Đã thành truyền thống, Việt Nam cũng như một số nước Á Đông vẫn ăn Tết theo âm lịch, tức là Tết Nguyên đán, gắn liền với nền văn minh lúa nước. Tại các quốc gia này, mỗi dịp Tết đến xuân về là khoảng thời gian để nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả.
Ngoài ra, điều quan trọng hơn, đó là dịp để mọi người đến nhà chúc mừng, hỏi thăm nhau, cùng nhau gác lại bao lo toan của cuộc sống thường ngày để dốc bầu tâm sự những chuyện vui buồn trong năm, mong một năm mới sẽ an khang, hạnh phúc hơn. Thế nhưng, từ đầu năm 2020 đến nay, khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, khiến các quốc gia chao đảo, căng mình chống lại dịch bệnh. Theo thống kê của từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia, tính đến ngày 11/2/2021, trên toàn thế giới có gần 107 triệu người nhiễm Covid-19, khiến hơn 2,3 triệu người tử vong ở 192 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Không chỉ gây tổn thất về con người, đại dịch Covid-19 còn khiến nền kinh tế toàn thế giới suy thoái nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, xã hội loài người. Cùng chung mái nhà, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp này lây lan với tốc độ chóng mặt, tỉ lệ tử vong cao khi không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nước ta hiện có hơn 2.000 bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, trong đó 35 bệnh nhân đã tử vong.
Chúc Tết online trong ngày Tết là văn minh. (Ảnh minh họa)
Xác định ngay từ đầu việc “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam coi đây là việc làm cấp bách, mang tính chất trường kỳ. Nhiều giải pháp đã được đặt ra và triển khai để bảo vệ sức khỏe toàn dân. Dù dịch bệnh xuất phát từ nước ngoài vào Việt Nam, đã có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, nhưng về cơ bản, thế chủ động trong phòng và chống dịch, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt, chưa cho thấy dấu hiệu “bung”, “toang”.
Tôi có những người bạn, người đồng nghiệp không thể trở về bên mái ấm gia đình khi xuân đang đến. Một người bạn làm công nhân công ty than Hạ Long ở TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh gọi điện bảo tôi, Tết năm nay không thể về vì Quảng Ninh được xác định là vùng dịch. Cả gia đình tuân thủ các quy định về phòng dịch nên sẽ phải ăn Tết nơi đất khách. Một người bạn khác của tôi đang công tác trong một đơn vị quân đội của TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương cũng ở tình trạng như trên. Nhưng ngoài việc không thể trở về, anh bạn còn phải cùng anh em, chiến sĩ phối hợp với chính quyền dập dịch, nhường chỗ ở là doanh trại quân đội cho bà con thuộc diện cách ly vào trong sinh sống, còn các anh thì vào rừng dựng lều bạt, bám trụ địa bàn.
Một cậu em đồng nghiệp đang công tác ở báo Tiền Phong vừa qua có đi tác nghiệp tại tâm dịch Chí Linh, khi trở về đã chủ động khai báo y tế, ngay lập tức cũng đã được đưa đi cách ly tập trung trong thời gian 21 ngày. Tức là không kịp trở về với vợ con trong dịp Tết, khi người con còn nhỏ, lại hay đau ốm. Họ là những người vì nhiều lý do khác nhau, đều không thể về nhà, nhưng luôn tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Bởi họ hiểu, đằng sau họ là gia đình, người thân.
Đồng lòng quyết tâm chiến thắng dịch bệnh Covid-19. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, vẫn có những người xem nhẹ việc phòng chống dịch, cố tình xem như dịch ở nơi rất xa, không liên quan đến mình như một nhóm “nam thanh nữ tú” ở Quảng Ninh quyết vượt chốt kiểm soát để sang Hải Dương chơi đã bị phát hiện, xử phạt. Hay như người đàn ông ở Hải Dương thuộc diện F1 đã bị phạt 20 triệu đồng khi trốn khỏi khu cách ly. Những người tiếp xúc với ca bệnh nhưng không khai báo y tế, không đeo khẩu trang nơi công cộng còn gây rối trật tự, thông chốt kiểm soát dịch bệnh… vẫn xảy ra như hắt gáo nước lạnh vào nỗ lực chống dịch của cả xã hội.
Tết đến, nhu cầu đi lại, thăm hỏi của người dân tăng cao, đây là việc làm chính đáng nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến dịch bệnh bùng phát khi tụ tâp đông người trong khoảng không gian hẹp. Chính vì vậy, việc di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, tỉnh thành này sang tỉnh thành khác không được Chính phủ khuyến khích trừ việc bà con ở xa quê hương về quê ăn Tết nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật. Vì vậy, thay vì tụ tập đông người, trong thời buổi “sống chung với lũ”, nên chăng mọi người gọi điện hoặc sử dụng các ứng dụng kết nối trên mạng xã hội để hỏi thăm nhau, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Có điều chúng ta có dám phá vỡ lối mòn, coi đó là việc làm văn minh, để có một cái Tết bình yên?
Dù cơ chế, quyết sách quyết liệt, đúng đắn như thế nào, ý thức của mỗi người dân vẫn là yếu tố sống còn. Trên mặt trận chống dịch Covid-19, nhân dân chính là chiến sĩ. Người chiến sĩ tuân thủ chỉ huy, mệnh lệnh thì cuộc chiến sẽ thành công. Để chiến thắng Covid-19, tại sao mỗi người dân chiến sĩ lại không dám tiên phong Tết online!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.