Kiến trúc của đình So được các nhà nghiên cứu đánh giá và công nhận là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc mẫu mực nhất. Đình thờ tam vị Nguyên soái Đại Vương, là các vị tướng đã theo vua Đinh Tiên Hoàng đi dẹp loạn 12 sứ quân (giữa thế kỷ X).
Bên trong đình là không gian cao rộng gồm 7 gian 2 chái, đại điện nằm chính giữa ở khu vực "lòng thuyền" là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng trong dịp hội hè, lễ tết. Quy mô kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc trên diện tích 1.100m2. Tổng cộng tất cả toà ngang dãy dọc của đình là 55 gian, với 64 cột lớn nhỏ.
Các mảng chạm khắc được tích hợp nhiều phong cách khác nhau tạo ra sự đa dạng trong trang trí. Từ chạm nổi hoa lá cách điệu: tùng, trúc, cúc, mai đến chạm bong hình tượng rồng, nghê tạo nên không gian đa chiều kiến trúc.
Xuất phát từ một ngôi miếu nhỏ thời nhà Đinh, đến thời Lê Trung Hưng 1673 miếu được tu bổ mở rộng và hình thành đình, được hoàn thành vào năm 1674.
Trong đình hiện còn giữ được 40 đạo sắc phong thần từ năm Hoằng Định 2 (1601) thời nhà Lê đến năm Khải Định 9 (1924) thời nhà Nguyễn, cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ. Bởi vậy năm 1980, đình So đã được Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia cần được bảo tồn.
Cổng tam quan có kiến trúc 2 tầng, 3 gian, 4 mái, hai bên là hai lối cửa nhỏ để ra vào. Các họa tiết trang trí và chạm khắc trên nóc tam quan vẫn còn giữ được nguyên vẹn, vô cùng đẹp và tinh xảo. Đặc biệt là hình ảnh lưỡng long triều nguyệt ở phía trên cao cùng bốn linh thú dưới chân những cột gỗ cực kỳ uy nghi.
Toạ lạc trên mảnh đất có non nước hoà quyện, phía trước là dòng sông Đáy nằm ngoài con đê bao, phía bên trái là núi Rồng (thuộc xã Đông Quang); phía bên phải là núi Phượng và sau lưng là núi Rùa. Thế đất này được coi là lý tưởng. Theo cách người xưa thường nói là có: “Sơn chầu thuỷ tụ”, có “tiền án, hậu chẩm”; có “tay long, tay hổ”; có “ minh đường, não đường”... một thế đất chuẩn mực theo quan niệm phong thuỷ.