Dịch covid 19: Cơ hội và thách thức của chuyển đổi số quốc gia

Ngọc Anh

Phát triển và bùng lên mạnh mẽ vào năm 2020, Covid-19 tác động rất lớn tới kiến trúc thượng tầng, cơ sở hạ tầng của nền Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế.

Trong năm qua, dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam mặc dù các lĩnh vực hàng không, du lịch, giáo dục,… bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề, xong cuộc chạy đua của nền kinh tế số vẫn sôi nổi và vươn xa hơn trong thời kỳ dịch covid-19 đang là điểm nóng của toàn xã hội.

Ảnh: Internet

Chuyển đổi số được hiển đơn giản là sử dụng các công cụ công nghệ để tối ưu mọi mặt của quá trình kinh doanh, tối ưu chi phí, phát triển kinh doanh. Chuyển đổi số đang tác động ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu; thay lao động chân tay bằng tự động hóa; thay vốn bằng tri thức và dữ liệu; thay đổi toàn diện mối quan hệ của chính quyền với người dân và giữa các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ các cơ chế trung gian trong chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp; thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như hành vi ứng xử của toàn xã hội.

Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt 9 tỷ USD vào năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Còn theo một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm tới nếu chúng ta chuyển đổi số thành công.

Số hoá nền kinh tế trong thời điểm Covid vừa là cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi số trong mùa Covid-19

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể thấy được những cơ hội để phát triển và cải thiện năng lực. Công tác phòng chống và đẩy lùi dịch Covid-19 trong năm 2020 giúp Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài, điểm đến tiềm năng, an toàn cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư trên thế giới, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn trên thế giới.

Với lực lượng lao động đông đảo và giá nhân công rẻ, cơ sở hạ tầng khá tốt, vị trí địa lý gần Trung Quốc, Việt Nam sẽ được các tập đoàn có nhu cầu dịch chuyển ngày càng chú ý hơn. Giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kiểm chứng lại sức chịu đựng và khả năng thích nghi với tình hình mới; tự đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh, điểm mạnh, điểm yếu và lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở đó cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả và bền vững.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn tạo ra thay đổi về nhu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ; đem lại cơ hội gia nhập các thị trường ngoài thị trường truyền thống cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng.

Các chính sách hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành chuỗi giá trị mới, đặc biệt cần tận dụng những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Thách thức của “Số hoá” trong thời kỳ Covid-19

Covid-19 tạo ra cơ hội bứt phá chuyển đổi số nền kinh tế, song cũng đặt ra không ít những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.

Các hoạt động sản xuất, cung ứng và lưu chuyển thương mại, hàng không, du lịch, lao động và việc làm bị đình trệ, gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2021, có 33.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020.

“Số hóa” phải được “nhúng” vào mọi hoạt động cơ bản của sản xuất kinh doanh để đảm bảo và tăng cường khả năng cạnh tranh. Các doanh nghiệp phải làm chủ và sáng tạo công nghệ, để đủ sức cạnh tranh trong “sân chơi” toàn cầu, bởi nếu không thích ứng, không đổi mới, thì các doanh nghiệp tên tuổi cũng có thể phải thu hẹp quy mô, thậm chí bị đào thải khỏi thị trường.

Ngoài ra, những khó khăn về hạ tầng số còn thiếu và yếu, nguồn nhân lực chưa kịp thời đáp ứng… đặc biệt là khả năng cạnh tranh, cũng như tư duy tiến lên của doanh nghiệp trong nước vẫn còn chịu nhiều hạn chế, thậm chí đang bị “lép vế” so với các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, vấn đề là các doanh nghiệp phải biết tận dụng mọi thời cơ, tìm đường đi thích hợp để tiến lên, phải thay đổi tư duy, quyết tâm đầu tư, dám nghĩ - dám làm để bứt phá thành công.

Ảnh: Internet

Áp lực từ công cuộc chuyển đổi số đang ngày càng gia tăng, thậm chí mang tính “sống còn” đối với sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã từng nói, để chuyển đổi số thành công chắc chắn phải có khát vọng và ý chí sắt đá, phải đột phá ra khỏi tư duy vốn ràng buộc từ trước đến nay do các điều kiện khó khăn. “Chúng ta có cơ hội nhưng cũng không quên cơ hội cũng dành cho các quốc gia khác, nếu chúng ta không tận dụng tốt sẽ là thách thức”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tất cả các cuộc cách mạng đều đến từ các cuộc khủng hoảng, covid-19 thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số. Phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước bốn tháng đầu năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Chúng ta coi Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia và cũng là cú huých trăm năm của chuyển đổi số. Do vậy, ngành TT-TT phải nắm bắt cơ hội này để bứt phá, vươn lên, dẫn đầu chuyển đổi số quốc gia”.

Trà My