Sẽ đánh thuế giao dịch vàng miếng SJC?
Tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước ngày 9/6, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đề xuất cơ quan quản lý cần sớm kiến nghị xây dựng chính sách thuế tương tự với vàng. Theo bà Mùi, giải pháp có thể ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác là kiểm soát giá vàng. Ngoài ra, việc áp thuế giúp đảm bảo công bằng trong kinh doanh vàng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Bên cạnh đó việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Ông Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nêu quan điểm: "Trong bối cảnh người dân đi mua vàng đầu cơ tích trữ, đến một lúc nào đó tôi nghĩ Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế như là một công cụ để điều tiết, không chỉ điều tiết thu nhập mà còn là điều tiết hành vi của người tiêu dùng".
Theo các chuyên gia, việc mua vàng là quyền của người dân, tuy nhiên thời gian qua tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng, đầu cơ với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề vàng hóa, trong 10 năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ thành công trong việc chống vàng hóa ở một mức độ nào đó. Người dân hiện nay không còn dùng vàng như đơn vị để thanh toán. Các ngân hàng không huy động vàng, không cho vay vàng.
TS.Nguyễn Trí Hiếu dẫn chứng, lấy một mô hình trên thế giới để thấy quốc gia nào không có vàng hóa: Mỹ. Nước Mỹ họ cũng bán vàng vật chất và vàng trang sức nhưng bên cạnh vàng vật chất và vàng trang sức, thị trường chứng khoán của Mỹ có những sản phẩm để đầu tư vào vàng, chứng khoán trong những công ty.
Do vậy, quản lý thị trường vàng thì công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho biết, từ trước đến nay, hoạt động kinh doanh vàng chưa bị đánh thuế vì phần lớn người dân chỉ mua vàng để tích trữ, không phát sinh hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số cá nhân đã có hiện tượng kinh doanh vàng và cũng đã đến lúc chúng ta cần phải đánh thuế vàng.
Ông Lê Xuân Nghĩa - Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: "Dùng các biện pháp hành chính chưa chắc đã có hiệu quả bằng việc chúng ta đánh thuế. Đánh thuế vừa phải để những người kinh doanh trong nước cũng có lời và các đối tượng buôn lậu không có lợi".
Bắt buộc xuất hóa đơn các giao dịch mua bán vàng
Trong Thông báo số 160/2024 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ cần phải có hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả.
Trên thực tế, từ trước đến nay, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng lẫn khách hàng đều không chú ý đến việc xuất hóa đơn điện tử. Phần lớn các giao dịch mua bán vàng vẫn chỉ sử dụng hóa đơn viết tay hoặc hóa đơn nội bộ. Thậm chí, ngay cả ở các doanh nghiệp vàng lớn, hóa đơn điện tử chỉ có khi khách hàng yêu cầu.
"Theo luật quản lý thuế, các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022. Xăng dầu, một lĩnh vực tương đối khó, cũng đã chuyển đổi sang hóa đơn điện tử. Trong khi đó, lĩnh vực rất quan trọng và cần quản lý là kinh doanh vàng lại chưa "làm căng" việc áp dụng hóa đơn điện tử.
Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động quyết liệt trong quản lý ngoại hối nhưng lại chưa đẩy mạnh vấn đề xuất hóa đơn điện tử khi mua, bán vàng. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải nhìn nhận và thay đổi", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Để quản lý thị trường vàng một cách công khai, minh bạch thì việc xuất hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế là điều bắt buộc. Khi tất cả đều phải xuất hóa đơn thì khối lượng giao dịch, lượng mua - bán sẽ được đong đếm chính xác, cơ quan quản lý nhà nước cũng có đủ thông tin để quản lý, đưa ra những chính sách phù hợp để điều tiết thị trường vàng, ông Thịnh lý giải.
Ông Thịnh khẳng định: "Việc xuất hóa đơn điện tử không quá tốn kém và khó khăn như nhiều doanh nghiệp từng chia sẻ. Nếu như chúng ta không kiên quyết và không biết cách tổ chức thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ lần lữa không chịu làm. Chúng ta đang không quyết liệt, từ đó tạo ra tính chây ì về việc xuất hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp".
Ở phía người dân, hiện nay nhiều người vẫn chưa có thói quen lấy hóa đơn điện tử khi mua hàng, trong đó có mua vàng. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu muốn hình thành thói quen, các cơ quan ban ngành có thể triển khai các biện pháp khuyến khích người dân, chẳng hạn như giảm trừ với những người lấy hóa đơn điện tử.
Song, với đặc thù riêng của thị trường vàng, chuyên gia cho rằng việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử của các đơn vị kinh doanh vàng sẽ cần phải có lộ trình cụ thể và mất nhiều thời gian.
Cũng trong cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia cũng bàn về việc sửa Nghị định 24 theo hướng có thể coi vàng là một loại hàng hoá thông thường, từ đó các chính sách quản lý và vận hành sẽ được điều chỉnh theo hướng phù hợp.