Bí mật của nghệ nhân cuối cùng dòng họ Lại giữ nghề làm giấy sắc phong “vàng son một thuở”

Thảo Huyền

Cách đây khoảng 600 năm, dòng họ Lại ở thôn Trung Nha, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội được ban đặc ân làm giấy sắc phong cho các triều đại phong kiến. Nghề cao quý nổi tiếng một thời ấy có lúc tưởng chừng không còn tồn tại do biến thiên lịch sử…

Nghề làm giấy sắc phong “độc quyền” của dòng họ Lại

Tìm đến con phố Nhật Tảo (phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), tôi đến thăm nhà của gia đình nghệ nhân Lại Phú Thạch, cũng là nơi ông lưu giữ nghề gia truyền làm giấy sắc phong của dòng họ Lại. Ngôi nhà nép sâu trong một con ngõ nhỏ với thiết kế độc đáo, khác lạ so với những ngôi nhà xung quanh. Trong căn phòng bộn bề đồ nghề, ông Thạch đang miệt mài vẽ từng nét bút.

Nghệ nhân Lại Phú Thạch – nghệ nhân của dòng họ Lại chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật về nghề làm giấy sắc phong.

Sắc phong là văn bản truyền mệnh lệnh của vua phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình đền trong tín ngưỡng làng xã của người Việt. Văn kiện sắc phong thường làm bằng loại vải hay giấy đặc biệt… Do được dùng vào việc trọng đại nên tờ giấy sắc phong đòi hỏi phải có chất lượng cao và quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Cũng bởi tầm quan trọng ấy, chỉ duy nhất một dòng họ được “độc quyền” làm giấy sắc. Đó là dòng họ Lại ở đất thôn Trung Nha.

Tính đến nay, nghề làm giấy sắc phong của dòng họ Lại đã có lịch sử hơn 600 năm. Dòng họ Lại là dòng họ duy nhất nắm giữ được bí quyết làm loại giấy đặc biệt dành cho các triều đình phong kiến Việt Nam. Ông Thạch chia sẻ: “Dòng họ Lại đã có tầm 30-40 đời giữ nghề làm giấy sắc phong. Xưa kia, dòng họ Lại ở trong thôn rất đông, hầu hết nhà nào cũng làm giấy dó nhưng duy chỉ có gia đình ông Thạch làm được giấy sắc”.

Theo ông Thạch, giấy sắc muốn bền đẹp phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu chính là vỏ dó. Ông nói: “Một tờ giấy dó chuẩn để làm nên giấy sắc phải là loại giấy không lẫn tạp chất và được xử lý qua nhiều công đoạn. Tờ giấy sắc đạt chuẩn phải đảm bảo lâu bền, chịu được thời gian mà không bị mối mọt, mục rữa và có độ nhẵn mịn để có thể viết được”.

Giấy sắc phong khác với những loại giấy thông thường không chỉ về chất lượng mà cả về khâu vẽ trang trí. Để có được các loại màu vẽ, ông Thạch phải sử dụng các chất liệu khác như bột vàng, bạc, các loại màu tự nhiên từ cây, cỏ để pha chế. Khi có được những màu sắc ưng ý, ông bắt tay vẽ trang trí giấy sắc tùy theo yêu cầu.

Căn phòng nhỏ của ông Thạch bộn bề đồ nghề làm giấy sắc phong.

Ông Thạch cho biết, giấy sắc phong được phân loại theo vai trò. Sắc phong cho bách quan có ba hạng là Nhất đẳng quan, Nhị đẳng quan và Tam đẳng quan. Sắc phong cho bách thần có ba hạng là Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần.

“Các tờ giấy sắc phong giữa các triều đại phong kiến không có nhiều khác biệt, chất liệu giấy như nhau, chỉ khác nhau về màu sắc tờ giấy và họa tiết trên giấy. Mỗi họa tiết trên tờ giấy sắc phong sẽ thể hiện một chức tước của từng triều đại”, ông Thạch cho biết.

Hoài niệm về nghề cao quý của dòng họ

Theo dòng chảy biến thiên của lịch sử, chế độ phong kiến sụp đổ, tưởng rằng nghề làm giấy sắc đã bị thất truyền, nhưng bí kíp làm nghề vẫn âm thầm được truyền từ đời này sang đời kia trong dòng họ Lại.

Trước đây, vì phải mưu sinh “cơm áo gạo tiền”, ông Thạch đã có một khoảng thời gian lãng quên nghề gia truyền của dòng họ. Khoảng chục năm trở về đây, khi một số người có nhu cầu tìm đến, ông cũng bắt đầu trở lại làm giấy sắc phong. Khi mới trở lại làm nghề, dù vẫn còn nhớ những bí kíp “gia truyền” nhưng ông phải trải qua rất nhiều lần thử mới phục dựng thành công sắc phong hoàn chỉnh và đúng chuẩn như giấy sắc đã làm ngày trước.

Vừa tỉ mỉ vẽ từng nét rồng ẩn trong mây trên giấy sắc phong, ông Thạch khẳng định, những tờ giấy sắc trên thị trường đều không chất lượng bằng giấy sắc của ông. Ông chia sẻ: “Tôi làm thủ công hoàn toàn nên một tờ giấy sắc làm ra tốn khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, không cần biết thời gian làm giấy sắc nhanh hay chậm nhưng phải đảm bảo chất lượng mới là điều quan trọng. Tôi làm giấy sắc phong để hoài cổ chứ không phải vì mưu cầu cho cuộc sống”.

Nghệ nhân Lại Phú Thạch luôn tự hào: “Tôi làm giấy sắc đúng theo công nghệ của cách đây 500-600 năm nên chất liệu, kiểu dáng, họa tiết vẫn y như trước”.

Một vài giấy sắc phong của triều Nguyễn, triều Lê mà ông Thạch đang làm.

Ông Thạch cho biết thêm, tất cả kỹ thuật làm giấy sắc không có sách vở để truyền dạy, hàng ngày ông làm như thế nào thì con cháu phải quan sát để học và tập làm. Trong gia đình, mặc dù con cháu đều nắm được bí kíp gia truyền nhưng chẳng ai còn tha thiết với nghề, vì nghề công phu song thu nhập lại không đảm bảo được cuộc sống..

Chia sẻ về việc lưu giữ nghề của dòng họ, ông Thạch trăn trở: “Chắc chẳng còn ai nối tiếp giữ nghề, bởi để làm giấy sắc phong vô cùng tỉ mỉ và qua nhiều công đoạn, nhưng chẳng mấy người biết đến giá trị của nó mà đến mua. Bởi, không phải ai cũng có thể sử dụng được giấy sắc này”.

Như lời ông nói, do nhu cầu xã hội và sự thay đổi về công nghệ sản xuất giấy mà nghề làm giấy sắc một thời vàng song nay đã dần nay đã tàn lụi và có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Đó là lý do người nghệ nhân già vẫn luôn đau đáu nỗi longhề truyền thống hơn 600 năm của dòng họ bị thất truyền…

“Hiện nay, tôi làm giấy sắc phong như hoài niệm về nghề truyền thống của dòng họ gia đình. Tôi nhận phục dựng những tờ giấy sắc phong cho những người có nhu cầu thật sự chứ không sản xuất đại trà để bán. Nhiều người có nhu cầu sở hữu một tờ giấy sắc phong thật vẫn tìm đến tôi để cùng nâng niu trân trọng “báu vật” một thời…”, nghệ nhân Lại Phú Thạch chia sẻ