Chuyện lạ Cao Bằng: Đường đến 'thiên đường' xuyên qua gốc cây nghiến cổ

Huy Hoàng

Con đường ở xóm Lũng Tôm (xã Lương Thông, Hà Quảng, Cao Bằng) nhờ công cả bản dùng tay trần quai búa phá núi suốt 5 năm để kết nối với thế giới bên ngoài.

Con đường xuyên qua gốc cây nghiến cổ thụ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con đường xuyên qua gốc cây nghiến cổ thụ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một thuở bắc thang lên trời

Giờ đây nó đã trở thành lối dẫn đến "thiên đường" của những người ưa du lịch mạo hiểm bởi cảnh sắc độc nhất, vô nhị mở ra bất ngờ đẹp mê hoặc ở hai bên cũng như cây nghiến vài trăm năm tuổi mà nó chạy xuyên qua, vượt qua cả trí tưởng tượng thông thường nhất. 

Xóm Lũng Tôm (xã Lương Thông, huyện Thông Nông cũ nay là Hà Quảng mới của tỉnh Cao Bằng) có 12 hộ người Dao nằm trong một thung lũng quây quanh bởi những dãy núi cao điệp trùng.

Không có đường ra, nhiều đời nay dân bản phải chặt cây rừng, lấy dây leo buộc vào thành thang để vượt qua dốc Nặm Thuổn cao lưng chừng trời, rồi rẽ cây, mở lối, băng rừng như con khỉ, con vượn. Cứ 1 - 2 năm là cái thang ấy bị mục và họ phải làm lại từ đầu.

Không có đường, trẻ con đi học mẫu giáo hay lớp 1, lớp 2 ngày hai buổi trên lưng người lớn mới tới được điểm trường, những hôm mưa đành phải nghỉ.

Không có đường, ông Trịnh Văn Chiều bị bệnh viêm não, phải lấy chăn làm võng, hơn 10 người khiêng ra ngã ba Lũng Pản nhưng chưa kịp đến bệnh viện đã tắt thở.

Không có đường, 5 đứa con và 2 đứa cháu nhà anh Triệu Đình Phin cùng nhiều đứa trẻ khác đều phải đẻ ở nhà, lấy cành cây vót nhọn làm dao mà cắt dây rốn.

Không có đường, mua 1 cái tủ phải huy động 20 người khiêng từ Lũng Rịch vượt đèo, leo dốc về bản, tiền công mất đúng 5 triệu, nuôi con lợn muốn bán phải làm cáng để khiêng ra ngoài nhưng hễ đi được nửa chặng là chết vì nóng.

Không có đường, một gùi 25 - 30kg ngô bán đổi được vài kg gạo, mua bộ quần áo mua mặc cả năm, hết đám cưới lại đám ma, hết đi chơi lại đi chợ, rách đến khi không thể vá được nữa mới bỏ.

Gốc nghiến cổ thụ nhìn từ xa, nơi con đường chạy qua. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gốc nghiến cổ thụ nhìn từ xa, nơi con đường chạy qua. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đã thế, hạt ngô gieo xuống đầu nương, cuối nương chim, chuột đã kéo đến phá hoại; bắp ngô chưa kịp chín khỉ trên rừng đã tràn về, bóc vỏ ăn còn khéo hơn người, no bụng lại giấu đi để dự trữ.

Cuộc sống của con người khổ chẳng kém gì con don, con dúi trong hang nên anh Triệu Đình Phin mới nghĩ đến chuyện mở đường. Trước tiên anh bàn với vợ con và nhận được sự đồng ý. Ngay sau đó anh họp xóm, 11 hộ còn lại tuy khác họ cũng đồng ý nốt.

Lúc đầu mỗi hộ phải bỏ tiền ra mua 5 bao xi măng, đổ được cỡ 200m thì Nhà nước mới cấp hỗ trợ. Con đường từ Rặc Rạy vào Lũng Tôm dài khoảng 2,5km đều chỉ bằng những đôi tay trần quai búa tạ để phá các tảng đá to như cái giường, cái tủ rồi đập nhỏ bỏ vào gùi.

Dân bản góp nhau được 24 triệu mua máy nghiền đá để trải đường, bảo nhau cách cắt đôi từng bao xi măng cho vừa sức rồi lại gùi vượt rừng về Lũng Tôm. Hơn 1.000 bao xi măng đã được tải về theo phương thức “kiến tha lâu đầy tổ” đầy khổ ải ấy.

Anh Triệu Đình Phin dắt bò từ con đường mới mở về nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Triệu Đình Phin dắt bò từ con đường mới mở về nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hộ nhiều góp 4 người, hộ ít góp 2 người, hộ nào không có lao động phải đóng 150.000 đồng/ngày nên tiếc của, đều đi đủ, ra công, gắng sức cả.

Hễ trời mưa thì thôi chứ hễ hửng nắng là 1 vắt cơm nắm, 1 chai nước mang theo, sáng bắt đầu từ 7 giờ đến trưa, chiều bắt đầu từ 2 giờ đến tối mịt mới chịu về nhà. Người phá đá, nghiền đá, người xúc đất, đổ đất, người trộn xi măng, láng bê tông, người che ni lông khi mưa gió bất chợt.

Trịnh Chòi Quyên trong lúc quai búa bị đá bắn vào chân chảy máu, sưng vù phải nghỉ 1 tuần thì ông bố là Trịnh Văn Chiêu dù đã trên 60 tuổi vẫn hăng hái đi đập đá để thế chỗ. Những tảng đá khổng lồ bị bẩy lăn ầm ầm xuống dốc khiến cho người trên hò kẻ dưới mau nhanh chân mà chạy.

Phá đá mở đường bằng tay trần với búa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phá đá mở đường bằng tay trần với búa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cứ mỗi ngày con đường lại dài ra thêm một vài mét, mỗi năm lại dài ra thêm vài trăm mét, đoạn nào qua chỗ bằng mặt rộng được cỡ 1,8m, qua chỗ cua hẹp nhất được cỡ 80cm. Nó chạy qua những triền núi đá tai mèo cheo leo, những dốc cao vực thẳm, đặc biệt là xuyên qua một gốc cây nghiến cổ thụ có tuổi đời dễ đến vài trăm năm.

Triệu Đình Lụ - một người dân bản Rặc Rạy kể: “Hồi xưa có một bà bị bệnh truyền nhiễm, chữa mãi không khỏi nên phải ra chỗ hổng của gốc cây đó nằm, bà nội tôi khi ấy vẫn thường đem cơm nước đến tiếp tế.

Sau chừng một tháng bà kia mất, từ đó cây nghiến trở thành nơi bất khả xâm phạm, khi con đường buộc phải chạy qua đây, dân bản cũng không dám chặt mà tận dụng ngay cái hốc cây rỗng khoét rộng thêm ra để nó chạy qua. Điều này cũng tương tự như những khu rừng cấm quanh các bản, luôn được bảo vệ một cách nghiêm ngặt nhất”.

Tranh thủ cho con bú lúc nghỉ ngơi giữa buổi làm đường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tranh thủ cho con bú lúc nghỉ ngơi giữa buổi làm đường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có đường trai bản mới lấy được vợ thiên hạ

Đang làm được 2 năm thì anh Triệu Đình Phin bán bò đi mua được cái xe máy trị giá 23 triệu nhưng phải đợi đến 3 năm sau, khi đường hoàn thành, xóm Lũng Tôm sáp nhập với xóm Rặc Rạy mới có một khoảng đất trống to bằng ngôi nhà sàn để làm chỗ tập xe, đi thi lấy bằng.

Mỗi nhà từ đó sắm 1 - 2 cái xe máy. Trẻ con đến trường không cần người lớn phải cõng nữa, lợn được chở ra đến tận chợ để bán, ngô thóc không phải gùi, không mấy ai còn đẻ ở nhà nữa.

Làm đường vào bản hoàn toàn trông chờ vào sự tự giác của mọi người. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm đường vào bản hoàn toàn trông chờ vào sự tự giác của mọi người. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có đường thì con gái nơi khác mới chịu về bản làm dâu chứ trước đây chỉ hai xóm Lũng Tôm và Rặc Rày trai gái lấy lẫn nhau chứ không có người thiên hạ, mở màn là anh chàng Trịnh Văn Cuối đã lấy một cô nàng ở Lũng Đẩy về.

Có đường thì nước cũng tìm về đến bản. Anh Triệu Đình Phin kể, trước đây gia đình nào cũng phải lấy cây trúc chẻ đôi ra để bắc máng từ đầu khe về đến nhà, gần mất hơn 30 cây, xa mất hơn 40 cây, 2 người làm liên tục trong 5 - 7 ngày mới xong.

Khi đường vừa hoàn thành thì chính quyền đã cho lắp một ống dẫn nước chạy song song về Lũng Tôm, dân bản rủ nhau gùi gạch, xi măng, cát sỏi xây một cái bể sức chứa hơn 70m3, từ đó có vòi kéo đến từng nhà một. Bà con lại còn bảo nhau đóng góp được hơn 50 triệu để tự kéo điện về để cái quạt máy, cái ti vi cũng về theo.

Nụ cười người phụ nữ trẻ trên đường đi phá đá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nụ cười người phụ nữ trẻ trên đường đi phá đá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm xong đường từ Rặc Rạy vào Lũng Tôm, thấy cái bánh xe máy đi bon bon, đôi chân mình được “bảo dưỡng” thích quá, bà con lại bàn nhau mở con đường thứ hai từ Lũng Tôm lên đến Trà Phìn có độ dài hơn 3km để rút ngắn thời gian xuống xã.

Hôm tôi đến, con đường đã được khởi công 3 tháng trước đó. Tuy dân bản lần này đã chung tiền mua được một cái máy khoan trị giá 13 triệu nhưng vẫn chủ yếu phải đập đá bằng tay.

Triệu Tạ Cuối, con của anh Triệu Đình Phin, dù đã lấy vợ, đi làm ở tận trong Nam nhưng khi bố gọi vẫn trở về hăng hái cầm búa đi phá đá.

Bà Trịnh Thị Sai năm nay đã hơn 60 tuổi vẫn địu đứa cháu ngoại trên lưng rồi đặt nó ngồi chơi dưới gốc cây mà tham gia vào cuốc đất, vác đất.

Dưới nắng lửa, tiếng búa quai vào những tảng đá kêu chan chát, tiếng người hò nhau bẩy đá vang động cả núi rừng...

Một góc Lũng Tôm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc Lũng Tôm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chỉ tay vào con đường mới trắng xóa một màu đá đang thành hình giữa đại ngàn xanh thẳm, anh Triệu Đình Phin bảo, chỉ mấy năm nữa thôi, cuộc sống ở Lũng Tôm sẽ có nhiều sự đổi khác. Ngó xuống gầm sàn nhà anh, dăm con bò đang kêu ậm ò, ba con lợn đang kêu ụt ịt, ngó lên nương nơi mỗi vụ gia đình anh gieo 30kg ngô giống đang mướt mát màu xanh, tôi vững tin vào những lời người đàn ông này nói.