Không có lửa, làm sao có khói
Nội dung đơn thư tố cáo và tài liệu kèm theo thể hiện: Chị Bùi Thị Thơm (SN 1985), Bùi Thị Thảo (SN 1987), Bùi Thị Thoa (SN 1993) và Bùi Thế Phương là các con và là thành viên của hộ gia đình ông Bùi Thế Tăng và bà Nguyễn Thị Thủy.
Theo bản án dân sự số 01/2015/KDTM-ST ngày 8/6/2015 của TAND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, buộc: Ông Bùi Thế Tăng và bà Nguyễn Thị Thủy phải có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt số tiền hơn 1 tỉ đồng (làm tròn). Trường hợp ông Tăng, bà Thủy không trả hết nợ cho ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án tiến hành kê biên, bán tài sản đã thế chấp tài sản là thửa đất số 610, tờ bản đồ 01, diện tích 294 m2 và tài sản trên đất là 1 ngôi nhà cấp 4; 4 ki ốt; 20 phòng trọ tại thôn Ngô Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong để thu hồi nợ cho ngân hàng.
Sau đó, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong đã tiến hành cưỡng chế kê biên và bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nói trên.
Ngày 4/10/2018, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong ra thông báo số 216 về việc phân phối tiền và nhận tiền Thi hành án. Theo đó, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong thông báo cho ông Tăng, bà Thủy biết: Số tiền bán tài sản theo quy định là 2.442.000.000 đồng…
Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Cơ quan thi hành án huyện Yên Phong nghiêm túc tực hiện đúng các trình tự thủ tục thi hành án do luật định.
Theo khoản 2 điều 74 Luật thi hành án dân sự hiện hành và khoản 2 điều 24 Nghị định 62/CP-CP ngày 18/7/2015, Cơ quan Thi hành án dân sự khi thực hiện thi hành kê biên bán đấu giá tài sản quyền sử dụng đất là tài sản chung hộ gia đình, phải xác định phần tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, thông báo cho những thành viên này biết và để họ thỏa thuận về việc chia tài sản, xác định giá và ưu tiên quyền mua tài sản bán đấu giá.
Tuy nhiên, các con của hộ ông Tăng, bà Thủy khẳng định, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong tổ chức bán đấu giá tài sản đất của gia đình nhưng không gửi văn bản, thông báo gì cho họ. “Việc không thông báo này đã vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi”. Các con ông Tăng, bà Thủy nhấn mạnh trong đơn tố cáo.
Ngoài ra, các con của ông Tăng, bà Thủy còn tố cáo việc định giá thấp tài sản của gia đình họ (giá trị thực tế hơn 6 tỷ xuống còn 2,1 tỉ đồng).
Trao đổi với PV, luật Sư Tạ Văn Phú – Giám đốc công ty luật Ánh Sáng Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định: “ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong thực hiện không đúng luật ở hoạt động thông báo và giải quyết phần tài sản chung của hộ ông Bùi Thế Tăng?!. Người nợ theo bản án là ông Tăng bà Thủy chứ không phải hộ gia đình ông Tăng. Vì vậy, khi cưỡng chế thi hành án bắt buộc phải thực hiện các thủ tục đưa những thành viên hộ gia đình vào diện người có quyền lơi nghĩa vụ liên quan và thông báo cho họ biết để họ thực hiện các quyền của mình như tự thỏa thuận phân chia tài sản, quyền ưu tiên mua tài sản bán đầu giá. Trường hợp các thành viên hộ gia đình không tự thỏa thuận chia hoặc cố tình không chia thì Cơ quan thi hành án có thể yêu cầu tòa án phân chi tài sản chung hộ gia đình, từ đó xác định phần tài sản của người có nghĩa vụ phải thi hành án.
Việc xác định giá trị tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, phải được thực hiện trước khi bán đấu giá tài sản. Thế nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong đã không làm như vậy, họ cưỡng chế thu hồi hết, tước đi quyền của những thành viên khác trong gia đình ông Tăng, bà Thủy” là không đúng với trình tự, thủ tục do luật định.
Có tật giật mình?
Để làm rõ trắng đen nội dung đơn tố cáo của công dân, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Lê Đăng Đào- Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong vào ngày 15/10/2018. Ông Đào hẹn PV lịch làm việc vào chiều ngày thứ 4 (24/10/2018).
Do đường xá từ Hà Nội sang huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh xa xôi, sáng ngày 24/10, chúng tôi đã có mặt tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong. Ông Chi cục trưởng tiếp báo chí một cách chóng vánh và yêu cầu PV làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh (lý do Cục mới là cơ quan phát ngôn với báo chí).
Mặc dù bị gây khó dễ, chúng tôi gấp rút di chuyển đến Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh vào sát giờ nghỉ trưa. Rất may, các đồng chí làm việc tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh thông cảm cho anh em báo chí và viết giấy giới thiệu PV đến làm việc tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong. Không chỉ viết giấy giới thiệu, một đồng chí trên Cục còn gọi điện cho ông Chi cục trưởng Lê Đăng Đào, hẹn lịch làm việc với PV vào đầu giờ chiều cùng ngày 24/10/2018.
Đầu giờ chiều, chúng tôi có mặt tại tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong. Song, phải chờ đợi gần 2 giờ đồng hồ mới được làm việc với ông Chi cục trưởng.
PV phản ánh nội dung đơn tố cáo và đặt câu hỏi: Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong khi thi hành kê biên bán đấu giá tài sản quyền sử dụng đất là tài sản chung hộ ông Bùi Thế Tăng, có gửi văn bản hay thông báo gì cho các con của ông Tăng, bà Thủy hay không?
Ông Chi cục trưởng Lê Đăng Đào nói loanh quanh, không đi vào trọng tâm câu hỏi của PV. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu ông Đào cung cấp tài liệu để làm rõ (đối chất) nội dung đơn tố cáo, nhưng ông Chi cục trưởng cứ như “gà mắc tóc”, không đưa ra được chứng cứ sát đáng nào.
Sau đó, ông Đào yêu cầu báo chí phải có công văn mới cung cấp tài liệu. Ngoài ra, ông Đào còn yêu cầu PV ký vào biên bản làm việc. Chúng tôi không đồng ý với cách làm việc “phi luật báo chí” của ông Chi Cục trưởng, thì ông này mượn cớ dừng buổi làm việc.
Đến đây, chúng tôi thấy việc công dân tố cáo là có cơ sở. Đối với cơ quan báo chí, ông Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Phong Lê Đăng Đào còn xử sự như vậy. Thử hỏi với người dân thì sẽ ra sao? Đã đến lúc, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh phải vào cuộc, làm rõ trắng đen sự việc đơn tố cáo, tránh khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
PV