Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức những nhà báo nước ngoài

Thảo Huyền

Trong ký ức của những nhà báo nước ngoài từng gặp gỡ, phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng là một vị tướng lỗi lạc nhưng rất đỗi bình dị.

Vị anh hùng lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20

Nhà sử học người Pháp Alain Ruscio trước đây từng là phóng viên Báo L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp. Chính nghề báo đã mang lại cho ông cơ hội đến Việt Nam và nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với nhà sử học Alain Ruscio, cuộc gặp đầu tiên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn để lại cho ông nhiều cảm xúc. Đó là vào tháng 3-1979, đúng vào dịp Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 25 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-1979). Alain Ruscio đến gặp Đại tướng với tư cách là phóng viên thường trú Báo L’Humanite’ mong muốn Đại tướng kể cho độc giả người Pháp của Báo L’Humanité về trận chiến này. “Cuộc gặp ban đầu chỉ để nói về trận Điện Biên Phủ. Mặc dù các cộng sự của Đại tướng nói rằng ông rất bận, nhưng cuối cùng câu chuyện đã dẫn dắt cho tôi được nói chuyện với Đại tướng trong nhiều giờ”, ông Alain Ruscio nhớ lại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức những nhà báo nước ngoài
Ông Alain Ruscio và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc còn trẻ. Ảnh: talkvietnam. 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức những nhà báo nước ngoài
 Ông Alain Ruscio và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này. Ảnh: talkvietnam. 

Theo ông Alain Ruscio, sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, ông có vinh dự được gặp Đại tướng 10, 20, rồi tới 30 lần. “Những cuộc gặp gỡ này diễn ra trong quãng thời gian khoảng 30 năm và tôi có thể nói rằng: Cuối cùng, tôi đã trở thành người gần gũi đối với Đại tướng”, nhà sử học Pháp nhớ lại. Cùng xuất thân là người nghiên cứu lịch sử nên Đại tướng đã dành cho ông Alain Ruscio nhiều thời gian để chia sẻ những câu chuyện về gia đình Đại tướng. Nhờ đó, cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời” (Vo Nguyen Giap-Une vie) của nhà sử học Alain Ruscio đã ra đời đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2011). Cuốn sách mỏng, khổ nhỏ, hơn 100 trang, được dàn thành 6 tiểu mục, bao quát toàn bộ cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ thầy giáo dạy Lịch sử đến nhà ái quốc trẻ tuổi, người chiến sĩ du kích, nhà lý luận chiến tranh cách mạng, nhà thực hành chiến tranh cách mạng chống Pháp và nhà thực hành chiến tranh cách mạng chống Mỹ.

Trong ký ức của nhà sử học Alain Ruscio, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị anh hùng lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20 nhưng lại là một người vô cùng khiêm tốn. Đại tướng thường nói về dân tộc Việt Nam, về những người dân, bộ đội Việt Nam. Đại tướng không bao giờ đặt mình lên trước mọi người. Đại tướng còn là người rất gần gũi, tinh tế, luôn tươi cười và đôi lúc rất dí dỏm, hài hước.

“Tôi đang đứng trước một người kiệt xuất”

Nữ phóng viên nhiếp ảnh người Mỹ Catherine Karnow, là con gái nhà báo, nhà sử học nổi tiếng Stanley Karnow. Trong cuộc phỏng vấn năm 1990, ông Stanley Karnow đã giới thiệu con gái Catherine Karnow với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vài tháng sau, tháng 7-1990, Catherine Karnow tới Việt Nam, cô được mời chụp ảnh chân dung Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức những nhà báo nước ngoài
 Người dân chào đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Năm 1994, Catherine Karnow trở thành nhà báo phương Tây đầu tiên được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời tới thăm Điện Biên Phủ với tư cách cá nhân. Chuyến đi khởi hành ngày 1-5-1994, Catherine đi bằng xe jeep từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Điện Biên Phủ bằng trực thăng quân đội. Lần này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ thăm lại trận địa và nghĩa trang liệt sĩ, ông trở về Mường Phăng lần đầu tiên sau 40 năm. Đó là nơi ông và các đồng đội đã trú ẩn trong khu doanh trại bí mật trong rừng vào những tháng đầu tiên của chiến dịch. Từ nơi đó ông đã lên kế hoạch cho trận đánh Điện Biên Phủ nổi tiếng. Chuyến đi này là một trong những kỷ niệm không bao giờ quên của nữ phóng viên người Mỹ. Bà nói: “Khi tôi gặp Đại tướng, tôi thực sự cảm thấy mình đang đứng trước một con người kiệt xuất. Tôi có thể cảm nhận được sự thông thái của Đại tướng trong bất kỳ cuộc trò chuyện nào. Đại tướng là người lịch sự, luôn tôn trọng và quan tâm tới người khác”.

Nữ nhiếp ảnh gia Catherine Karnow cho biết, mỗi lần bà quay lại Việt Nam, bà luôn dành thời gian tới thăm gia đình Đại tướng, chụp chân dung Đại tướng không những để phục vụ cho công việc của tôi mà còn dành tặng gia đình ông. Một trong những bức chân dung nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà Catherine chụp mang tên “Ngọn núi lửa phủ tuyết”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức những nhà báo nước ngoài
Người Pháp gọi ông là “Ngọn núi lửa phủ tuyết”. Ảnh: Catherine Karnow. 

Nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ, bà chụp bức ảnh này trong căn nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, vào năm 1994. Với công nghệ máy ảnh thời đó chưa hiện đại như bây giờ, bà đã rất mất công để tìm được một vị trí với ánh sáng tự nhiên ưng ý. Sau một hồi đi lại quan sát trong nhà Đại tướng, bà đã chọn bậc cầu thang trong bếp, nơi có nguồn ánh sáng từ cửa sổ rọi xuống. “Hãy chú ý vào đôi mắt, nếu bạn che đi một nửa của tấm chân dung thì có thể nhận thấy ông là một người giàu lòng trắc ẩn, ấm áp và luôn dành sự quan tâm sâu sắc cho người dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam và cho cả gia đình của ông nữa. Và một nửa còn lại thì quyết liệt và dữ dội đúng như cách lãnh đạo của một vị tướng trên chiến trường vậy”, Catherine chia sẻ. Bà cũng cho biết, trong nhiều năm qua, các bức ảnh chụp Đại tướng của bà trở thành các bức chân dung chính thức của Đại tướng.

Vị tướng lỗi lạc-một nhà văn hóa

Cũng giống như nhiều nhà báo nước ngoài như Alain Ruscio, Catherine Karnow, nhà báo kỳ cựu Uruguay Niko Schvarz,… đạo diễn người Pháp Daniel Roussel có may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần khi còn là phóng viên thường trú của Báo L’Humanité tại Việt Nam. Trước khi gặp Đại tướng, ông Roussel hình dung ra rằng một vị tướng chắc hẳn sẽ là một con người khô khan, đường bệ, có phần độc đoán. Thế nhưng, ông đã nhầm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức những nhà báo nước ngoài
Nhà báo Catherine Karnow và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 1994. 

Daniel Roussel nhớ lại, lần đầu tiên ông được gặp Đại tướng là vào năm 1980. Sau đó từ năm 1989 đến 1992, ông được gặp gỡ Đại tướng khoảng 20 lần. Khi làm bộ phim “Cuộc chiến giữa Hổ và Voi” vào năm 2003, nói về chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn làm phim của Pháp đã mang máy quay đi một chuyến dài ngày vào miền Nam, tận Đồng Nai. “Chúng tôi được dịp ở gần, trò chuyện với Đại tướng nhiều lần và quay những thước phim cuối cùng. Đến năm 2004, chúng tôi đến thăm Đại tướng, tặng ông đĩa DVD cuốn phim và chiếu cho ông xem. Đại tướng hài lòng vì những hình ảnh chân thật về Điện Biên Phủ”, Daniel Roussel kể lại.

Theo đạo diễn Daniel Roussel, bộ phim “Cuộc chiến giữa Hổ và Voi” không trực tiếp nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà Đại tướng là nhân vật chính dẫn dắt câu chuyện lịch sử ở Điện Biên Phủ năm 1954. Đại tướng nói về chiến thuật của từng trận đánh, về con người và chiến tranh, về cả đối phương với sự uyên bác và lòng nhân hậu, bằng tiếng Pháp rất lưu loát, phong thái đĩnh đạc và bình dị.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức những nhà báo nước ngoài
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đạo diễn Daniel Roussel trong thời gian làm phim Cuộc chiến giữa Hổ và Voi. Ảnh: VOV

Trong nhiều buổi nói chuyện riêng với Đại tướng, đạo diễn Daniel cảm nhận mối quan hệ rất đặc biệt giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tin tưởng của Đại tướng và sự kết hợp tuyệt vời giữa hai con người thông thái ấy để có được thành công trong chiến thắng Điện Biên Phủ. “Tôi nhìn thấy ở ông không chỉ là một vị tướng lỗi lạc mà còn là một nhà văn hóa, một con người trí thức, nhạy cảm, hiểu biết sâu rộng và luôn có ý kiến phản biện với cuộc sống. Tôi ấn tượng bởi phong thái lịch lãm, và rất hài hước của Đại tướng.