Hàng sưa đỏ trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy) có dấu hiệu sinh trưởng kém. Một số cây đã trụi lá từ lâu và chưa có dấu hiệu cải thiện. |
Người dân ở khu vực này cho hay hàng sưa mới được dịch chuyển để thi công dự án nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên. Sau khi dịch chuyển, một số cây có biểu hiện chết, héo. |
Trước đó, đơn vị thi công dự án giao thông cho biết đã bố trí nhân viên chăm sóc và bơm thuốc kích rễ cho hàng cây sưa. Song, nhiều cây vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. |
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn có khoảng 3.800 cây sưa, trong đó có khoảng 700 cây sưa đỏ. Đây là loài cây có gỗ thuộc nhóm 1A trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại. |
Còn trên tuyến đường Trần Duy Hưng, hàng phong lá đỏ được thành phố trồng cách đây vài năm cũng có biểu hiện héo, lá khô ngay trên cây. |
Người dân quanh khu vực cho biết hàng phong lá đỏ này chỉ sinh trưởng tốt và ra nhiều lá vào tháng 7, 8. Tuy nhiên, số lượng cây ra lá chỉ đếm trên đầu ngón tay. |
Tháng 1/2018, Hà Nội cho trồng phong lá đỏ trên dải phân cách một số tuyến phố như Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh với kỳ vọng hàng cây sẽ sinh trưởng đẹp như ở các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, do khác biệt về khí hậu và điều kiện chăm sóc nên hàng cây thường xuyên xơ xác, trụi lá. |
Trên đường Lê Đức Thọ (khu vực Sân vận động quốc gia Mỹ Đình), hàng cây lộc vừng cũng có hiện tượng héo, chết. |
Những cây này được trồng trong bồn lớn, đặt trên vỉa hè. Tuy nhiên, nhiều bồn cây bị tận dụng làm nơi vứt rác. Thậm chí, đất trong bồn thường xuyên khô, không được tưới. |
Nhiều cây lộc vừng có biểu hiện héo, lá khô, úa đồng loạt trên cây. Người dân xung quanh cho rằng trồng cây lộc vừng lớn trong bồn là không hợp lý và khiến cây không thể phát triển bình thường. |