Bệnh cúm là một bệnh lý đường hô hấp do virus gây ra. Bệnh nhân mắc bệnh cúm thường bị sốt, đau đầu, đau cổ họng, đau nhức bắp thịt khắp cơ thể, ho và mệt mỏi kéo dài. Cúm cũng có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và thậm chí gây tử vong ở người.
Các đường lây truyền của bệnh cúm
Vì ít được chú ý nên cúm là bệnh có khả năng lây lan rất cao giữa người với người, tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành dịch. Cúm lây truyền chủ yếu qua 2 con đường sau:
- Dịch tiết đường hô hấp: Người bị cúm thường có những triệu chứng như hắt hơi hoặc ho. Khi ấy, các loại virus cúm cũng theo dịch tiết ra bên ngoài và có thể phát tán xa gần 2 mét trong không khí. Bên cạnh đó, trò chuyện cũng có thể khiến virus cúm thoát ra bên ngoài và dễ dàng tiếp cận người đối diện.
Thời gian đỉnh điểm của dịch cúm thường vào mùa đông hoặc khi thời tiết trở lạnh vì khi đó chúng ta có xu hướng tiếp xúc gần với người khác hơn, gia tăng khả năng lây truyền cúm (nếu có).
- Chạm vào các đồ vật, vật dụng mà người bị cúm đã từng chạm vào cách đây không lâu: Khi hắt hơi hoặc ho, người bệnh có khuynh hướng dùng tay hoặc khăn để che miệng. Sau đó, nếu người bệnh không bỏ khăn vào thùng rác hay không rửa tay mà chạm vào điện thoại, cốc nước, mặt bàn, đũa, bát,… virus cúm sẽ bám vào các loại vật dụng này và có thể tồn tại đến 48 giờ sau. Khi một người khỏe mạnh vô tình chạm những vật trên và đưa tay lên mũi, miệng hoặc mắt, virus cúm nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể vật chủ mới để phát triển, gây ra bệnh cúm.
Thời điểm nào dễ lây truyền cúm?
Có lẽ bạn không biết khi bản thân vẫn đang cảm thấy khỏe mạnh thì lại là thời điểm dễ lây truyền cúm. Bạn hoàn toàn có thể truyền cúm cho người khác trước khi biết mình bị bệnh (còn gọi là thời gian ủ bệnh), cũng như lúc đã xuất hiện triệu chứng cúm (thời gian phát bệnh).
Cúm dễ lây truyền nhất trong giai đoạn từ 3 – 4 ngày đầu sau khi phát bệnh. Hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh có thể lây nhiễm cho người khác trong vòng 1 ngày trước khi các triệu chứng cúm gia tăng, hoặc tối đa là 5 – 7 ngày sau đó. Trẻ em và những người có hệ miễn dịch yếu có thể lây truyền virus cúm trong thời gian dài hơn 7 ngày.
Các triệu chứng thường bắt đầu khoảng 2 ngày (nhưng có thể từ 1 – 4 ngày) sau khi virus cúm xâm nhập vào cơ thể, nghĩa là bạn luôn tiềm ẩn nguy cơ truyền cúm cho người khác trước khi biết mình bị bệnh. Một số người bị nhiễm virus cúm nhưng có thể không biểu hiện triệu chứng. Trong thời gian này, những người đó vẫn là nguồn lây truyền virus cúm cho người khác.
Biến chứng của bệnh cúm
Hầu hết những người bị cúm đều ở thể nhẹ, không cần chăm sóc y tế hoặc dùng thuốc kháng virus, thời gian hồi phục nhanh (sau chưa đầy hai tuần). Tuy nhiên, cúm là loại bệnh có khả năng để lại biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân sẽ phải nhập viện và trong một số trường hợp, cúm có thể gây tử vong ở người.
Viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng xoang và nhiễm trùng tai là những biến chứng liên quan đến cúm, trong đó viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm nhất do diễn tiến bệnh nhanh. Đối với người lớn tuổi và những người mắc bệnh mạn tính, viêm phổi biến chứng từ cúm hoàn toàn có thể gây tử vong. Nếu bạn bị cúm và ho trên 3 tuần, hãy đến bệnh viện để kiểm tra ngay, nhằm phát hiện biến chứng viêm phổi.
-
Cúm cũng có thể làm cho các vấn đề sức khỏe mạn tính trở nên tồi tệ hơn như bệnh hen suyễn hoặc suy tim sung huyết mạn tính.
-
Các yếu tố làm gia tăng biến chứng của bệnh cúm
-
Tất cả những yếu tố về sức khỏe và tuổi tác có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng do cúm như:
-
Hen suyễn
-
Các bệnh lý thần kinh
-
Các bệnh lý rối loạn về máu (như bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm)
-
Bệnh phổi mãn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD và xơ nang)
-
Rối loạn nội tiết (như đái tháo đường)
-
Bệnh tim (như bệnh tim bẩm sinh, suy tim sung huyết và bệnh động mạch vành)
-
Rối loạn chức năng thận
-
Rối loạn chức năng gan
-
Rối loạn chuyển hóa (như rối loạn chuyển hóa di truyền và rối loạn ty thể)
-
Những người béo phì có chỉ số khối cơ thể BMI từ 40 trở lên
-
Những người dưới 19 tuổi sử dụng thuốc chứa aspirin hoặc salicylate trong thời gian dài
-
Những người có hệ thống miễn dịch yếu do bệnh (người nhiễm HIV hoặc AIDS, một số bệnh ung thư như bệnh bạch cầu) hoặc dùng thuốc (điều trị hóa trị hoặc xạ trị trong ung thư, những người mắc bệnh mạn tính cần dùng corticosteroid hoặc các loại thuốc khác làm ức chế hệ thống miễn dịch)
Những đối tượng dễ nhiễm cúm và mắc biến chứng từ cúm
Trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh mạn tính, nhân viên chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế là những đối tượng dễ bị lây truyền và mắc biến chứng cúm như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng xoang và tai, cụ thể:
- Người lớn từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ mắc cúm và biến chứng cao hơn người trẻ khỏe mạnh do hệ miễn dịch yếu. Theo nhiều thống kê, người lớn tuổi chiếm phần lớn các trường hợp tử vong liên quan đến cúm và có hơn một nửa số ca nhập viện là liên quan đến cúm.
-
Trẻ em dưới 2 tuổi. Mặc dù tất cả trẻ em dưới 5 tuổi đều có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nghiêm trọng, nhưng nguy cơ cao nhất là những trẻ dưới 2 tuổi (tỷ lệ nhập viện và tử vong cao nhất do cúm là ở trẻ dưới 6 tháng tuổi). Tuy nhiên, vì trẻ còn quá nhỏ để tiêm vắc-xin cúm nên biện pháp tốt nhất là những người tiếp xúc với trẻ cần đảm bảo đã được tiêm phòng.
-
Phụ nữ có thai và sản phụ sau sinh 2 tuần có nhiều khả năng mắc cúm và biến chứng từ cúm hơn phụ nữ không mang thai.
-
Những người sống và làm việc trong viện dưỡng lão hoặc các cơ sở chăm sóc dài hạn khác.
Hiểu rõ các đường lây truyền và biến chứng cúm nguy hiểm cũng như các yếu tố làm gia tăng biến chứng sẽ giúp bạn nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm.