Bí mật hành trình sưu tập cổ vật “đẳng cấp thế giới” của nhà sưu tầm Sài thành

Thảo Huyền

Bộ sưu tập là các hiện vật bằng chất liệu gốm Satsuma, nổi tiếng, giá trị bậc nhất xuất xứ từ Nhật Bản. Các món cổ vật này hiếm và quý đến nỗi chỉ có thể sưu tầm qua việc đấu giá trên các sàn đấu giá đồ cổ uy tín thế giới. Hơn thế, những món cổ vật này đều được vẽ trang trí bằng vàng và những khoáng sản đặc biệt.

“Của hiếm” của thế giới

Không quá đồ sộ, quy mô nhưng bộ sưu tập gốm Nhật cổ của 2 nhà sưu tầm đồ cổ Đào Trần Quốc Chương và Trương Đình Bảo Long (cùng SN 1974, ngụ TP.HCM) khiến người trong giới phải trầm trồ, thán phục. Bởi, các hiện vật đều được chế tác bằng gốm Satsuma, loại gốm nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Đánh giá về loại gốm này, nhà sưu tầm Trương Đình Bảo Long nhận định: “Qua 150 năm lịch sử minh định không có dòng đồ gốm nào có thể cạnh tranh với tay nghề thủ công chế tác gốm Satsuma”.

Không chỉ thế, các món cổ vật trong bộ sưu tập đều thỏa mãn những tiêu chí khắt khe đến không tưởng. Anh Chương cho biết: “Đầu tiên, hiện vật phải là di sản của quốc gia của Nhật Bản. Thứ 2, chúng là sản phẩm do những nghệ nhận có tên tuổi đã được thế giới vinh danh chế tác. Kế tiếp, món cổ vật là đồ ngự dụng của Hoàng gia Nhật Bản. Cuối cùng, chúng phải là đồ độc bản, mỗi sản phẩm chỉ có một món, không có cái thứ hai trên thế giới”.

Anh Chương giới thiệu chiếc bình bằng gốm cổ Satsuma độc nhất vô nhị trên thế giới trong bộ sưu tập của mình.

Hiện nay, bộ sưu tập của 2 nhà sưu tập trên đã đầy đủ 4 thể loại này. Về tiêu chí đầu tiên, anh Chương giới thiệu chiếc bình cực quý hiếm. Anh cho biết, chiếc bình cao khoảng 78cm, đường kính 42cm đắp nổi những họa tiết tinh xảo. Thông tin về xuất xứ “hoàng gia” của món cổ vật này được thế giới công nhận, dưới đáy bình cũng được đóng dấu “quốc sản”.

“Tôi có được món cổ vật này cũng từ một sự may mắn hiếm gặp. Trong lúc tìm kiếm đồ gốm Satsuma cổ trên các sàn đấu giá thế giới, tôi vô tình thấy hình ảnh chiếc bình này. Tôi liên hệ thì được người bán kể lại câu chuyện sở hữu chiếc bình. Theo đó, người này là hậu duệ đời thứ 6 của một vị quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ. Chiếc bình này, ông được đoàn quan chức cấp cao của Nhật Bản tặng lại trong chuyến viếng thăm Mỹ. Sau đó, theo dòng chảy lịch sử, trải qua hơn trăm năm, chiếc bình lưu lạc trên đất Mỹ cùng những lần di chuyển của dòng họ người sở hữu. Thấy nó quá đẹp, tôi bỏ một số tiền lớn để mua rồi chuyển về Việt Nam”, anh Chương kể.

Chiếc bình có đóng dấu quốc sản (bên trái) và cặp bình đại (bên phải) quý hiếm bậc nhất thế giới được anh Chương và đồng nghiệp dày công sưu tầm.

Sau khi có chiếc bình, anh vẫn chưa tin vào câu chuyện người bán kể lại. Phát hiện dưới đáy bình có đóng dấu với những ký tự Hán cổ, anh chụp ảnh và gửi sang đơn vị tổ chức đấu giá cổ vật uy tín thế giới dịch, thẩm định giúp. Tại đây, anh vô cùng bất ngờ vì nhận được nhiều thông tin quý giá về chiếc bình. Anh kể: “Tổ chức này cho biết, các ký tự trên được dịch là “quốc sản”, nghĩa là sản phẩm của quốc gia””.

Săn tìm trên sàn đấu giá cổ vật quốc tếm

Ngoài chiếc bình quý trên, 2 nhà sưu tập còn sở hữu nhiều món cổ vật có độ hiếm, giá trị ở tầm quốc tế. Một trong số đó là cặp lộc bình khủng khắc họa huyền thoại về cuộc nội chiến và toàn bộ hoa văn, hồi văn của Nhật Bản. Đây cũng là hiện vật bằng gốm cổ của Nhật Bản có kích thước lớn và duy nhất trên thế giới. Anh Chương cho biết, để có được đôi lộc bình cao 175cm, đường kính bụng 63cm, đường kính vành miệng 70cm này, anh phải bán 1 miếng đất có diện tích lớn cùng 1 căn nhà mặt phố.

Các hiện vật trong bộ sưu tập của anh Chương và đồng nghiệp đều có chất liệu là gốm cổ Satsuma, một loại gốm nổi tiếng bậc nhất của Nhật Bản.

“Mang được cặp lộc bình này về Việt Nam cũng hết sức kỳ công. Để đảm bảo an toàn cho món hàng, họ đóng gói chúng lớn bằng một chiếc xe rồi chuyển về Việt Nam theo đường hàng không với mức phí cực cao. Do quá to, món hàng này trở thành hàng quá khổ. Đơn vị chuyển phải đợi máy bay vận tải có chuyến về Việt Nam mới gửi sang cho tôi được. Tôi phải đợi 8 tháng trời trong lo lắng mới nhận được tin hàng đã hạ cánh an toàn. Tại sân bay, tôi tiếp tục thuê 8 người khiêng thùng chứa 2 chiếc bình này với chỉ công khiêng cũng là10 triệu đồng”, anh Chương kể.

Tuy nhiên, những khó khăn trên “chưa là gì” trong hành trình săn tìm cổ vật quý hiếm ở sân chơi thế giới của anh và người bạn đồng hành. Anh cho biết, anh đến với thú sưu tầm gốm cổ Satsuma theo lời khuyên của bạn bè. “Khi biết tôi muốn chơi đồ cổ, các bạn tôi khuyên nên tìm dòng gốm nào đó đặc biệt, chưa ai chơi. Bởi, thời điểm tôi tiếp cận thú chơi này, đồ gốm giả cổ của Trung Quốc, Việt Nam đang cực thịnh. Duy chỉ có gốm Satsuma của Nhật Bản là gần như không thể làm giả và chưa có ai trong nước, thậm chí trong khu vực sưu tầm”, anh kể.

Các hiện vật trong bộ sưu tập đều được trang trí bằng những nét vẽ tinh xảo. Các nét vẽ có màu vàng được nghệ nhân sử dụng vàng thật 100% để thể hiện. Các sắc màu khác cũng được chế từ những loại khoáng sản đặc biệt.

Bước vào lĩnh vực cực kỳ mới mẻ, anh và bạn đồng hành vấp phải vô số khó khăn. Một trong số đó là tài liệu, thông tin về dòng gốm Satsuma và các hiện vật quý hiếm được tạo tác từ loại gốm này không có ở Việt Nam. Để có thông tin, kiến thức, anh phải tìm trên các sàn đấu giá cổ vật uy tín trên thế giới, giao lưu với những bảo tàng lớn ở nước ngoài như: Victoria & Albert Museum (Anh), Guimet Museum of Asian Art (Pháp), Philadelphia Museum of Art (Mỹ), Saint Petersburg Museum (Nga). Ngoài ra, hai nhà sưu tập cũng liên hệ, giao lưu với những nhà sưu tập tư nhân nổi tiếng trên thế giới.

Anh Chương nói, càng đi sâu tìm hiểu, anh càng bị giá trị nghệ thuật của dòng gốm Satsuma chinh phục. Theo anh, gốm Satsuma Nhật Bản có những những nét rất riêng, độc đáo mà không loại gốm nào có được. “Gốm Satsuma ra đời trong giai đoạn giao thời giữa thời Mạc Phủ và Thiên Hoàng Minh Trị. Thời điểm này, dòng gốm trên phát triển rực rỡ, đạt đến ngưỡng tinh hoa nghệ thuật. Nếu đem so sánh với nhau, gốm sứ Trung Quốc ở giai đoạn này không thể bì với gốm Nhật”, anh Chương thông tin.

Không chỉ phủ kín hoa văn trang trí trên thân hiện vật, nghệ nhân còn dụng công vẽ trang trí trên miệng, đáy các sản phẩm của mình.

Cũng theo anh, nét đẹp mê hoặc của các hiện vật trong bộ sưu tập của anh đến từ những họa tiết trang trí và giá trị văn hóa, lịch sử mà chúng khắc họa. Về nghệ thuật, các hiện vật có giá trị cực cao khi những họa tiết được người nghệ nhân thực hiện bằng tay một cách kỳ công cùng trí tưởng tượng phong phú. “Không như gốm Trung Quốc, các hiện vật bằng gốm Nhật được phủ kín bề mặt bởi những họa tiết, hình vẽ vô cùng tinh xảo, sống động. Đặc biệt, dòng gốm này nổi bật với lối vẽ nổi 3D hiếm gặp. Hơn thế, các họa tiết có màu vàng, nghệ nhân đều sử dụng vàng thật 100% để vẽ. Trong khi đó, các sắc màu khác cũng được chế từ những khoáng sản đặc biệt”, anh Chương phân tích.

Ngoài ra, mỗi sản phẩm thuộc dòng gốm này đều thể hiện một cách trọn vẹn một nét văn hóa, lát cắt lịch sử, đời sống sinh hoạt xã hội Nhật Bản trên bề mặt thông qua những nét vẽ điêu luyện.

Sau nhiều năm sưu tầm, lưu giữ các hiện vật là gốm Satsuma quý hiếm bậc nhất thế giới, anh Chương đã thỏa mãn niềm đam mê của mình. Hiện, anh đang có ý định chuyển nhượng lại bộ sưu tập cho người có cùng đam mê.

Có thể nói, gốm Satsuma đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Điều này khiến các hiện vật loại này vô cùng hiếm gặp và đắt đỏ và chỉ có thể tìm thấy trên sàn đấu giá cổ vật thế giới. Anh Chương cho biết, để hoàn thành bộ sưu tập hội đủ 4 tiêu chí khắt khe kể trên, anh đã “quần thảo” các sàn đấu giá và bỏ nhiều kỳ công đấu trí cùng các nhà sưu tầm thế giới. Anh kể: “Tôi may mắn có được những sản phẩm này vì có nhiều lợi thế. Đầu tiên, khi tôi chơi dòng sản phẩm này, ở Việt Nam không có người chơi nên không có ai để cạnh tranh chỉ có đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài”.

“Đối thủ ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế lớn, song cũng có những điểm yếu chết người. Một trong số đó là họ có thời gian nghỉ, trong khoảng thời gian này, họ không quan tâm đến các phiên đấu giá. Cụ thể, từ tối thứ Sáu đến chiều Chủ Nhật, họ không tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào. Vào thời gian này, dẫu có cổ vật quý, giá trị cực cao họ cũng không màng. Tôi chọn thời điểm này để tham gia đấu giá và dĩ nhiên đều thắng hết. Còn những ngày khác, tỉ lệ đấu giá thắng của tôi chỉ 50%. Do đó, từ khi chơi dòng gốm này, tôi như người sống về đêm”, anh Chương dí dỏmkhi chia sẻ về kinh nghiệm “săn” cổ vật của mình.

Nuôi dưỡng và cộng hưởng đam mê

Anh Đào Trần Quốc Chương cho biết, sau nhiều năm sưu tầm, lưu giữ các hiện vật là gốm Satsuma quý hiếm bậc nhất thế giới, anh đã thỏa mãn niềm đam mê của mình. Do còn phải tập trung cho những công việc khác trong tương lai, anh có ý định sẽ chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần bộ sưu tập của mình cho người cùng đam mê.