Bi kịch của môn Lịch sử trong trường học

Biên tập viên

Năm 2019, Lịch sử tiếp tục là môn có điểm trung bình thấp nhất trong số các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia, thậm chí có đến 70% số bài không đạt nổi 5 điểm. Để trả lời câu hỏi tại sao và làm thế nào, tất nhiên không dễ nhưng cũng không quá khó - điều quan trọng là nhìn thẳng vào vấn đề và dám thoát ra khỏi tư duy cũ kỹ.

Nếu có một cuộc khảo sát các em học sinh trước khi bước vào buổi thi tốt nghiệp môn Sử, với câu hỏi “Học Sử để làm gì?”, thì sẽ có kết quả mà chắc nhiều người đồng ý rằng không dưới 90% học sinh trả lời một cách trung thực: “Học Sử để đi thi tốt nghiệp”.

Xi nhan Trái Phải - Bi kịch của môn Lịch sử trong trường học

Hàng trăm học sinh xé đề cương Lịch sử vì môn này không thi tốt nghiệp vào năm 2013, tại trường Nguyễn Hiền, Q.11 Tp.HCM 

Bởi có một thực tế không thể phủ nhận được là: Ở thời đại mà công nghệ thông tin đã “mò” đến tận đầu giường của các em thì hầu hết các “kiến thức” lịch sử đang được dạy và học ở trường, đều ở dạng tin tức, số liệu có thể tìm thấy rất dễ dàng thông qua một tác vụ “Search Google” đơn giản. 
Internet, mạng xã hội từ nhiều năm nay đã là công cụ không thể tốt hơn để trả lời những câu hỏi kiểu như: "Chiến dịch Biên giới diễn ra khi nào và quân ta tiêu diệt được bao nhiêu tên địch"...

Chứ với cách dạy, cách “học để thi” kiểu như hiện nay, học sinh sẽ quên ngay lập tức các thông tin bị ép nhồi vào đầu ngay sau khi hoàn thành bài thi tốt nghiệp và thậm chí 70% thí sinh năm nay còn chẳng nhớ những thông tin đó ngay cả khi bước vào phòng thi.

Đó là một bi kịch trong giáo dục.

Chừng nào mà chính chúng ta, những bậc cha mẹ và các nhà quản lý giáo dục còn chưa trả lời được 2 câu hỏi cơ bản nhất: “Môn Lịch sử là gì?” & “Học Lịch sử để làm gì?” - thì dễ hiểu khi 3 năm trước, có những “người lớn” thản nhiên trình đề án gộp môn Lịch sử vào cùng các môn Giáo dục Công dân và Quốc phòng an ninh, còn “trẻ nhỏ vẫn tiếp tục chỉ đạt trung bình có 4,3 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp.

Vậy môn Lịch sử là gì?

Theo một định nghĩa kinh điển mà rất nhiều người biết và thuộc, thì: "Lịch sử là Bộ môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người".

Vậy nhưng, có những nhà quản lý giáo dục Việt Nam lại cố tình "quân sự" hoá môn Lịch sử mà quên đi phần "dân sự" không kém phần hấp dẫn; khi các ông, bà kể lể về 50 cuộc khởi nghĩa cùng 50 vị tướng đánh trận cừ khôi thì cũng là lúc ông, bà quên 50 phát kiến và 50 nhà khoa học vĩ đại. Chẳng nhẽ làm vẻ vang xứ này chỉ có Trần Quốc Tuấn, Lý Thường Kiệt mà không cần đến những Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, Ngô Bảo Châu hay Bạch Thái Bưởi? Chính tư duy ấu trĩ và quán tính một thời chiến chinh là làm bộ môn lịch sử xơ cứng, chỉ lo dạy "giữ nước" mà quên hẳn phần "dựng nước", biến đất nước này cũng như toàn thế giới trong mắt các em học sinh, là chỉ có chiến tranh mà không có hoà bình, chỉ có chinh phạt, chiến đấu giữ nước mà không dựng xây.

Điều đó không thể hiện bản chất đầy đủ bản chất của bộ môn khoa học này.

Học Lịch sử để làm gì?

Tất nhiên học sử không phải chỉ để đi thi và lấy chứng chỉ. Nhưng học để làm gì, thì với tư duy như hiện nay, chính các nhà hoạch định chính sách cũng không trả lời nổi, nên học sinh học vẹt, học đối phó mới là xu thế và việc trượt tủ, điểm kém là tất yếu. Nếu các vị hiểu lịch sử như bao bộ môn khoa học khác, học để biết cách nghiên cứu một vấn đề và học để hướng nghiệp, thì đã không có những bi kịch “tháng 6 hằng năm” về môn Sử như thế.

Học Lịch sử để hướng nghiệp.

Nghe có vẻ lạ, nhưng bản chất lịch sử có cái đặc sắc mà không bộ môn nào có. Nếu yêu thích toán, các cháu sẽ có thiên hướng là nhà toán học, hay lập trình; yêu Hoá, các cháu có thể là nhà Hoá học, Dược sĩ? Thì yêu thích lịch sử, ngoài các cháu muốn làm nhà Sử học; được học về Lê Văn Thiêm, Ngô Bảo Châu, các cháu có thể là nhà Toán học trong tương lai, ngưỡng mộ cụ Bạch Thái Bưởi, các cháu có thể sẽ trở thành những doanh nhân mai sau, thay vì chỉ đóng khung trong các chiến hào cùng Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót...

Học Sử là học cách nghiên cứu.

Bên cạnh đó, học cách nghiên cứu, đánh giá một vấn đề là mục tiêu thứ 2 của việc học Lịch sử. Không giống môn Địa lý, Sinh vật hay các môn tự nhiên khác, thì môn Lịch sử có ranh giới đúng - sai, tốt - xấu không phải lúc nào cũng rõ ràng, mọi sự kiện và hành động trong quá khứ đều có thể được phân tích từ nhiều góc độ khác nhau để đưa ra các đánh giá không giống nhau.

Nghiên cứu, là phương pháp khoa học để tìm ra cách đánh giá đúng và đủ nhất.

Vậy hãy để bọn trẻ học cách thức "nghiên cứu" một sự việc, một hiện tượng trong lịch sử thay vì học thuộc nó. Cụ thể, thay vì bắt các em phải nhớ ngày tháng diễn ra các trận đánh hay "đếm xác chết" tại đó, hãy dạy cho các em kỹ năng "nghiên cứu lịch sử". Ví dụ như, nghiên cứu các yếu tố bên ngoài, bên trong tác động đến kết quả trận đánh, thay đổi yếu tố nào để 1 bên lẽ ra sẽ không thua? Hay thậm chí làm thế nào để trận đánh (hay cuộc chiến) đó không diễn ra v.v. Tóm lại, nhìn nhận khách quan, nhiều chiều và cởi mở chấp nhận phản biện, sẽ trau dồi sự sáng tạo và niềm đam mê, ngược lại, đi theo lối mòn sẽ chỉ đào tạo được những con vẹt biết quay cóp mà thôi.

Hãy thay đổi cách dạy và học sử!

Cả một thời chúng ta đánh đồng Lịch sử với lịch sử chiến tranh giữ nước, đánh đồng thông tin, ý nghĩa sự kiện, thứ nhan nhản trên internet bây giờ - là kiến thức phải nắm, phải học. Chúng ta rời xa điều cốt lõi là học phương pháp nghiên cứu, cách thức suy luận, phản biện một cách logic và nhất là chúng ta đã xa rời thực tế: học sử xây đắp ước mơ, để hướng nghiệp.

Việc không trả lời được 2 câu hỏi cơ bản: “Môn Sử là gì? Học Sử làm gì?” - Thì chẳng ngạc nhiên khi các học sinh đã bị biến thành những cỗ máy học thuộc không cảm xúc, và như những con ngựa kéo bị bịt mắt, phải chạy bất định trên con đường tri thức, được các nhà quản lý giáo dục vạch sẵn.

Theo Người đưa tin