Tuy nhiên kết quả quan trắc được lấy tại vị trí đầu ra cuả hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh Viện đa khoa Hà Đông có rất nhiều chỉ số rất đáng quan ngại, vượt từ 18 cho đến 22,4 lần cho phép. Vấn đề này đã đặt ra những quan ngại không chỉ cho giới nghiên cứu về môi trường?!
Để rõ thêm phản ánh của người dân về việc trong suốt thời gian qua, hệ thống thu gom, xử lý nước thải y tế tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông có vấn đề chúng tôi đã lấy mẫu quan trắc, có kết quả và trực tiếp làm việc với lãnh đạo bệnh viện đa khoa Hà Đông.
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông |
Quận Hà Đông TP. Hà Nội và những khu vực lân cận có hàng triệu người dân sinh sống và làm việc, nơi đây cũng có nhiều bệnh viện lớn và các cơ sở y tế hoạt động cứu, chữa bệnh…Bệnh biện đa khoa Hà Đông là một trong những cơ sở y tế có qui mô rất lớn, lên tới hơn 800 giường bệnh, với hàng nghìn người tới chăm sóc bệnh nhân và thăm khám mỗi ngày. Theo đó, Bệnh viện này đang phải sử dụng khoảng 320m3 nước/ngày đêm, tương đương với việc phải xử lý từng đấy khối nước thải y tế .
Sau nhiều ngày quan sát, thị sát thực tế tại khu thu gom, khu xử lý chất thải, nước thải tại Bệnh viện đa khoa quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, PV ghi nhận điều đầu tiên người ta nhận biết được là mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, hợp lẫn các mùi hóa chất tẩy rửa theo các đường rãnh thoát nước không được đậy kín tới khu bể chứa. Bể điều hòa ở đây thì luôn trong tình trạng nước bị tràn trực tiếp ra môi trường, nguy hiểm hơn bể này nằm sát vách với khu nhà điều trị hàng trăm bệnh nhân.
Thực tế ghi nhận tại trạm xử lý nước thải cho thấy hệ thống máy móc ở đây đã hoen gỉ, cũ nát cùng với đó là những khối bọt màu trắng vàng có mùi hôi tanh và khét tràn trực tiếp ra môi trường từ những thùng nhựa màu xanh đựng hóa chất.
Từ những ghi nhận ban đầu, cùng việc lấy mẫu nước thải, ngày 28/12/2019 chúng tôi đã có kết quả quan trắc theo qui chuẩn hiện hành trên tay. Mặc dù mới chỉ quan chắc 6 chỉ số liên quan tới hóa chất nguy hại và số lượng vi rút tồn tại đã qua xử lý thì có tới 3 chỉ số đã vượt tới ngưỡng nguy hiểm. Cụ thể chất BOD5 chỉ số cho phép tối đa là 50mg/L, chỉ số đã vượt là 1120mg/L tương đương vượt 22,4 lần, tiếp đến là chỉ số COD, con số cho phép tối đa là 100mg/L, con số thực tế qua quan trắc là 1819 tương đương vượt 18.19 lần, tiếp đến là tổng số Coliforms, qui chuẩn cho phép 5000mg/L con số quan trắc cho ra 11000mg/L tương đương gấp 2,2 lần.
Cảnh lấy mẫu tại đầu ra của hệ thống xử lý nước thải tại bệnh viện đa khoa Hà Đông |
Để có được luồng thông tin nhiều chiều, chúng tôi đã liên hệ và có buổi làm việc với ông Lê Hoàng Tú – Phó giám đốc bệnh viện. Ông Tú cho hay: Quy trình xử lý chất thải của bệnh viện chịu sự theo dõi của nhiều cấp ngành trong đó có công an quận Hà Đông, Sở tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội.
“Về phía bệnh viện đã giao cho anh Toán (Trưởng phòng tổ chức hành chính trực tiếp theo dõi) và từ trước tới giờ bệnh viện chưa từng bị phạt liên quan đến xử lý nước thải. Về hóa chất sử dụng thì bệnh viện tự mua không thông qua đấu thầu…”, ông Tú nhấn mạnh.
Ông Tú cho biết thêm, Bệnh viện cũng không có ai là chuyên môn về xử lý nước thải vận hành mà chủ yếu dựa vào công thức để pha. Bệnh viện cũng không độc lập tự quan trắc để điều chỉnh mà chỉ dựa vào kết quả quan trắc theo quý của các cơ quan chức năng. Trạm xử lý của Bệnh viện cũng đã tồn tại hơn 10 năm hiện đã xuống cấp nghiêm trọng và đang trình thành phố đề án xây dựng trạm xử lý chất thải mới”.
Cũng tại buổi làm việc này mặc dù PV đã nhiều lần đề nghị ông Lê Hoàng Tú cũng cấp các văn bản liên quan tới hóa đơn tiền nước chi tiết trong 3 tháng gần nhất, số tiền mà bệnh viện đã đùng chi tiêu để mua hóa chất, chất dung môi…để xử lý nước thải nhưng không hiểu sao cho tới nay vẫn không nhận được các văn bản trên.
Nước thải y tế mang theo rất nhiều loại virut nguy hại như: Tụ cầu vàng, Ecoli cùng nhiều loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng khác...nếu không được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, khi đi vào môi trường sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường đất, nước và ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Điều đáng quan tâm nhất là tất cả các cá nhân tiếp xúc với chất thải y tế nguy hại như nhân viên y tế, hộ lý, người làm công tác phân loại, thu gom, bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân....đều là những người có nguy cơ dễ bị lây nhiễm các bệnh tật từ chất thải y tế.
Những nguy cơ này có thể xảy ra trong quá trình làm việc hay tiếp xúc với chất thải như bị tổn thương do vật sắc nhọn hoặc quá trình xâm nhập bệnh từ các vi sinh vật trong chất thải lây nhiễm thông qua các vết thương, qua niêm mạc, đường hô hấp...
Ngày 20/3/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1281/QĐ – UBND về việc “Xử lý chất thải y tế nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong quyết định trên cũng đã khẳng định, Bệnh viên đa khoa Hà Đông là một trong những cơ sở y tế tuy đã có hệ thống xử lý nước thải, song hệ thống xử lý nước thải đã quá cũ, xuống cấp; Vậy nên nếu việc vận hành không đảm bảo theo quy trình, không thực hiện duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên chất lượng nước thải sau xử lý thì chỉ tiêu rất có thể sẽ vượt quy chuẩn môi trường cho phép.
Theo Luật sư Trần Thị Oanh – Công ty Luật TNHH Phúc Minh thì, Việc xử lý chất thải y tế nguy hại phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT, ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường và bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại theo thứ tự ưu tiên sau: Xử lý tại cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế: Xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm); Tự xử lý tại công trình xử lý chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế; Hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trong kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cũng theo Luật sư Oanh, cơ sở Y tế xả thải chưa đúng quy định ra môi trường thì có thể bị xử lý theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế và Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về vi phạm việc bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Thiết nghĩ để đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư sống quanh bênh viện, cũng sự chính bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, các cơ quan chức năng của quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội cần khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, công tác quản lý chất thải y tế trong phạm vi BV do người đứng đầu BV chịu trách nhiệm; việc vận chuyển và xử lý chất thải bên ngoài khuôn viên BV thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn. |