Bài 1: Dầm mình trong sương gió, nắng lửa chống dịch
Không điện, không nước và thiếu thốn nhiều thứ là đặc điểm chung ở các chốt phòng, chống dịch Covid-19 của BĐBP Hà Giang. Dầm mình trong sương mù, gió lạnh và nắng nóng suốt nhiều ngày qua, có những người lính nhiều tháng chưa về thăm nhà nhưng vẫn vững tinh thần trong “cuộc chiến” với “kẻ thù” vô hình.
“Nhà thơ” của chốt chống dịch
Chúng tôi tới chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở khu vực mốc 224 (anh em gọi tắt là chốt Suối Đỏ) sau một trận mưa xối xả. Con đường đất xuống chốt vốn đã khó đi, sau cơn mưa càng trở lên trơn trượt và nguy hiểm. Lòng đường xẻ rãnh chằng chịt, đá to, đá nhỏ lổn nhổn khiến tôi không đủ can đảm ngồi lên xe máy của một cán bộ xuống chốt thay ca trực. Mốc 224 là mốc 3 ở ngã ba nơi giao nhau giữa Suối Đỏ chảy từ Trung Quốc về và suối Nậm Cư.
Trong đó, mốc 224/2 do Đồn Biên phòng Bản Máy quản lý, mốc 224/3 do Đồn Biên phòng Thàng Tín quản lý. Vì lẽ đó, “biên chế” của chốt ngoài Công an, Dân quân, còn có cán bộ, chiến sĩ của 2 Đồn Biên phòng Bản Máy và Thàng Tín.
Chúng tôi cuốc bộ xuống chốt, Thiếu tá Đặng Quang Tâm, Phó Đồn trưởng Quân sự Đồn Biên phòng Bản Máy tranh thủ giới thiệu: “Đơn vị phụ trách gần 20km đường biên giới, có cả đường biên giới đất liền và đường sông suối. Có nhiều đường mòn, lối mở, mùa khô có thể lội qua sông suối dễ dàng, điều này đòi hỏi anh em phải hết sức tập trung mới làm tốt được công tác kiểm soát, quản lý người qua lại biên giới. Đến nay, chốt Suối Đỏ đã phát hiện 7 công dân nhập cảnh trái phép và đưa vào khu cách ly theo quy định”.
Sau trận mưa to, trời hửng nắng, không khí trở nên ngột ngạt, oi bức hơn. Các cán bộ “trực chiến” phải chống nóng bằng cách chặt cành cây phủ lên nóc lều. Phía bên trong, các anh dùng xốp, đệm gác lên phía sát mái. Vậy mà ngồi trong lều vẫn nóng hầm hập, mồ hôi vã ra như tắm. Một “đặc sản” nữa mà những người lính không giới thiệu, đó là muỗi và dĩn.
“Muỗi nhiều vô kể, con nào cũng to. Chập tối, anh em phải chui vào màn ngồi” - Thiếu tá Đỗ Văn Hồng cho biết thêm. Cũng như nhiều chốt chống dịch khác, ở đây không có điện lưới, không có nước sạch, anh Hồng phải về tận đồn sạc bóng tích điện để thắp sáng. Còn cán bộ Đồn Biên phòng Thàng Tín phải mang theo 4-5 cục pin điện thoại dự phòng dùng cho cả tuần. “Cách đây gần 1 tháng, một cơn mưa dông thổi bung bạt che nhà bếp, nước chảy dồn dập, không kịp thoát, tràn cả vào nhà” - Anh Hồng nhớ lại.
Bộ đội Cụ Hồ đi đâu, làm gì cũng phải chuẩn bị kỹ và luôn ở tư thế chủ động. Thế nên, bên cạnh chốt dã chiến có hẳn một khu vườn với nhiều loại rau khác nhau. “Đợt trước, chúng tôi còn nuôi cả gà” - Anh Hồng khoe. Thấm thoắt, đến giờ là gần 5 tháng, những người lính đã thay phiên nhau chốt chặn ở vị trí này. Có một điều khá thú vị là thời tiết khắc nghiệt, nhiệm vụ căng thẳng lại là nguồn cảm hứng để Thiếu tá Nguyễn Văn Khuyến sáng tác nên những vần thơ lay động lòng người ngay trong những ngày đầu xuống chốt.
“Chốt biên thùy lạnh lắm phải không anh?/ Giữa rừng sâu biên cương hùng vĩ/ Đường tuần tra vươn cao từng ngọn núi/ Không ngăn nổi ý chí lính Biên phòng/ Quân hàm xanh được toàn dân yêu mến/ Vững niềm tin anh chống dịch khỏi lây/ Giặc Covid đang hoành hành khắp nơi/ Trên biên giới anh giữ chốt an toàn/ Hậu phương xa đã có em lo...”. “Hôm đó trời rất lạnh. Tôi tỉnh dậy lúc giữa đêm. Sương mù dày đặc, hơi nước từ sông bốc lên lạnh buốt. Tôi chợt nghĩ tới lời tâm sự của vợ ở quê nhà và những vần thơ cứ thế hiện ra ” - Anh Khuyến thổ lộ hoàn cảnh ra đời “đứa con tinh thần” với một nụ cười nhẹ nhàng.
Mưa gió là mất ăn, mất ngủ
Ngược biên giới, chúng tôi lên Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần khi nắng nóng tại Bắc bộ tiếp tục gia tăng. Đại úy Nguyễn Văn Quảng, Chính trị viên phó tươi cười đón chúng tôi. “Lâu lắm rồi mới có bóng dáng phụ nữ tới thăm đơn vị” - Anh hồ hởi. Anh Quảng cũng như nhiều đồng đội khác, ở đơn vị một lèo từ Tết Nguyên đán đến tận đầu tháng 6 mới được nghỉ tranh thủ 1-2 ngày về thăm nhà. Thượng tá Đỗ Xuân Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần cho biết: “Ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, chúng tôi tổ chức 8 chốt chống dịch và 2 tổ tuần tra, kiểm soát cơ động. Khi hết thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi tiếp tục duy trì 2 tổ cơ động và 7 chốt kiểm soát dọc đường biên giới”.
Dẫn chúng tôi men theo con đường đất đi dưới tán rừng tới chốt phòng, chống dịch Covid-19 số 5, Đại úy Quảng bảo rằng: “Chốt số 5 nằm gần mốc 196, thuộc địa phận thôn Tả Mù Cán. Đây là một trong số tổ chốt có đường đi lại khó khăn, điều kiện ăn ở vất vả nhất”. Quả đúng vậy. Đường vào chốt không dễ đi, nhất là khi trời mưa. Đi trên cung đường này, tôi mới thấm thía sự vất vả của những người lính khi ngày ngày quản lý hơn 30km đường biên là núi cao, khe sâu, vách đá cheo leo với 50 mốc quốc giới mà Đại úy Lục Văn Chuyên, Đội trưởng Đội Vũ trang bảo là tuần tra hết số mốc này phải đi cật lực trong hơn 1 tuần.
Qua quãng đường rừng, mở ra trước mắt chúng tôi là khoảng không gian bao la. Chốt số 5 nằm ngay trên đường mòn người dân hay qua lại. Trước cửa chốt, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Thời tiết ở đây thực sự thử thách con người. Ngày nắng nóng, gió thốc rát mặt. Nhưng đêm xuống, không khí ở đây bỗng trở lạnh, ngủ phải đắp chăn bông. Tiếng bạt bị gió thổi kêu ràn rạt suốt ngày đêm. Những người lính tếu táo bảo là nhạc sống, thiếu nó có khi không ngủ được.
Trưởng thôn Tả Mù Cán Thèn Văn Khánh đồng thời là thôn đội trưởng cũng tham gia trực ở chốt số 5, cười nói rất thật: “Ở đây không có điện, nước, sóng điện thoại phập phù, thiếu nhiều thứ lắm, nhưng tình cảm thì luôn dư giả. Bà con thường ghé qua thăm và tặng chúng tôi thực phẩm”.
Thiếu tá Đỗ Văn Hải, Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần cho biết thêm: “Chúng tôi ở đây chỉ sợ nhất là gió lốc to, thêm trận mưa đá nữa là mất ăn, mất ngủ. Đợt đầu dịch, mưa rét lắm, sương mù dày đặc. Ban đầu, chúng tôi làm lán bằng khung lắp ghép. Qua một cơn gió lốc, cả lều bị thổi bay. Hôm sau, anh em phải về đồn lấy tăng bạt gia cố”.
Tôi nhìn quanh chiếc lều dã chiến, mọi vật dụng đều rất đơn sơ, được xếp đặt gọn gàng. Những người lính hào hứng ôn lại những kỷ niệm đã qua. Ở nơi xa xôi, hẻo lánh này, câu chuyện của họ không chỉ có khó khăn, vất vả, mà còn có cả niềm vui và hạnh phúc. “Chỗ thịt treo này bà con mới mang tới tặng hôm qua. Các đoàn thể, tổ chức, cá nhân cũng rất quan tâm tới tặng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, đồ dùng thiết yếu. Những món quà đó giúp anh em chúng tôi vững tâm hơn” - Anh Hải tâm sự.
Bài 2: Câu chuyện từ khu cách ly