Cảnh báo cắt điện trên mảnh đất có tranh chấp đã thực sự thuyết phục chưa?

Biên tập viên

Vụ tranh chấp vẫn đang được giải quyết, Công ty Điện lực Sài Gòn lại liên tục đem ra yêu cầu ngưng cung cấp điện làm cho hoạt động kinh doanh của Công ty Vườn Biển gặp nhiều khó khăn, thiệt hại

Mập mờ về quyền sử dụng đất

Vừa qua, Tòa soạn Báo Đời sống & Pháp luật nhận được đơn thư của Công ty TNHH NS Vườn Biển (sau đây gọi tắt là Công ty Vườn biển) phản ánh về việc Công ty Điện Lực Sài Gòn liên tục thông báo kế hoạch cắt điện tại địa chỉ số 64-66-68 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, Tp Hồ Chí Minh gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện, tại địa chỉ số 64-66-68 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, Tp Hồ Chí Minh, đang là địa điểm kinh doanh nhà hàng Vườn biển, thuộc quản lý của Công ty TNHH NS Vườn Biển.

Nhà hàng Vườn biển 

Tuy nhiên, tại diện tích nói trên đang xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất giữa Công ty Vườn biển và bà Vũ Thị Bích Loan đại diện Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Kinh Doanh nhà Thảo Loan

Cũng theo thông tin đơn thư cung cấp, vụ kiện tranh chấp diện tích đất này đang được Toà án nhân dân Quận 3 thụ lý giải quyết.

Trong quá trình giải quyết vụ án Toà án và Công ty Vườn Biển vẫn chưa thể xác định ai đang là chủ sở hữu hợp pháp của bất động sản tại địa chỉ trên, với một số nội dung cụ thể như sau:

- Bà Vũ Thị Bích Loan không còn là chủ sử dụng, sở hữu nhà đất này;

- Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Kinh Doanh nhà Thảo Loan đã chuyển nhượng toàn bộ nhà đất này cho ngân hàng Sacombank để trừ nợ (Hợp đồng số 038935 ngày 22/09/2011 được ký kết giữa Ngân hàng TMCP Phương Nam và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Kinh Doanh nhà Thảo Loan);

- Ngân hàng Sacombank không nhận mình là chủ sử dụng, sở hữu nhà đất này mà có lời khai xác nhận đã bán đấu giá tài sản nhà đất này cho Bên thứ 3;

- Người mua đấu giá nhà đất này là người bí ẩn vì ngân hàng Sacombank không cung cấp thông tin người mua cho Toà án.

Đề nghị cắt điện vì mảnh đất còn tranh chấp

Theo thông tin đơn thư cung cấp, trước năm 2016, bà Vũ Thị Bích Loan đã thoả thuận cho nhiều người thuê mặt bằng kinh doanh nhưng không thực hiện đầu tư xây dựng công trình có giá trị. Sau đó những người thuê này làm ăn khó khăn đã sang nhượng lại cho Công ty Vườn Biển.

Vào năm 2016 Công ty Vườn Biển làm việc trưc tiếp với bà Vũ Thị Bích Loan về việc thuê nhà do bà Loan nói bà Loan là chủ sở hữu của bất động sản này.

Thực tế sau khi được sự đồng ý của bà Loan thì Công ty Vườn Biển đã tiến hành xây dựng và kinh doanh nhà hàng Vườn Biển mà không có bất cứ ai tranh chấp hay cản trở.

Bà Loan yêu cầu Công ty Vườn Biển ký Hợp đồng thuê nhà với Công ty Thảo Loan thời hạn 01 năm để dễ dàng quản lý sau khi Công ty Vườn Biển đã đầu tư xây dựng xong và đưa nhà hàng vào hoạt động. Công ty Vườn Biển tin tưởng bà Loan là chủ nhà nên khi yêu cầu ký hợp đồng thuê với Công ty Thảo Loan thì đã ký vì nghĩ rằng làm như vậy để bà Loan đóng thuế cho đúng pháp luật.

Sau khi ký hợp đồng thuê nhà với Công ty Thảo Loan thì bà Loan cho người gửi thông báo thanh lý hợp đồng và yêu cầu Công ty Vườn Biển bồi thường. Công ty Vườn Biển bị bất ngờ vì khi thuê nhà và đầu tư xây dựng nhà hàng kiên cố thì bà Loan xác định cho thuê dài lâu tương ứng với giá trị Công ty Vườn Biển đầu tư với số tiền hơn 10.000.000.000 đồng.

Mặc dù bị bà Loan đưa ra yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng Công ty Vườn Biển vẫn chấp hành và yêu cầu bà Loan bồi thường chi phí đầu tư xây dựng mà Công ty Vườn Biển đã phải bỏ ra để bù đắp cho những thiệt hại của Công ty Vườn Biển.

Khi tranh chấp vẫn chưa được giải quyết, Công ty Điện lực Sài Gòn lại liên tục đưa ra yêu cầu ngưng cung cấp điện làm cho hoạt động kinh doanh của Công ty Vườn Biển gặp nhiều khó khăn lo lắng và có nguy cơ phải chịu thiệt hại nặng nề.

Trước tình hình đó, đặt ra nhiều quan ngại về tính minh bạch trong việc quản lý hoạt động cung cấp điện cho các địa điểm kinh doanh. Việc tiến hành cắt điện khi mọi tranh chấp chưa được làm rõ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi kinh doanh các bên.

Một số chuyên gia bước đầu đưa ra nhận định cho rằng quan hệ giữa người sử dụng điện và Công ty Điện lực Sài Gòn (tức bên bán điện) căn cứ vào các quyền hạn, nghĩa vụ đã được nêu trong hợp đồng cung cấp điện đã được hai bên ký kết để xác định trách nhiệm của mỗi bên. Nếu Công ty Điện lực Sài Gòn không căn cứ vào hợp đồng mà tự ý đưa ra kế hoạch cắt điện với lý do khác như đất đang tranh chấp là chưa thực sự phù hợp. 

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi xin gửi những băn khoăn nêu trên của các bên có liên quan tới các cơ quan hữu trách của TP. HCM để có hướng giải quyết xác đáng nhất trên tinh thần bình đẳng, công bằng và thượng tôn pháp luật.

Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Nhóm PV