núi ấy, người thân, người dân ngồi buồn bã nhìn về phía chân núi, dõi theo cuộc kiếm tìm người thân của mình. Trong khi, trên sườn núi, đã có những ngôi mộ được đắp vội.
Cũng bên sườn núi Trà Leng hôm ấy, tôi gặp thầy Hồ Văn Việt đang ôm chặt, liên tục an ủi học trò của mình - em Lê Thanh Tú. Tú đang là học sinh lớp 11 Trường PTDT nội trú Nam Trà My, Tú mất ba sau vụ sạt lở. “Khi nhà trường nhận được thông tin vụ sạt lở, thì giữ các em lại vì sợ các em tự ý về nhà thì sẽ rất nguy hiểm, bởi tuyến đường về đây còn nhiều điểm sạt lở rất nguy hiểm. Cho đến sáng nay, khi đường được thông, thì mới cho xe chở các em về” - thầy Việt nói. Cũng theo thầy Việt, gia đình 6 học sinh của trường gặp nạn, trong đó 4 em có người thân bị mất.
Và chịu nhiều mất mát nhất, có lẽ là em Hồ Văn Hải, khi cả 8 người thân trong gia đình em là ba mẹ, hai em ruột và các anh chị em họ, chú bác,… đã bị đất đá vùi lấp. Trước đó 4 ngày, Hải có về thăm nhà, em không ngờ rằng đó là lần cuối cùng em được nói cười với ba mẹ, đùa giỡn với các em. Nếu Tú thành mồ côi thôi, thì Hải còn hơn cả sự mồ côi. Mà nhà Hải cũng không còn nữa rồi, để làm nơi thờ cúng người thân; và Hải cũng không biết phải về đâu, ngoài mái trường cấp 3 mình đang học. “Nhà trường vẫn lo tốt cho các em cho đến khi xong cấp 3, nhưng sau đó thì không biết sao nữa…” - cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên chủ nhiệm của Hải lắng lo. May thay, khi tôi kể đi câu chuyện này, đã có người nhận đỡ đầu cho Hải sau khi Hải học xong cấp 3.
Khi có những ngôi mộ mọc lên, sườn núi này của Trà Leng sẽ thôi có người sinh sống. Những người thoát nạn hẳn sẽ được dời đến một nơi ở mới và mang theo những ám ảnh vừa hằn sâu. Và sau những cúi lạy, sau những gào thét, sau những đớn đau, là một màu xanh mới ở Trà Leng hay gần đấy, phải không?