Đảm bảo công bằng khi phát hành các gói thầu

Thảo Huyền

Hoạt động đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương vẫn được triển khai khá tốt, bảo đảm công khai, minh bạch. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu còn tồn tại nhiều thách thức, như: Tình trạng biến tướng với những biểu hiện phức tạp và tinh vi, dàn xếp, “quân xanh”, “quân đỏ”, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, quy định các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp trong hồ sơ mời thầu (HSMT), nhất là vẫn xảy ra tình trạng tìm mọi cách để cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Gây khó dễ cho doanh nghiệp

Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, đồng thời chấn chỉnh mạnh mẽ công tác đấu thầu nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu, ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả trong công tác đấu thầu trên cả nước.

Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn có những động thái không minh bạch, gây bức xúc cho các công ty tham gia đấu thầu. Đơn cử như trong dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo điều chỉnh, do Công ty Cổ phần Than Núi Béo – Vinacomin đang phát hành gói thầu số 127: Cung cấp, lắp đặt trạm bơm thoát nước mức - 350 (lần một phát hành HSMT ngày 16/6/2020, lần hai ngày 19/10/2020).

Tại gói thầu này, nhiều đơn vị phản ánh chủ đầu tư đưa ra những yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn thiết bị nhằm mục đích hạn chế các nhà thầu tham gia, không tạo điều kiện sử dụng các thiết bị mà Việt Nam đã sản xuất được và đã được nội địa hóa mà chỉ chọn thiết bị có tiêu chuẩn ATEX để ngầm chỉ định cho nhà thầu thân quen trúng thầu.

Theo đó, trong hồ sơ mời thầu phát hành lần một vào ngày 16/6, Công ty cổ phần Than Núi Béo – Vinacomin (chủ đầu tư) đã đưa ra tiêu chí “Tủ khởi động mềm phải được cấp chứng nhận phòng nổ ATEX”. Một trong số ba nhà thầu đã đáp ứng theo yêu cầu của HSMT, nhưng chủ đầu tư vẫn loại và ra quyết định hủy thầu để đấu lại mà không cho nhà thầu biết lý do.

Khi phát hành HSMT lần hai vào ngày 19/10/2020, chủ đầu tư lại yêu cầu thêm tủ khởi động mềm phòng nổ phải có giấy chứng nhận ATEX cho tủ hoàn chỉnh, đối với phần tự động hóa hầm bơm trong lò, chủ đầu tư cũng yêu cầu các thiết bị: Tủ điều khiển trung tâm phòng nổ, màn hình phòng nổ, tủ điều khiển tại chỗ phòng nổ... phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn ATEX cho tủ hoàn chỉnh. Trong khi đó, tại HSMT lần một, chủ đầu tư đưa ra các tiêu chí mở hơn và nhiều thiết bị của các nhà sản xuất Việt Nam, Hàn Quốc đáp ứng đồng thời.

Trong HSMT lần hai, chủ đầu tư  đã đưa thêm các yêu cầu kỹ thuật dường như mang tính chỉ định cho thiết bị của một nhà sản xuất tại Ba Lan mới đáp ứng được. Thông tin từ một đơn vị đấu thầu gói thầu này đã cho rằng, trong lần phát hành HSMT lần một, chủ đầu tư đã nghiên cứu kỹ hồ sơ dự thầu của hai nhà thầu còn lại để khóa kỹ thuật. Như vậy, chỉ có nhà thầu thân quen mới được chủ đầu tư ủng hộ mới đáp ứng và trúng thầu.

Tủ khởi động mềm là thiết bị đã được nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc, Việt Nam sản xuất là lắp ráp (vỏ phòng nổ do Việt Nam sản xuất, ruột của các hãng nổi tiếng châu Âu) với trình độ kỹ thuật cao, chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh. Thiết bị được nhiều mỏ than trong Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam sử dụng rất ổn định qua nhiều năm và đã được đánh giá chất lượng tốt.

Chính tại Công ty cổ phần Than Núi Béo – Vinacomin cũng đang sử dụng nhiều tủ khởi động mềm phòng nổ của Hàn Quốc và tủ khởi động mềm do Việt Nam lắp ráp đến nay vẫn đang chạy rất ổn định, an toàn. Vậy nhưng chủ đầu tư Than Núi Béo lại yêu cầu tủ khởi động mềm “phải có giấy chứng nhận ATEX cho tủ hoàn chỉnh” đang là câu hỏi cần trả lời.

Yêu cầu ở lần phát hành hồ sơ thầu thứ hai này đã hạn chế các nhà thầu tham gia và không bảo đảm sự công bằng, minh bạch trong đấu thầu. Có thể nói, điều này đã vi phạm Chỉ thị 47/CT-TTg cũng như vi phạm Luật Đấu thầu trong việc xây dựng các yêu cầu kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng

Chỉ thị này cũng nêu rõ việc không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử.

Bảo đảm cạnh tranh

Theo phản ánh, không chỉ với gói thầu 127, một số gói thầu gần đây như gói thầu số 135: Cung cấp, lắp đặt hệ thống cung cấp điện và thiết bị điện trong lò mức -140 (phát hành HSMT ngày 18/9/2020) và gói thầu số 136: Cung cấp, lắp đặt hệ thống cung cấp điện và thiết bị điện trong lò mức – 350, Công ty Núi Béo tiếp tục quy định các yêu cầu kỹ thuật về tiêu chuẩn ATEX cho tủ thiết bị điện hoàn chỉnh do cơ quan có thẩm quyền của Liên minh châu Âu cấp chứng nhận và kết quả mở thầu chỉ có một nhà thầu duy nhất mà chủ đầu tư ủng hộ tham gia đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của HSMT.

Các nhà thầu gửi kiến nghị với chủ đầu tư để mở rộng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị, thêm các tiêu chuẩn IEC được áp dụng trên toàn cầu, hoặc tiêu chuẩn TCVN 7079 đối với tủ khởi động mềm phòng nổ điện áp 6kV và các tủ điều khiển trung tâm phòng nổ, màn hình phòng nổ, cụm tủ điều khiển tại chỗ phòng nổ phần tự động hóa trạm bơm để thu hút được nhiều nhà thầu tham gia. Các nhà thầu gửi đơn kiến nghị cũng cho biết, nhiều thiết bị có chất lượng của các nước như Nga, Hàn Quốc và Việt Nam có thể đáp ứng, bảo đảm sự minh bạch, công bằng và cạnh tranh trong đấu thầu, qua đó tiết kiệm vốn đầu tư cho nhà nước.

Đến nay, Chỉ thị số 47/CT-TTg đã được các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bộ, ngành, địa phương) và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện. Một số bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản, chỉ thị để đôn đốc, chỉ đạo và chấn chỉnh hoạt động đấu thầu tại các đơn vị thuộc lĩnh vực, địa phương mình quản lý. Chỉ thị cũng nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân vi phạm đối với việc xây dựng Hồ sơ mời thầu/Hồ sơ yêu cầu, đánh giá Hồ sơ dự thầu/Hồ sơ đề xuất, tùy theo mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định tại Điều 121 đến Điều 124 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan”.

Hơn nữa, theo quy định, thời gian làm hồ sơ dự thầu chỉ có 20 ngày, nhưng gói thầu của Công ty Núi Béo đã phát hành được hơn 10 ngày. Nếu chủ đầu tư Núi Béo có sửa lại Hồ sơ mời thầu thì cũng chỉ còn chưa đến 10 ngày nữa là hết thời gian quy định. Như thế đồng nghĩa với việc là sẽ không có đơn vị tham gia đấu thầu nào kịp làm hồ sơ (ít nhất cần 15 ngày). Trong trường hợp này, chủ đầu tư cần xem xét kỹ quy định và Luật Đấu thầu để tránh những sai phạm trong quá trình phát hành các gói thầu của đơn vị mình

Nam Anh