hị, xã Thông Bình thi thoảng đến khu vực trao đổi hàng hóa tuyến biên giới giáp ranh Campuchia. Họ mang theo những sản vật nơi đồng ruộng, rồi bán lại cho những người quen nước bạn.
Ấp Thị có khoảng vài trăm hộ dân sinh sống. Nơi này chỉ cách ngôi làng Campuchia khoảng 100 m, ở bên kia bờ sông Tam Ly.
Cũng bởi địa hình trũng thấp nên khi mùa lũ (nước nổi) về, toàn ấp như nổi trên biển nước mênh mông. Tên gọi ví von "ốc đảo" cũng bắt nguồn từ đó.
"Bến" trao đổi hàng hóa có một không hai
Người dân ấp Thị chia sẻ họ chưa từng chịu sự quản lý nghiêm ngặt như thế này của ngành chức năng trong việc buôn bán với khách hàng bên kia biên giới. Trước khi có dịch Covid-19, mọi người đã quen nếp tự do giao thương từ nhiều đời.
- Yêu cầu bà con giãn cách ra! - trung úy Nguyễn Hải Lý, nhân viên kiểm soát, Trạm kiểm soát biên phòng Thông Bình (thuộc Đồn biên phòng Thông Bình), nói lớn.
An ninh thắt chặt ở khu vực người dân trong nước trao đổi hàng hóa với bên kia bờ biên giới Campuchia. |
Nhóm cư dân ấp Thị và nhóm người Campuchia chấp hành theo yêu cầu. Họ đứng tạo khoảng cách, trên vai vẫn vác những món hàng đang trao đổi dở.
- Chúng tôi nghe rõ rồi - bà Hòa, một tiểu thương người Việt trả lời.
- Bà con cũng nên sát khuẩn tiền - trung úy Lý nói thêm.
Điểm trao đổi hàng hóa giữa người dân hai nước được bố trí cách Trạm kiểm soát biên phòng Thông Bình khoảng 100 m. |
Ngay sau đó, việc trao đổi hàng, trả tiền được hiện khá khẩn trương. Thấy bà con không còn đủ dung dịch sát khuẩn, vị trung úy khẩn trương vào trạm kiểm soát, lấy một ít nước cồn nồng độ cao mang ra, xịt quanh một chiếc bàn nhỏ. Bên trên bàn là hàng hóa, tiền. Những thứ này được người dân hai bên biên giới trao đổi với nhau.
Đầu tháng 4/2021, khi những ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng ở Campuchia liên tục được ghi nhận, lực lượng chức năng Đồn biên phòng Thông Bình được lệnh đóng cửa biên giới. Theo đó, người dân hai bên không được giao thương.
Chiến sĩ Nguyễn Văn Hải, nhân viên kiểm soát, Trạm kiểm soát biên phòng Thông Bình. |
“Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Campuchia, chúng tôi được yêu cầu thắt chặt kiểm soát và nhắc nhở người dân có ý thức phòng, chống dịch. Chống dịch là chống giặc mà”, chiến sĩ Nguyễn Văn Hải, nhân viên kiểm soát, Trạm kiểm soát biên phòng Thông Bình, chia sẻ.
Khoảng nửa tháng nay, do mong muốn bức thiết của người dân nước bạn Campuchia và để người dân địa phương ấp Thị có thu nhập, lực lượng chức năng đồng ý để việc giao thương được diễn ra.
Tuy nhiên, thay vì buôn bán tự do như trước đây thì nay mọi thứ sẽ được kiểm soát gắt gao. Tất cả hàng hóa, sản vật trao đổi đều phải nằm trong danh mục cho phép của ngành chức năng.
Các hoạt động của người dân tại đây chỉ diễn ra vào sáng sớm. Chiều và tối nơi này đóng cửa, không ai được tự ý qua lại. |
Xóm biên giới Campuchia giáp ranh ấp Thị. Nơi đây hiện có nhiều người gốc Việt sinh sống. |
Bên kia biên giới là xóm ngụ cư của hàng trăm hộ dân, nơi nhiều gia đình người Việt, sinh sống từ lâu đời. Hơn ai hết, họ quá quen với bà con ấp Thị. Trước khi dịch đến, người dân đôi bờ sống chan hòa, dùng chung nhau nguồn nước sông Tam Ly chan chát vị phèn.
Đêm không ngủ trên dòng Sở Hạ
Xã Thông Bình có 5 cụm dân cư biên giới, gồm cụm Sông Ngoài, Chảng Xê Đá, Ba Lê Hiếu, Con Éc và cụm Lăng Xăng Ba, nằm dọc theo dòng sông Sở Hạ. Con sông này giao với sông Tam Ly, tổng chiều dài gần 8 km thuộc địa bàn quản lý của Đồn biên phòng Thông Bình.
Tuyến đường tuần tra biên giới của lực lượng chức năng chủ yếu là trên sông, bằng phương tiện vỏ máy nhỏ. Lối di chuyển nhiều đoạn nước cạn, khá ngoằn ngoèo và đặc cứng cây lục bình.
Lực lượng chức năng tuần tra đêm trên sông Sở Hạ. |
“Anh em chúng tôi hàng đêm phải ăn ngủ trên sông. Chúng tôi được cảnh báo về một kịch bản xấu, đó là sẽ có nhiều người từ Campuchia ‘chạy dịch’ qua biên giới. Bởi vậy nên không được phép lơ là”, trung úy Nguyễn Văn Rượu, Trưởng chốt kiểm soát biên giới số 2, Đồn biên phòng Thông Bình, nói.
Cũng theo lời trung úy Rượu, nhiệm vụ của các anh sẽ là tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và phối hợp xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép.
- Đồng chí Thạnh, dường như có điểm sáng bên đây bờ! - trung úy Rượu nói lớn.
Chiếc vỏ máy nhỏ giảm tốc trong đêm tối. Thình lình, trung úy Hồ Đỗ Thạnh găm mũi vỏ vào một cụm cây dại. Cả đoàn tuần tra nhanh chóng vọt lên bờ.
Cán bộ, chiến sĩ chốt kiểm soát số 2 vọt từ vỏ máy lên bờ, rồi chia ra tầm soát mục tiêu nghi vấn. |
Mọi người len vào những đám cây me dương đầy gai nhọn. Bất chấp những vết cứa rách da, ai nấy ra hiệu lệnh cùng nhau chia hướng tiếp cận mục tiêu.
- Không có gì anh em. Một đốm lửa nhỏ do người dân nướng chuột đồng chưa được dập tắt - vị chốt trưởng số 2 khẳng định.
- Mọi người dập nhanh lửa và rút!
- Rõ!
Đoạn hội thoại gãy gọn từ những người lính quân hàm xanh ở chốn bưng biền vụt lên và nhanh chóng yên ắng trở lại. Đã 3h sáng, dòng sông Sở Hạ bỗng gợn sóng vì nổi gió, báo hiệu một cơn mưa sắp đến.
Cùng thời điểm lực lượng tuần tra trên sông, một nhóm chiến sĩ thuộc chốt số 2 vẫn làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tuyến đường biên giới trên đất liền. Đó là khu vực đê quốc phòng. Đêm khuya, người dân ấp Thị vẫn thỉnh thoảng đi về, kết thúc những chuyến mưu sinh dai dẳng trên đồng.
Cuộc tuần tra, kiểm soát kết thúc vào lúc 3h rạng sáng. Sau đó mọi người được lệnh tạm rút về chốt, chờ thực hiện nhiệm vụ khác. |
Tuần tra, kiểm soát người qua lại trên tuyến đê quốc phòng và thực hiện đo thân nhiệt nhằm phòng, chống dịch Covid-19. |
Dân nghèo ấp Thị trong cơn dịch dữ
Ấp là địa bàn có nhiều cụm dân cư sinh sống dọc biên giới Campuchia, số lượng trên 350 hộ. Hầu hết người dân làm nông nghiệp, làm thuê, đời sống nghèo khó. Theo UBND xã Thông Bình, thu nhập bình quân đầu người trong xã thuộc hạng thấp nhất so với các địa phương khác ở Đồng Tháp.
Nhiều người dân trong ấp Thị có cuộc sống khó khăn, túng thiếu. |
Ông Nguyễn Văn Sử, ngụ ấp Thị là một trong số nhiều hộ không có tư liệu sản xuất, điển hình cho câu chuyện cư dân nghèo khó của xã. Mấy tháng trước, ông sang làm thuê cho một doanh nghiệp cung ứng cát nguyên liệu ở ngoại thành Phnom Penh, Campuchia. Mỗi ngày, ông kiếm được gần 200.000 đồng. Khi dịch Covid-19 lan rộng, ông mất việc, nhiều tháng loay hoay ở nước bạn vì lệnh phong tỏa.
Không còn đường “sống”, ông quyết định về lại ấp Thị khi lệnh phong tỏa được nới lỏng tại các vùng ít dịch bệnh. Tuy nhiên, ông không đi đường chính ngạch, mà vượt biên về quê nhà trong bối cảnh cơn lốc Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Ông Sử kể lại những khó khăn của mình khi thất nghiệp ở Campuchia và nhập cảnh về quê nhà không đúng quy định. |
"Tôi không có tiền để bắt xe về tại cửa khẩu chính ngạch chú ạ. Mấy tháng trời bên đó, nhiều hôm không có mì gói để ăn”, ông Sử trầm ngâm kể.
"Từ cái khó, ông nhà tôi ló cái dại. Ông ấy vượt biên trái phép về quê nhà. Đến biên giới, ông đã báo cho chính quyền đến xử lý, và được đưa đi cách ly tập trung để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người khác nếu bị mắc Covid-19", vợ ông Sử tiếp lời chồng.
Vợ ông Sử thống nhất với chồng sẽ tự thông báo cho ngành chức năng xử lý khi ông về đến biên giới. |
Đại úy Đoàn Văn Toàn, chính trị viên phó Đồn biên phòng Thông Bình xác nhận với chúng tôi, câu chuyện kể của vợ chồng ông Sử quả thực đúng như vậy. Cũng theo vị đại úy, người đàn ông này còn chịu mức phạt 4 triệu đồng vì hành vi nhập cảnh trái phép.
Tại khu cách ly, ông Sử nhiều lần xét nghiệm Covid-19 đều có kết quả âm tính. 4 triệu đồng nộp phạt cũng là số tiền hai vợ chồng vay mượn, hiện đến kỳ trả lãi đầu tiên.
Ông Sử hiện ở nhà, giúp vợ chăm sóc đàn bò gia đình ông vay vốn xóa đói giảm nghèo ở địa phương để mua con giống. |
Ông Sáu Lời là người đầu tiên mà ông Sử gọi điện báo mình đã vượt biên về. Ông là người có uy tín trong ấp Thị, thường giúp đỡ và chia sẻ những câu chuyện khó khăn của bà con.
“Nhận được tin, tôi gọi điện cho lực lượng biên phòng phụ trách biết. Mọi người đến và xử lý sự việc nhanh gọn, không có bất kỳ sự cố nào. Rõ ràng ý thức phòng chống dịch vì cộng đồng của vợ chồng ông Sử là rất đáng ngợi khen”, ông Sáu Lời nhớ lại.
Ông Sáu Lời hết lời khen ngợi ý thức phòng, tránh sự lây lan dịch bệnh của vợ chồng ông Sử. |
Đây không phải là vụ vượt biên trái phép duy nhất tại ấp Thị. Từ đầu năm 2021 đến nay, còn có 2 vụ khác, liên quan đến 3 người vượt biên về từ Campuchia. Tuy nhiên, điều khác nhau giữa ông Sử và những người kia là ý thức tự trình báo.
Theo đại úy Toàn, ý thức trình báo của người dân vùng biên giới, khi phát hiện có người lạ mặt về địa phương là rất quan trọng. Đây là “tai mắt” không thể thiếu của lực lượng chức năng trong cuộc chiến chống dịch.
Công tác dân vận được xem là "trợ thủ" đắc lực cho mặt trận chống dịch Covid-19 qua đường biên giới. |
Xác định rõ điều này, từng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị là một trung tâm kết đoàn, là tấm gương bộ đội cụ Hồ gương mẫu, gần dân, biết lắng nghe tâm tư và chia sẻ cái khó của dân.
“Chúng tôi đã xử lý 100% trường hợp vượt biên giới về Việt Nam trong thời gian qua. Sắp tới diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, tôi mong anh em tiếp tục giữ vững tinh thần. Chống dịch là cuộc chiến, như chống giặc thật sự”, đại úy Đoàn Văn Toàn nhấn mạnh.