Thân nhiệt con người là 37 độ C từng được xem là mức ổn định của cơ thể. Vậy nhưng, theo một nghiên cứu khoa học, cơ thể con người đang ngày càng lạnh đi.
Bằng cách kiểm tra chéo nhiều hồ sơ sức khỏe, các nhà nghiên cứu kết luận rằng nhiệt độ trung bình của cơ thể con người thế kỷ 21 thấp hơn khoảng 0,3 độ C ở phụ nữ và 0,6 độ C ở nam giới so với người thế kỷ 19.
Julie Parsonnet, Giáo sư Y khoa tại Stanford đã quyết định tìm hiểu nguyên nhân của việc cơ thể con người đang mát dần.
Nhóm nghiên cứu xem xét dữ liệu nhiệt dộ từ ba giai đoạn lịch sử. Trong đó có hồ sơ nghĩa vụ quân sự, hồ sơ y tế và lương hưu của các cựu chiến binh Quân đội Liên minh trong Nội chiến Mỹ từ 1826-1930. Bộ hồ sơ thứ hai là các khảo sát sức khỏe và dinh dưỡng định kỳ thu thập từ năm 1971-1975. Bộ dữ liệu cuối cùng đến từ bệnh nhân trưởng thành của Standford Healh Care trong khoảng năm 2007-2017.
Tổng cộng có 677.423 phép đo nhiệt độ được sử dụng để tính toán. Kết quả nhận được là đàn ông thế kỷ 21 có thân nhiệt trung bình thấp hơn 0,6 độ C so với những người sinh ra đầu thế kỷ 19. Trong khi đó, phụ nữ hiện đại có mức giảm thân nhiệt 0,3 độ C.
Như vậy, các nhà khoa học thấy rằng con người đã giảm 0,3 độ C mỗi thế kỷ. Tuy nhiên, vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhiệt độ cớ thể nên nhóm nghiên cứu nói rằng loài người vẫn chưa cần đến mốc đo thân nhiệt trung bình mới.
Khối lượng cơ thể của chúng ta đang ngày càng tăng, nó sẽ đẩy các chất chuyển hóa ấm hơn. Nhưng ngược lại, sức khỏe tốt hơn nghĩa là cơ thể chúng ta ngày nay có ít viêm nhiễm hơn, khiến chúng ta ít bị sốt hơn và thân nhiệt trung bình thấp hơn. Kết hợp với cuộc sống thoải mái hơn trong môi trường ổn định đã giúp cơ thể không phải chạy hết công suất để giữ ấm cơ thể. Do đó, nó góp phần giảm thân nhiệt trung bình của con người.
"Môi trường sống đang thay đổi. Nhiệt độ trong nhà, sự tiếp xúc với thực phẩm và vi khuẩn khiến chúng ta thật sự thay đổi về mặt sinh lý", Parsonnet nói.
Trước đó, năm 1851 con số 37 độ C đã được bác sĩ người Đức Carl Reinhold August Wunderlich xác định là nhiệt độ trung bình của một con người. Khi đó, với một chiếc nhiệt kế dài 22 cm của mình, Wunderlich đã thực hiện hàng triệu phép đo thân nhiệt trên hàng chục ngàn bệnh nhân để lấy ra con số trung bình.
Trên thực tế, nhiệt kế của Wunderlich cần tới 15 phút mới cho ra kết quả. Tổng cộng, ông ấy đã đo thân nhiệt của 25.000 người, đòi hỏi tới 250.000 giờ, tương đương 10.000 ngày.
Tiến sĩ Philip Mackowiak, một giáo sư y khoa tại Đại học Y khoa Maryland đã phát hiện những chiếc nhiệt kế của 100 năm trước có thể có sai số trong phạm vi 1,5 độ C so với những nhiệt kế hiện tại.
Nhiệt độ ở khoang miệng thấp hơn 0,3 – 0,5 độ C so với thân nhiệt. Nhiệt độ trong khoang bụng cao hơn khoang ngực, mà nhiệt độ ở gan lại cao hơn các cơ quan khác trong bụng. Nhiệt độ tại gan có thể đạt tới 38 - 39oC. Nhiệt độ da ở đầu ngón tay rất thấp, chỉ ở mức khoảng 30 độ C, nhiệt độ da đầu ngón chân có lúc chỉ 25 độ C...