“Tổ cầm đồ” đã giao dịch huy động vốn và cho vay với số tiền hàng chục tỷ đồng |
Một cuộc biến tướng ngoạn mục
Thời gian vừa qua chúng tôi liên tục nhận được đơn thư của người dân thôn Độc Lập (xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) phản ánh về một nhóm tín dụng cá nhân gồm 3 thành viên, thực hiện việc huy động vốn và cho vay lãi suất cao trên địa bàn từ cuối năm 2018 cho đến nay. Người dân cho rằng, sở dĩ “tổ cầm đồ” này tồn tại được là do sự dung túng, bao che của lãnh đạo địa phương. Việc tồn tại trong một thời gian dài của “tổ cầm đồ” đã tiềm ẩn nguy cơ mất vốn của dân, gây mất an ninh trật tự cùng với đó là nhiều gia đình mất nhà, mất đất, vợ chồng ly tán…
Để làm rõ các nội dung theo đơn thư phản ánh, chúng tôi đã có mặt nhiều ngày để thu thập tài liệu, tiếp xúc với người dân địa phương. Người dân ở đây cho biết: Tiền thân của “tổ cầm đồ” này là Tổ tín dụng thôn Độc Lập, được thành lập từ năm 1996, dưới sự quản lý của Chi bộ thôn Độc Lập. Đến tháng 12/2018, UBND Huyện Vị Xuyên đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của tổ tín dụng này cùng yêu cầu không cho phép nhận tiền gửi và cho dân vay nữa.
Tuy nhiên tổ tín dụng này lại chuyển thành tín dụng cá nhân gồm 3 người là bà Hoàng Thị Gấm, ông Bùi Xuân Công, ông Hoàng Anh Quyên. Các cá nhân này đã thay đổi các mẫu sổ ghi từ quỹ tín dụng thành sổ theo dõi và giữ nguyên hình thức hoạt động như tổ tín dụng trước khi có quyết dịnh chất dứt hoạt động. Nghiêm trọng hơn, những người này còn đưa thêm điều kiện cho vay là phải có thế chấp tài sản và yêu cầu viết giấy chuyển nhượng trước khi vay tiền. Từ yêu cầu này nên đã dẫn đến nhiều gia đình mất nhà, mất đất, vợ chồng ly hôn do không có tiền trả gốc và lãi.
Sổ ghi theo dõi huy động vốn cho vay trước và sau khi có quyết định châm dứt Tổ tín dụng có kèm yêu cầu thế chấp bìa đỏ và viết giấy chuyển quyền SDĐ. (hồ sơ người dân cung cấp) |
Để làm rõ hơn về nguồn gốc “tổ cầm đồ”, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Bùi Xuân Quân và được ông cho biết: Từ năm 1996, thôn Độc Lập được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang cho mượn vốn theo Dự án phát triển nông thôn Việt Nam – Thụy Điển để làm quỹ. Sau đó Ban quản lý dự án được thành lập và tập huấn nghiệp vụ cho 3 người, hoạt động với nguồn vốn vay ban đầu là 60.000.000 đ (sáu mươi triệu đồng). Phương thức vay được quy định với lãi suất ưu đãi 1%/tháng và huy động tiết kiệm trong dân là 0,8%/tháng.
Lợi nhuận thu được từ hoạt động của Tổ tín dụng này thống nhất được chia trả như sau: Trả thù lao cho 03 thành viên tổ tín dụng 60%, trích tiền quỹ rủi ro 10% còn 30% nhập quỹ thôn để nhân dân được hưởng. Tổ tín dụng và Ban quản lý hoạt động rất hiệu quả nên sau khoảng 3 năm đã trả hết vốn vay cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Sau đó Tổ tín dụng tiếp tục hoạt động với số vốn dư do lãi trong hoạt động của tổ tín dụng và tiền tiết kiệm của người dân gửi vào. Cho đến năm 2015, Tổ tín dụng thôn độc lập thay thành viên mới gồm bà Hoàng Thị Gấm, ông Hoàng Anh Quyên, ông Bùi Xuân Công và Trưởng Ban giám sát quỹ là bí thư chi bộ, ông Bùi Quyết Chiến.
Đến năm 2017, do có đơn thư phản ánh của dân nên thanh tra ngân hàng tỉnh và công an kinh tế đã về làm việc với tổ tín dụng . Lợi dụng việc này, tháng 10/2017 Tổ tín dụng tự ý chuyển sang “tổ cầm đồ” với 3 thành viên hoạt động độc lập là bà Hoàng Thị Gấm, ông Bùi Xuân Công, ông Hoàng Anh Quyên và không thông qua chi bộ thôn Độc Lập, không báo cáo, chia lợi nhuận từ thời điểm này đến tháng 12/2018 khi UBND huyện Vị Xuyên quyết định chấm dứt hoạt động. Số tiền dư nợ ước tính tại giai đoạn này lên đến cả chục tỉ đồng.
Quyết định phê duyệt phương án chấm dứt hoạt động tại nhóm tín dụng thôn độc lập xã Đạo Đức ngày 19/12/2018 của UBND huyện Vị Xuyên |
Mẫu sổ ghi theo dõi được thay đổi từ tháng 10/2017 cho đến nay |
Mất nhà, đất vì “tổ cầm đồ”
Để tìm hiểu thêm về mô hình hoạt động của “tổ cầm đồ” từ khi có quyết định của UBND huyện Vị Xuyên cho đến nay, chúng tôi đã tìm đến người trực tiếp vay vốn. Anh Phan Anh T. cho biết : “Từ 15/9/2014 đến 4/4/2015 tôi vay vốn “tổ cầm đồ” 3 lần với tổng số tiền là 130.000.000 đ (một trăm ba mươi triệu đồng) với lãi suất 1,5%/tháng. Để vay được số tiền này tôi phải thế chấp một bìa đỏ (mang tên ông Đặng Văn Tạp) do tôi đã mua lại từ năm 2014 bằng giấy viết tay nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Trực tiếp bà Hoàng Thị Gấm đã yêu cầu tôi phải viết giấy chuyển nhượng sổ đỏ trên rồi mới cho vay tiền.
Trong thời gian từ 15/9/2014 – 4/4/2014 tôi vẫn trả lãi đều đặn, cho đến gần cuối năm 2015 tôi phải xa địa phương gần 3 năm. Khi quay trở về bà Gấm đã yêu cầu tôi trả 96.000.000 đồng (chín sáu triệu đồng) tiền lãi và 130.000.000 đồng (một trăm ba mươi triệu) tiền gốc. Tuy nhiên tôi chỉ có 90.000.000 đồng (chín mươi triệu) trả lãi còn nợ lại 136.000.000 đồng( một trăm ba mươi sáu triệu).
Tôi không thắc mắc số nợ đó, nhưng tôi rất bức xúc bởi vì tại thời điểm đấy, khi vợ chồng tôi bất hòa, bà Gấm đã đưa cho vợ tôi 100.000.000 đồng (một trăm triệu) và yêu cầu tôi giao nhà cho bà ý. Tôi muốn giữ nhà nên đã nói chuyện với bà ấy cho tôi chuộc lại 270.000.000 đồng (hai trăm bảy mươi triệu), thậm chí mức chuộc được nâng lên là 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng) nhưng bà ấy cũng không cho chuộc lại. Bây giờ tôi phải đi thuê nhà và vợ chồng mỗi người một nơi mà nguyên nhân chính từ món vay này”.
Tại thôn Bản Bang, xã Đạo Đức, rất nhiều người mất nhà, mất đất phải đi thuê nhà ở do vay tiền từ “tổ cầm đồ” |
Không chỉ riêng mình anh Phan Anh T. mà theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại xã Đạo Đức đã có hàng chục hộ dân của xã phải chịu cảnh tương tự, phải giao nhà đất cho nhóm người này vì không có khả năng trả nợ theo cách tính và yêu cầu của nhóm tín dụng này.
Không chỉ dừng lại ở việc cho vay nhằm mục đích thu lợi bất chính, “tổ cầm đồ” này còn ngang nhiên huy động vốn với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng, bất chấp quy định của pháp luật. Thiết nghĩ quyền lợi hợp pháp của người dân, bao gồm người gửi tiết kiệm và người vay vốn có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào và tình hình an ninh trật tự địa phương sẽ diễn biến khó lường chỉ cần một thay đổi nhỏ của “tổ cầm đồ” này.
Một trong hàng trăm quyển sổ được cho là sổ tiết kiệm của người dân địa phương |
Chính quyền chậm vào cuộc
Để thông tin được khách quan, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Đạo Đức. Bà Nguyễn Thị Liên, chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã nắm bắt được sự việc và đã tiến hành kiểm tra xác minh. Xã cũng đã báo cáo 6 nội dung với UBND huyện. Xã cũng đã được huyện chỉ đạo bằng công văn và yêu cầu hoạt động tín dụng này thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên khi chúng tôi đưa ra câu hỏi về việc kiểm tra xác minh sự việc cũng như việc cung cấp biên bản kiểm tra thì vị chủ tịch này đã quanh co với lý do: Đã gửi hết lên UBND huyện, không lưu giữ gì cả. Bà Liên cũng cho biết thêm đây là vấn đề không dễ giải quyết và mong được tạo điều kiện, sai đâu sửa đấy. Về phương án xử lý tình trạng tín dụng trái quy định trên địa bàn thì bà Liên cho biết: “Đã báo cáo lên UBND huyện”.
Chủ tịch UBND xã Đạo Đức Nguyễn Thị Liên |
Để rõ thêm vấn đề, chúng tôi đã liên hệ với ông Đỗ Anh Tuấn – Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên. Ông Tuấn cho biết đang họp và giao cho chánh văn phòng thực hiện. Trao đổi, ông Triệu Quốc Đạt - Phó Chánh văn phòng UBND cho biết: UBND huyện đã nhận được báo cáo của UBND xã Đạo Đức và đang tiến hành xử lý để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo.
Với cách xử lý sự việc theo kiểu dưới báo cáo lên, trên chỉ đạo xuống, rồi cứ theo một vòng tròn ngày này qua ngày khác thì không biết sự việc này sẽ đi đến đâu và sẽ còn bao nhiêu hộ dân rơi vào tình cảnh mất nhà, mất đất nữa?
Đê đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, có lẽ các cơ quan ban ngành của tỉnh Hà Giang cũng như huyện Vị Xuyên nên nhanh chóng vào cuộc.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.