"Tằng lự... tằng lự tà rư đưng" (nặng quá, chao ôi), anh Hồ Văn Thuần thở hắt ra sau khi trèo qua một khe suối dốc đứng. Đôi chân người đàn ông Bru Vân Kiều như lún sâu hơn xuống lớp đất đồi vừa sạt lở. Sau lưng anh là 30 kg lương thực cho người thân đang đợi ở nhà.
Xã Húc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) dứt mưa được 3 ngày. Đó cũng là 3 ngày hàng cứu trợ đổ về dồn dập. Trận lũ kinh hoàng ngày 17-18/10 đã cuốn phăng cây cầu dẫn vào xã và tạo ra hàng chục điểm sạt lở dọc đường đi nên người dân phải đi bộ ra nhận hàng.
Bỏ chạy trong đêm
Đi sâu vào thôn Tà Rùng, nơi những vạt đồi vỡ toang thành khe suối, có một gia đình hơn 10 người ngồi quây bên bếp lửa. Không ai đi nhận hàng tiếp tế. Họ có 6 người thân vừa chết do sạt lở đất.
"Nếu người chết là con gái thì 4 ngày, con trai thì 6 ngày. Những người ruột thịt không được đi xa khỏi nhà trong từng đó thời gian kể từ khi kết thúc việc an táng", ông Hồ Văn Ui giải thích về phong tục của đồng bào mình.
Người dân xã Húc vác gạo cứu trợ về thôn. Ảnh: Ngọc Tân. |
Ông Ui là chú ruột của anh Hồ Văn Phơi, công an viên của thôn Tà Rùng. Chiều 18/10, quả đồi sau nhà sạt xuống lấy đi mạng sống của vợ chồng anh Phơi và 4 đứa con. Nhà bị trận lở đất san phẳng, gạch ngói lổn nhổn nhô lên khỏi lớp bùn. Khe nước nhỏ bên cạnh nhà đã biến thành dòng suối.
Ông Ui bảo nhà anh Phơi tính ra là 7 người chết vì vợ anh đang mang thai 8 tháng. Theo người dân xung quanh, những cán bộ công an xã tham gia đào tìm thi thể cũng vừa đào, vừa khóc. Chỉ nửa ngày trước, chính anh Phơi đã đưa thi thể một cháu bé 2 tuổi ra khỏi căn nhà bị sạt lở cách đó 1 km.
Người Bru Vân Kiều từ bao đời đã sống bám vào các mạch nước chảy xuống từ sườn núi. Họ không biết rằng sau những ngày mưa kỷ lục, các khe nước chính là nơi nguy hiểm nhất. Dòng nước tụ về với lưu lượng quá lớn có thể kéo sập cả vạt đồi.
Vườn cây ăn quả và hàng trăm mét đất thổ cư của anh Hồ Văn Phệ bị sạt xuống lòng suối. Ảnh: Ngọc Tân. |
Không bị đất đá từ trên cao đổ xuống, gia đình anh Hồ Văn Phể vẫn mất căn nhà.
Đêm 17/10, con suối La La phía sau nhà anh bỗng dâng lên dữ dội, "nuốt chửng" nhiều ruộng lúa 2 bên bờ. Dòng chảy thốc thẳng vào vách taluy âm, gây ra hàng loạt vụ sạt lở. 3h ngày 18/10, căn bếp cùng 200 m2 đất thổ cư của gia đình anh Phể trôi tuột xuống lòng suối.
Cả gia đình bật dậy, ôm vội những vật dụng có giá trị rồi chạy thoát khỏi gian nhà chính đang lung lay. Chủ nhà biết không thể cứu vãn được. Anh buộc dây thừng vào các cột nhà rồi nhờ thêm hàng xóm đến kéo. Cả cơ ngơi bị giật sập trước sự xót xa của gia đình anh.
"Mình kéo sập nhà để cứu lại ít gỗ, xây cái lều ở tạm. Để hắn trôi theo suối là mất hết", anh Phể nói.
Nỗi lo sau những bữa no
Anh Hồ Văn Thuần đi hết 10 km đường đất mới đưa được 20 kg gạo về nhà. Ở thôn Tà Rùng của anh, người dân đã qua cơn đói. Họ không còn quan tâm đến mỳ tôm hay kẹo bánh, nhưng gạo phải cố xin càng nhiều càng tốt.
Gạo là thứ lương thực lâu dài và chính yếu của bà con Bru Vân Kiều. Có gạo là sống. Người dân ở đây không than thở về những bữa cơm không có thịt, vì ăn cơm với muối hoặc nước mắm đã thành quen.
"Đến kỳ thu hoạch sắn thì mới dám mua con vịt. Mình ăn khổ quen rồi", anh Thuần nói.
Theo người dân trong thôn, giá gạo ngoài chợ đã tăng lên gấp rưỡi. Giá tăng gần như cùng lúc với việc các ruộng lúa hè thu của bà con bị nước lũ cuốn trôi. Nếu họ không tích đủ gạo, những ngày tháng đói ăn đang chờ trước mắt.
Trên đường rời khỏi bản Tà Rùng, phóng viên gặp anh Hồ Văn Hoạch, người Bru Vân Kiều hiếm hoi có bằng cử nhân.
Anh Hoạch làm việc hành chính ở xã và mở cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà. Chỉ từng đó cũng khiến anh khác biệt với đa số đồng bào, những người mà cuộc sống lệ thuộc hoàn toàn vào lúa và sắn.
"Đồng bào làm 2 vụ lúa. Vụ hè thu cấy tháng 5 và gặt vào tháng 10. Vụ đông xuân cấy tháng 12 và gặt vào tháng 4 năm sau. Sản lượng lúa hè thu thường không đủ ăn, những tháng đầu năm thường là mùa giáp hạt", anh Hoạch chia sẻ.
Với cơn lũ vừa quét hết hoa màu, cơn đói giáp hạt của đồng bào sẽ bắt đầu sớm, ngay khi họ ăn hết những hạt gạo cuối cùng của vụ đông xuân. Gạo cứu trợ với tiêu chuẩn 20 kg mỗi hộ cũng chỉ đủ ăn từ 10 ngày đến nửa tháng.
Thiệt hại về nhà cửa, tài sản vật chất của người dân chưa thể ước tính hết. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Hồ Văn A Dõ, Hồ Văn Pa Xỷ, Hồ Văn Bua...", tiếng loa của công an xã văng văng gọi tên các gia đình đến nhận hàng cứu trợ.
Trong đoàn người gùi hàng về thôn, có cả những học sinh đã một tuần chưa đến trường. Hồ Thị Lài, học sinh lớp 7 trường THCS Húc, con gái anh Hồ Tà Luồi, là một trong số đó.
Hôm lũ về, trường học của Lài đông đặc người dân kéo đến trú ẩn. Đến khi lũ rút, đường đi sạt lở, học sinh cũng nghỉ luôn.
Theo Phó chủ tịch huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận, xã Húc vẫn còn nhiều điểm trường chưa thể đón học sinh trở lại vì mưa lũ cuốn trôi cơ sở vật chất, đường đến trường cũng bị hư hỏng. Công tác khắc phục thiệt hại ước tính phải mất vài tháng.
Người già ở xã Húc bảo nhau rằng lũ chưa năm nào lớn đến thế và sạt lở chưa khi nào kinh hoàng như thế. Họ sinh ra ở đồi núi, gắn bó với đồi núi suốt bao đời nhưng kinh nghiệm sinh tồn đang trở nên lạc hậu trước những biến đổi cực đoan của thời tiết.
Ở góc nhìn của một chuyên gia lâm nghiệp thường xuyên khảo sát địa bàn xã Húc, thạc sĩ Phạm Cường, Giám đốc Trung tâm Thực hành và nghiên cứu lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Huế, nói rằng màu nước lũ đục ngầu đã cho thấy tác nhân gây sạt lở không chỉ là mưa quá nhiều, quá lớn.
"Nước lũ đổ về đục ngầu bùn đất vì trên đường đi của nước không còn cây cối, thảm thực vật. Khi rừng bị tàn phá, đất mất tính liên kết và sạt lở là điều tất yếu", vị chuyên gia nhận định.