Trong những ngày phần lớn người dân được ở nhà thay vì chạy đôn chạy đáo như con thoi từ nhà đến trường học của con, ăn vội bữa sáng rồi vù đến công sở cho kịp buổi họp, hết giờ làm lại đón con, ghé chợ búa mua mớ rau con cá…, thì dường như ai nấy đều rảnh rỗi và dễ xúc động hơn.
Trong lúc lướt mạng tìm trò giải trí để lấp đầy thời gian giãn cách xã hội, bỗng họ bắt gặp đoạn clip quay lại cảnh giằng co giữa một bà Phó Chủ tịch phường và một chị hàng rong nom có vẻ lam lũ.
“Đuổi chợ”, “Chủ tịch”, “hàng rong” - chỉ vài khái niệm đầu tiên đó thôi cũng đủ làm xuất hiện trong đầu họ ý nghĩ thiếu công tâm: Hình như có chuyện bất công gì ở đây…
Đã thế, hình ảnh chị bán rau van xin khóc lóc còn bà Phó Chủ tịch phường giọng đanh thép “…thu giữ đưa hết về phường... không nói nhiều” càng xác nhận cho họ: Đúng là có chuyện cán bộ xử ép người dân rồi.
Mà nghe đâu trong clip lại có cả vài từ thông tục của bà Phó Chủ tịch: “Con này, mày có bị điên không?... Nó nhảy xuống thì ai chịu?”. Thôi xong, công bộc của dân lại gọi dân là “nó”, “con này”, “mày”, “điên”. Thế thì to chuyện quá rồi (!)
Cứ thế… cứ thế…, một vụ việc xử lý vi phạm trật tự đô thị của lực lượng chức năng tại một địa phương bỗng chốc được cư dân mạng phóng tác lên thành câu chuyện không có hậu theo mô-tip “kẻ mạnh” hiếp đáp “kẻ yếu” như trong truyện kiếm hiệp hay mấy game kinh điển.
Tôi gọi đó là thứ cảm xúc dễ dãi mang màu sắc dân tuý của những người hồ đồ, có thói quen nhận định thiếu kiểm chứng.
Đành rằng bà Lê Thị Hiền – Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy – trong lúc thực thi công vụ chiều 18/4, đã sai khi phát ngôn thiếu chuẩn mực với dân. Dù có nóng nảy, áp lực như thế nào thì hành vi đó cũng đã vi phạm đạo đức công vụ của người cán bộ, Đảng viên.
Để giải quyết câu chuyện này, lãnh đạo TP. Hạ Long đã đích thân xuống nhà chị bán rau - Vũ Thị Chinh (31 tuổi, phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) để xin lỗi. Bà Lê Thị Hiền đã có văn bản giải trình vào ngày 21/4. Thành uỷ Hạ Long cũng đã có công văn gửi Đảng ủy phường Bãi Cháy và cơ quan hữu quan yêu cầu xác minh làm rõ, báo cáo Thường trực Thành uỷ trước ngày 25/4.
Chắc chắn sẽ có một quyết định kỷ luật dành cho vị Phó Chủ tịch. Nhưng đó là câu chuyện hoàn toàn tách biệt với câu chuỵện tôi sắp trao đổi dưới đây.
Những ai vẫn đang ra sức bảo vệ, bênh vực cho chị Vũ Thị Chinh khi những vi phạm liên tiếp, vi phạm nhiều lỗi của chị này đã thể hiện rõ ràng một thái độ vô pháp, đặc biệt trong những ngày cả nước đồng lòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Thứ nhất, chị Chinh bán hàng rong dưới lòng đường là đã vi phạm Nghị định 46/2016/NĐ-CP về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Vi phạm này còn có tình tiết tăng nặng là lặp lại 4 lần trong một tháng. Theo lãnh đạo phường Bãi Cháy và các biên bản lưu giữ tại phường thì chị Chinh đã có 4 lần vi phạm trật tự đô thị trong tháng 4/2020, vào các ngày 11, 14, 16 và 18/4.
Ở đây hẳn nhiều người sẽ mang câu chuyện dài về mối quan hệ giữa siêu thị và chợ truyền thống, giữa trật tự đô thị và sinh kế của người nghèo ra để tranh luận. Đành rằng đó là vấn đề đến nay chưa thể giải quyết hài hoà, triệt để song trên tinh thần thượng tôn pháp luật thì vi phạm vẫn cứ là vi phạm.
Thứ hai, chị Chinh vi phạm vì sử dụng “xe lắp ráp trái quy định” theo Nghị định 46/2016. Theo đó, người điều khiển loại xe lắp ráp trái quy định tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền 800.000 - 1.000.000 đồng, ngoài ra còn bị tịch thu xe và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Nhìn hình ảnh chiếc xe cho thấy bánh xe là xe gắn máy, càng xe có chữ Honda nhưng tay lái lại là tay lái xe đạp, do đó hoàn toàn có thể bị tịch thu theo luật.
Thứ ba, có người nói vì chị này bán rau củ là loại hàng hoá thiết yếu nên không vi phạm Nghị định 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Tôi thì cho là chị Chinh có vi phạm Nghị định 16. Bởi vì tuy bán hàng hoá thiết yếu nhưng chị này đi rong, thay đổi địa bàn liên tục, khó quản lý.
Nếu như chị này gây ra lây nhiễm trong cộng đồng thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai nếu như không phải là phường Bãi Cháy? Bởi vậy phường này yêu cầu chị Chinh không đi rong mà đăng ký vào chợ bán là đúng chức năng nhiệm vụ.
Thứ tư, người bán rau cũng đã vi phạm lỗi chống người thi hành công vụ. Bị nhắc nhở 3 lần đầu, chị này kiên quyết không ký vào biên bản, thậm chí sẵn sàng bỏ lại xe đạp, mua xe khác để đi bán tiếp. Lần thứ tư vi phạm, khi không xin được thì chị giơ con dao ra. Rõ ràng ở tình thế không phải bị đe doạ tính mạng mà giơ hung khí ra thì không thể nguỵ biện là vì mục đích tự vệ được.
…
Trong một xã hội pháp quyền, chúng ta không nên dung dưỡng cho vi phạm pháp luật của bất cứ ai. Nếu đã không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm thì người nghèo cũng không thể dùng cái mác nghèo như thứ “kim bài” hộ mệnh để được miễn trừ trách nhiệm thực thi pháp luật.
Mà chị Chinh cũng không phải người nghèo. Theo lãnh đạo địa phương thì gia đình chị này có nhà 2 tầng khang trang, sân vườn rộng, có chồng làm trong một đơn vị ngành than có thu nhập ổn định, không nằm trong tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn nghèo đang áp dụng
Người nghèo cũng không sẵn sàng bỏ lại xe đạp khi bị bắt giữ để mua xe khác rồi vi phạm tiếp. Lần bị tạm giữ phương tiện này, chị Chinh cho biết nếu bị phạt nhiều tiền thì sẵn sàng bỏ lại chiếc xe lắp ráp sai quy cách đó. Chỉ riêng việc không chấp hành xử lý hành chính đã thể hiện thái độ vô pháp rồi.
Ấy vậy mà, nguy hiểm thay, do sự cổ suý thiếu hiểu biết của một bộ phận cư dân mạng, chị này đang nghĩ mình là đúng, là được tôn vinh (vì được cả lãnh đạo phường đến nhà xin lỗi) nên vừa “mạnh dạn” yêu cầu lãnh đạo phường mang trả lại xe tận nhà cho mình.
Khi được hỏi lý do thì chị cũng hồn nhiên cho biết là được một người thân tư vấn cho như vậy chứ bản thân cũng không biết có đúng luật hay không (!)
Cuộc chiến chống Covid-19 đang ở giai đoạn nước rút. Những ngày tới, chúng ta sẽ được đi làm, đi học bình thường hay tiếp tục thất nghiệp nằm nhà? Điều đó phụ thuộc vào ý thức của những người như chị Chinh, và cả những lời bình luận trên mạng xã hội của mỗi chúng ta.
Bởi vậy, hãy xúc động đúng lúc, đúng chỗ thôi!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả