COVID-19 đã tạo ra một vách kính vô hình ngăn cách mỗi người, song lại cho chúng ta thấy trân quý những điều tưởng chứng đơn giản, là được xích lại đủ gần để sẻ chia và an ủi, để tạo ra nguồn sức mạnh quý giá giúp con người vượt qua khủng hoảng.
Một năm qua, thế giới đã trải qua nhiều đêm đáng sợ với những tiếng còi cấp cứu hú dài trên từng tuyến phố, người dân mỗi tối dành những tràng pháo tay cảm ơn các nhân viên tuyến đầu. Đó cũng là những ngày buồn khi các thống kê cứ tăng nhanh dần từ mốc trăm nghìn, rồi lên hàng triệu và hàng chục triệu ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong cũng nhích dần lên. Vaccine COVID-19 được ca ngợi là “ánh sáng le lói cuối đường hầm” đang giúp thế giới mơ về “những ngày không có dịch”. Chưa biết viễn cảnh đó có xảy ra sớm hay không nhưng chắc chắn nhiều năm sau, thế giới sẽ còn nhắc tới 2020 như một năm hết sức đặc biệt, với những điều mà người dân phải thay đổi để thích nghi với cuộc sống giữa đại dịch.
Đó là một năm đối với nhiều người không có sự phân biệt về không gian và thời gian, nằm trong bốn bức tường của căn hộ, là đôi khi không phân biệt được hôm nay là thứ 2 hay thứ 3. Chúng ta phải thích nghi với thực tế mới đó là biến phòng khách thành văn phòng và phòng ngủ thành phòng học. COVID cũng khiến con người ít quan tâm đến hình dáng và bề ngoài hơn, và có hay chăng cũng chỉ chăm chút cho phần từ thắt lưng trở lên, vì tất cả những gì họ cần là chỉn chu trước khuôn hình trong cuộc họp trực tuyến. COVID-19 cũng thay đổi quan niệm, nhận thức, thậm chí là văn hóa ăn sâu vào nhiều quốc gia. Những lời kêu gọi đeo khẩu trang xuất hiện nhiều trên đường phố của các nước châu Âu, hình ảnh những người dân phương Tây đeo khẩu trang trên phố đã trở nên phổ biến, điều vốn khá hiếm hoi trước đại dịch.
Nỗi lo nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng khiến con người trở nên “sợ chạm vào nhau” hơn. Những điều vốn rất quen thuộc và trở thành những thói quen hàng ngày của nhiều người như bắt tay, ôm hôn đã bị cấm vào đúng thời điểm chúng ta cần nhất. Điều này đã tạo ra những xáo trộn tâm lý và không ít người bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Tuy nhiên cũng có những mặt tích cực khi sự giãn cách xã hội đã tạo ra một sự gần gũi mới. Sẽ không còn la cà quán xá sau giờ làm, thay vào đó chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, dành thời gian kết nối lại với những người bạn đã từ lâu không gặp. Những lời hát cất lên từ ban công của các hộ gia đình tìm cách giao lưu từ xa trong thời gian giãn cách xã hội, những lớp học trực tuyến, những ngày “đi chợ” trên điện thoại và những buổi họp gia đình “qua màn ảnh nhỏ” là cách con người giao lưu và chia sẻ tình cảm trong những ngày đại dịch.
Không chỉ thay đổi cách chúng ta sống, COVID-19 cũng thay đổi cuộc sống của nhiều người. Năm 2020 chứng kiến số người nghèo đói cùng cực gia tăng và họ phải đấu tranh để có “đủ bánh mỳ” trên bàn ăn.
Ở New York, có những gia đình nhập cư phải xếp hàng suốt 5 tiếng đồng hồ để nhận được khẩu phần ăn ít ỏi, bao gồm một chiếc bánh sandwich và một chút nước sốt táo. Trên tàu điện ngầm, nhiều những người vô gia cư biến toa tàu thành chỗ ngủ, vì họ sợ hãi phải qua đêm trong các trung tâm lưu trú quá đông đúc. Nghèo đói đã trở thành kẻ truyền bá đại dịch và đại dịch cũng đang khiến thế giới trở nên nghèo đi. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, đại dịch COVID-19 có thể đẩy 150 triệu người trên thế giới vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2021. 207 triệu người cũng có nguy cơ bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực trước năm 2030 nếu quá trình phục hồi kinh tế kéo dài.
Dịch COVID-19 cũng làm gia tăng sự bất bình đẳng, đẩy những người yếu thế đối mặt với rủi ro về sức khỏe, với số người nghèo tử vong do COVID cao hơn gấp 3 lần người giàu tại nhiều quốc gia. Thực tế này còn rõ hơn trong cuộc đua sở hữu vaccine và phương pháp điều trị bệnh mới. Trong khi các quốc gia giàu có sử dụng nguồn lực và ảnh hưởng của mình để sở hữu những loại vaccine hiệu quả nhất, thậm chí còn dự trữ, trong khi đó tại các nước nghèo, vaccine còn chưa đủ cho cả những đối tượng cần ưu tiên như bác sỹ tuyến đầu hay người già yếu. COVID cũng phủ bóng lên các mối quan hệ quốc tế, làm rạn nứt sâu sắc hơn những căng thẳng hay khiến các đồng minh quay mặt với nhau, thậm chí dùng tiền để “nẫng tay trên” hàng hóa trang thiết bị bảo hộ y tế của nhau trong thời kỳ đỉnh dịch.
Nói như vậy không có nghĩa là năm 2020 chỉ là những gam màu tối của sự chia rẽ, dịch bệnh và chính sách vị kỷ dân tộc. Những bước tiến thần tốc của cuộc đua bào chế vaccine ngừa COVID-19 , những cam kết đảm bảo phân phối vaccine công bằng hay Phong trào “ban công hy vọng” lan tỏa thế giới đã khơi dậy tinh thần mạnh mẽ của người dân, tiếp thêm sức mạnh cho thế giới trong cuộc chiến chống lại kẻ thù chung – virus SARS CoV-2.
“Tất cả những gì chúng ta cần, đơn giản chỉ là những cái ôm ấm áp” – Thông điệp Giáng sinh của Nữ hoàng Anh Elizabeth II chắc cũng là mong muốn của nhiều người dân thế giới vào thời điểm này. Virus SARS-CoV-2 dường như đã tạo ra một vách kính vô hình ngăn cách mỗi người, song lại nhắc nhở về một cuộc sống với niềm vui đơn giản là được xích lại gần nhau hơn. Đối với nhiều người, điều họ bỏ lỡ nhiều nhất trong năm 2020 là những cái ôm ấm áp dành cho người thân trong những ngày khó khăn. Giáng sinh hay Năm mới là khoảnh khắc đoàn tụ được nhiều người mong chờ. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều người không có cơ hội được đoàn tụ cùng gia đình. “Được ôm lấy những người thân yêu của tôi” nằm trong danh sách những điều đầu tiên nhiều người dân châu Âu muốn làm trong năm 2021, cho thấy những hy vọng của họ về một thế giới không có đại dịch, với các tiếp xúc xã hội thông thường được quay trở lại như thời kỳ trước đại dịch.
Hiện cũng có những đốm lửa hy vọng về đại dịch sẽ sớm kết thúc, khi nhiều quốc gia đang thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 quy mô lớn. Tuy vậy, vẫn có những thách thức khó đoán với những mô hình dự báo dịch bệnh trong ngắn và dài hạn, với các kịch bản và khung thời gian khác nhau. Nếu tồn tại khả năng miễn dịch vĩnh viễn, COVID-19 có thể sẽ biến mất sớm nhất là năm 2021. Nếu khả năng miễn dịch tồn tại trong thời gian trung bình, dịch có thể biến mất trong 1-2 năm tới rồi sẽ trở lại. Còn nếu khả năng miễn dịch ngắn hơn, thế giới có thể sẽ phải đương đầu với COVID-19 như với dịch sốt xuất huyết, vốn cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người mỗi năm mà tới nay vẫn chưa có thuốc chữa hay vaccine phòng bệnh hiệu quả. Có thể nói mọi hy vọng đang chờ đợi vào hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, những bài học của năm 2020 với các đợt bùng phát liên tiếp và xuất hiện những biến thể mới vào giai đoạn cuối năm cho thấy chúng ta cũng không nên quá lạc quan và cần chuẩn bị tâm thế đối phó trước bất cứ thách thức nào trong năm 2021.
Dịch COVID-19 diễn biến trong một năm qua đã cướp đi nhiều mạng sống, tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, nhưng cũng mang đến cho chúng ta những bài học giá trị về cuộc sống, giúp chúng ta sẵn sàng tâm thế đương đầu với mọi khó khăn:
Đừng trì hoãn những điều cần làm: Dịch COVID-19 cho thấy mọi thứ không phải là mãi mãi và đừng trì hoãn những gì bạn muốn làm. Bạn nghĩ rằng mình muốn đi du lịch hoặc đến một nơi nào đó, gặp gỡ một ai đó. Vì lý do này hay lý do khác, bạn luôn trì hoãn quyết định của mình. Tuy nhiên, có lý do để bạn trì hoãn thì cũng có muôn vàn lý do khiến bạn không thể thực hiện được giấc mơ của mình. Dịch COVID-19 là một minh chứng cho thấy có những chuyến đi bạn không thể thực hiện dù đã chuẩn bị sẵn sàng hành trang, hoặc COVID-19 có thể cướp đi mãi mãi những người mà bạn đã từng mong muốn gặp.
Luôn đương đầu với mọi khó khăn: Đại dịch COVID-19 dạy cho chúng ta bài học về việc cần giữ tinh thần lạc quan nhưng cũng phải có sự chuẩn bị cho những trường hợp tồi tệ nhất. Nếu không thể đến trường? Chúng ta sẽ tổ chức học trực tuyến. Không thể đến văn phòng? Chúng ta gặp nhau trên Zoom. Không thể gặp gỡ tiệc tùng? Chúng ta uống bia và trò chuyện qua màn hình điện thoại. Chắc chắn mọi thứ không hoàn hảo, nhưng điều đó cho thấy sẽ luôn có giải pháp cho những vấn đề trong cuộc sống của bạn.
Tìm kiếm hạnh phúc từ những điều giản dị: Bị “trói chân” trong 4 bức tường một thời gian dài giúp bạn khám phá và tìm tòi những điều thú vị mà từ lâu đã bỏ qua. Nhiều người sẽ quay trở lại thú vui đọc sách hay biến phòng khách thành phòng tập thể dục. Những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống có thể giúp bạn giải tỏa những căng thẳng và mệt mỏi trong thời kỳ phong tỏa.
Và điều trên hết là chúng ta cần trân trọng giá trị gia đình, giá trị tình cảm. Có lẽ kể cả khi dịch qua đi những thói quen quây quần cùng gia đình vẫn sẽ được duy trì. COVID-19 cũng giúp chúng ta hiểu hơn về giá trị của những cái ôm, giá trị của cuộc sống với niềm vui đơn giản là xích lại đủ gần để sẻ chia và an ủi, tạo ra nguồn sức mạnh quý giá giúp con người vượt qua khủng hoảng.