Con nợ “ăn mòn” cửa hàng tạp hóa 

Ngọc Anh

Mở cửa hàng tạp hóa ở nông thôn không hề đơn giản. Cửa hàng tạp hóa rất cần thiết tại các khu vực nông thôn, nhưng để kinh doanh thành công lại không dễ. Cũng không ít tình huống dở khóc, dở cười từ việc kinh doanh tạp hóa xảy đến bởi thói “chây ì” của không ít người…

Tap hoa.jpg

Nhiều chủ cửa hàng tạp hóa đã phải khóc ròng vì con nợ không chịu trả tiền

Trong cái thời tiết oi ả, chúng tôi tìm đến gia đình Trần Văn V. (thôn X.C, xã Linh Sơn, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) để nghe câu chuyện của anh, “vừa bi, vừa hài”. Bắt đầu của buổi trò chuyện là những tiếng cười giòn giã bởi anh vừa thắng lợi trong đợt bán lứa gà “chạy bộ”. 

Một lúc sau nói về việc kinh doanh của hàng tạp hóa anh kể: “Năm 2010, sau khi tích lũy được một số tiền từ ngày còn thanh niên đi làm thuê, hai vợ chồng tôi quyết định mở một cửa hàng tạp hoá để bán các mặt hàng thiết yếu cho bà con trong xóm vì xóm tôi cách trung tâm xã khoảng 5km. Chúng tôi đầu tư một cửa hàng tạp hóa khang trang hết khoảng 100 triệu đồng. Thời gian đầu khi mới mở cửa hàng bà con trong xóm đến mua khá đông đúc vì họ không phải đi xa”.

Cũng toàn là người quen biết trong làng nên dù có mua chịu nhưng gia đình anh V. đều bán cho mọi người. Có người nợ vài ba hôm đến mua đồ thì trả cả nợ cũ và tiền mua đồ mới. Cũng có nhiều người thì ký sổ nợ đến cả trang mà chưa thanh toán. Thấm thoát cũng được gần 3 năm từ khi cửa hàng tạp hóa được mở, sổ ghi nợ của gia đình anh V. mỗi ngày chất thêm một cao hơn. 

Anh V. chia sẻ: “Kiểu mở cửa hàng tạp hóa ở quê là bỏ tiền cục thu về bạc lẻ chú ạ! Người nợ thì ngày càng nhiều nhưng đã xác định buôn bán thì vẫn phải bỏ tiền ra để  nhập hàng về bán. Khổ nỗi nguồn vốn của gia đình cũng không phải là lớn nên nhiều khi nợ chưa thu về được nên chẳng cả dám đi lấy hàng. Có người thì nợ nhiều nên ngại cũng ít lui tới để mua hàng. Đến lúc này vợ chồng tôi cũng nghĩ việc phải thu hồi nợ của khách hàng”.

“Nhà tôi ở đầu xóm nên người đa phần đi qua đường phía trước cửa. Vợ tôi ngồi trông quán  nên thấy ai mà nợ nhiều và đã lâu chưa trả đi qua thì gọi vào nhắc họ, hỏi nợ nhưng nhiều người thì cáo hẹn lần khác trả vì không mang tiền trong người. Có anh chị thì hứa khất lần ngày mai, ngày kia… rồi cũng mất hút. Mà chú thấy, buôn bán tạp hóa thì mỗi thứ chỉ chênh lệch năm trăm đồng, đồ có giá trị hơn thì lãi được 1000 đồng trong khi họ nợ cả mấy năm thì lờ lãi vào đâu”, anh V. ngao ngán tâm sự.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự như của anh V. câu chuyện buôn bán tạp hóa của chị Trần Thị Xuân ở La Bằng, Đại Từ, Thái Nguyên cũng đầy bi hài. 

Chị Xuân kể: “Sau khi nhiều người nợ tiền mua hàng đã lâu tôi có đòi nợ nhưng họ cũng khất lần không chịu trả. Nhiều người họ ngại toàn tránh mặt, cần thiết phải mua đồ thì cho con cầm tiền lên mua còn nợ cũ chẳng đoái hoài gì tới. Có những trường hợp mà tôi bức xúc lắm, khi bị hỏi nợ thì bảo chưa có tiền nhưng họ vẫn mua sắm đồ dụng giá trị ầm ầm. Họ còn chuyển sang nhà khác để mua đồ mà chẳng qua mua của nhà tôi nữa. Vài năm sau vốn cũng không đủ để kinh doanh tôi cũng phải đóng cửa quán. Gần chục năm rồi mà nhiều người tôi đã hỏi hết nợ đâu”.

Những câu chuyện như của anh V., chị Xuân trong cuộc sống hiện nay không phải là hiếm gặp. Cũng vì người mua hàng là quen biết, cùng xóm làng nên mới cho nợ tiền nhưng họ gặp phải những con nợ chây ì nên mới có những khoản nợ khó đòi là vậy.

LÊ VĂN



 

Lê Văn