Dinh dưỡng cho trẻ mầm non ảnh hưởng thế nào với cơ thể?
Ở lứa tuổi mầm non, thể chất và trí não của trẻ đã phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, trẻ cần phải tốn rất nhiều năng lượng để đảm bảo cho các hoạt động vui chơi, học tập tại trường. Vậy nên, xây dựng dinh dưỡng cho trẻ mầm non hợp lý là điều cực kỳ quan trọng mà các bậc phụ huynh không nên bỏ qua.
Thực tế, những trẻ được bố mẹ chăm sóc tốt về dinh dưỡng sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, tránh được các bệnh ốm vặt và có nhiều nhận biết hơn về thế giới xung quanh. Bạn có biết, dinh dưỡng ảnh hưởng thế nào đến trẻ em mầm non nếu như không chăm sóc đúng cách hay không? Đây là những hệ lụy có thể xảy ra khi cơ thể của trẻ bị thiếu dưỡng chất
- Suy dinh dưỡng: Đây là biểu hiện của tình trạng cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng bổ sung cho sự vận động như đạm, năng lượng và các vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Điều này thường xuất hiện ở trẻ mầm non không được chăm sóc cẩn thận và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.
- Thừa cân béo phì: Nguyên nhân của bệnh lý này đó là năng lượng dung nạp vào cơ thể nhiều hơn so với năng lượng tiêu hao, lâu dài khiến mỡ tích tụ bên trong cơ thể. Những đứa trẻ thừa cân béo phì thường kém nhanh nhạy, khả năng vận động bị ảnh hưởng rõ rệt.
- Biếng ăn: Tình trạng biếng ăn do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như tâm lý, thức ăn không hợp với sở thích của trẻ, tác dụng phụ của thuốc…
Từ những điều này, chúng ta có thể khẳng định rằng, xây dựng dinh dưỡng cho trẻ mầm non khoa học chính là cách giúp cho trí tuệ, thể chất của trẻ được phát triển toàn diện tạo nền tảng sức khỏe tốt nhất cho hiện tại lẫn tương lai.
Dinh dưỡng cho trẻ mầm non nên tránh các loại thực phẩm và đồ uống này
Dinh dưỡng cho trẻ mầm non không chỉ đơn giản là cung cấp các thực phẩm tốt, phù hợp cho cơ thể của trẻ mà còn phải nhận biết rõ các loại thực phẩm và đồ uống nào không tốt cho trẻ. Tham khảo các chia sẻ chi tiết dưới đây sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về vấn đề này.
Thực phẩm không tốt cho trẻ mầm non
Với lứa tuổi mầm non, các cơ quan trong cơ thể vẫn còn rất yếu ớt và dễ bị tác động, nhất là hệ tiêu hóa và đường ruột. Để tránh tình trạng viêm dạ dày, viêm ruột, bố mẹ chỉ nên lựa chọn các thực phẩm tốt, không hóa chất, không độc hại.
Bên cạnh đó, mẹ nên tránh một số loại thực phẩm không tốt cho trẻ mầm non như sau:
- Đồ ngọt, các thực phẩm có hàm lượng đường quá cao: Dễ gây tăng cân béo phì, sâu răng.
- Cá biển: Một số loại như cá mập, cá kiếm… có hàm lượng thủy ngân rất cao gây hại trực tiếp đến sức khỏe của trẻ.
- Các loại thức ăn nhanh, đồ chiên rán: Hầu hết, trẻ em nào cũng thích thú với những thực phẩm này, tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây bệnh béo phì.
- Các món ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần cũng không nên cho trẻ sử dụng.
Đồ uống không tốt cho trẻ mầm non
Trẻ em luôn bị thu hút bởi các thực phẩm nhiều màu sắc, thức uống có gas, đồ đóng hộp nhiều chất bảo quản. Vậy nên, bố mẹ nên cố gắng loại bỏ các loại đồ uống này trong sở thích của trẻ càng sớm càng tốt. Các loại trà, cà phê cũng không phải là thức uống tốt cho cơ thể của trẻ bởi vì nó gây ức chế sự tiêu hóa. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng không nên cho con uống quá nhiều nước ép trong ngày. Bởi vì, hàm lượng axit trong các loại hoa quả rất cao dễ gây phá hủy men răng của trẻ. Xây dựng dinh dưỡng cho trẻ em mầm non là điều quan trọng, tuy nhiên, để giúp con cái dần tránh xa với các thực phẩm, đồ uống gây hại thì bạn nên tác động từ từ, giải thích cho con những tác hại nguy hiểm.
Lưu ý khi cung cấp dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Ngoài việc tránh xa các thực phẩm không tốt cho con, khi xây dựng dinh dưỡng cho trẻ mầm non mẹ cũng nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Hãy hình thành cho trẻ mầm non thói quen rửa tay trước và sau khi mỗi lần ăn uống.
- Ở lứa tuổi mầm non, trẻ đã nhận biết được đâu là thức ăn bản thân cảm thấy thích thú. Để cân đối về dinh dưỡng, bạn cần giúp trẻ bổ sung các thực phẩm tốt cho lứa tuổi và phù hợp với sở thích của trẻ.
- Ở tuổi này, đa số các khẩu phần ăn của trẻ luôn thiếu rau xanh và trái cây. Vì vậy, mẹ nên dành thời gian để chế biến các món ăn đa dạng từ rau để trẻ cảm thấy hứng thú khi ăn.
- Tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại, xem tivi bởi vì đây là một thói quen không hề tốt cho sức khỏe của trẻ. Ba mẹ nên hình thành cho con thói quen ngồi ăn cùng với gia đình để trẻ cảm giác được không khí vui vẻ, ấm cúng của cả nhà trong bữa ăn.
- Xây dựng giờ giấc ăn uống nhất định để hình thành phản xạ tiết nước bọt giúp việc tiêu hóa, hấp thụ trở nên tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt trước mỗi bữa ăn chính bởi vì sẽ gây cảm giác no, biếng ăn.
- Với những trẻ đang trong tình trạng béo phì thừa cân, bạn không nên hạn chế nguồn dinh dưỡng đối với trẻ. Bởi vì, giai đoạn này cần dung nạp nhiều dưỡng chất để phát triển cơ thể. Vậy nên, xây dựng chế độ ăn uống cân bằng là điều quan trọng. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên khuyến khích các bé nâng cao thể dục thể thao, cả nhà hãy cùng bé tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng phù hợp với lứa tuổi.