Dịch Covid-19 “lặn xuống”, liệu rượu bia có “ngoi” lên?

Thảo Huyền

Khi tình hình dịch Covid-19 trong nước có chiều hướng giảm về các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, thì nhiều người lại dấy lên lo ngại về việc sử dụng bia rượu tại các quán ăn, nhà hàng có xu hướng tăng trở lại.

“Tung chiêu” hút khách, tiêu thụ vẫn giảm mạnh

Luật Phòng, chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020, đồng thời, cũng từ ngày 1/1/2020, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Trong đó, điểm mới đáng chú ý nhất là các quy định về xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

Ghi nhận tại các quán ăn, nhà hàng sau thời gian giãn cách xã hội, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật nhận thấy lượng khách nhậu đông hơn. Trao đổi với PV về tình hình kinh doanh thời gian gần đây, anh Đào Công Tuấn, chủ nhà hàng 54 Ngọc Lâm (Hà Nội) cho biết: “Nhà hàng kinh doanh bia hơi Hà Nội từ năm 2009. Trước đây, khi Nghị định 100 chưa được ban hành và dịch Covid-19 chưa xảy ra thì trung bình mỗi ngày, nhà hàng tiêu thụ từ 400 - 500 lít bia.

Khi nghị định 100 được ban hành và đi vào cuộc sống, số lượng khách đến cửa hàng uống bia giảm hơn 1 nửa. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp, Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội nên nhà hàng buộc phải tạm dừng kinh doanh. Ở thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 tạm lắng xuống, khách hàng đã bắt đầu quay trở lại, nhưng cũng chỉ xấp xỉ bằng 30% so với trước kia”.

Trong khi đó, bà Phạm Tố Uyên, chủ quán bia hơi 390 Ngọc Lâm (Hà Nội) chia sẻ: “Quán bia của gia đình tôi tuy nhỏ, nhưng trước đây, trung bình mỗi ngày cũng tiêu thụ được từ 4 - 5 bom bia (tương ứng 120 - 150 lít bia). Từ ngày có Nghị định 100, khách hàng có tâm lý e dè hơn khi đến uống bia vì lo lắng phải chịu phạt nặng khi tham gia giao thông. Cùng thời điểm đó, dịch Covid-19 bùng phát, cửa hàng buộc phải đóng cửa, kinh doanh bị tê liệt. Hiện tại, khách hàng dần đến uống bia trở lại, nhưng, sức tiêu thụ không bằng một nửa so với trước”.

Tương tự, anh Phạm Dần, quản lý nhà hàng Huy Anh, (đường Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội) bày tỏ: “Sau giãn cách xã hội vì dịch, khách hàng quay trở lại quán nhậu đông hơn để xả stress nhất là thời điểm nắng nóng vừa rồi. Tuy nhiên, so với trước khi Nghị định 100 ra đời thì lượng khách uống bia rượu giảm quá nửa. Để giữ chân khách, chúng tôi áp dụng các biện pháp gọi xe cho khách về nhà sau khi đã sử dụng rượu bia quá đà”.

Xử lý rốt ráo tránh theo kiểu phong trào

Đánh giá về việc thực hiện luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100, ông Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) cho rằng: “Sau khi ban hành luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100, tôi thấy luật đã được thực hiện rất nghiêm ngay từ đầu. Nghị định ra đời, mọi người dân đều hiểu nếu sử dụng rượu bia mà tham gia giao thông sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Ông Quang nhìn nhận thêm việc thực hiện luật Phòng, chống tác hại rượu bia sau Tết bằng các số liệu do Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia thông tin trên các phương tiện truyền thông, cho thấy số vụ tai nạn giao thông đã giảm, tỉ lệ tử vong, đa chấn thương liên quan cũng giảm theo.

Sau khi có dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội các quán ăn đóng cửa, người dân ở nhà nên không thể tụ tập, ăn nhậu. Nhưng sau thời gian giãn cách, ông Quang cho biết mọi người có tâm lý giải toả sau khi đã ở nhà quá lâu.

“Tỉ lệ các quán ăn mở cửa trở lại bắt đầu tăng lên, nhưng không có nghĩa quán nhậu tăng thì uống rượu bia có thể thoải mái. Tôi cho rằng, người dân vẫn có ý thức uống rượu bia làm sao đảm bảo được an toàn và không vi phạm luật. Nhưng, tâm lý bao giờ cũng có thả lỏng hơn so với trước khi dịch Covid-19 diễn ra”, ông Quang nhìn nhận.

Để người dân tự giác chấp hành nghị định 100, cũng như hạn chế sử dụng rượu bia, ông Quang cho rằng: “Cần tiếp tục tuyên truyền mang tính chất cảnh báo về mặt xã hội tới người dân trong việc sử dụng rượu bia… Lực lượng cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện, xử lý nghiêm theo các quy định của luật Phòng, chống tác hại rượu bia và nghị định 100”.

Trao đổi thêm với PV, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) phân tích: “Sau thời gian giãn cách xã hội, một phần do tâm lý của người dân muốn xả stress, nhưng tôi tin rằng nếu lực lượng chức năng kiểm soát tốt, thì luật Phòng, chống tác hại rượu bia, nghị định 100 vẫn có tác dụng răn đe. Cần có cơ chế giám sát để luật đi vào thực tiễn đời sống, chứ không phải làm luật ra chỉ để trang trí, khi áp dụng luật thì phải làm rốt ráo, quyết liệt. Tôi cũng e ngại, dịch Covid-19 giảm thì “rượu bia lại ngoi lên”.

Bởi vậy, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân. Quan điểm của tôi là luật, nghị định đã ra thì phải làm nghiêm túc như những ngày đầu, chứ không chỉ làm theo phong trào”.

Chia sẻ thêm với PV, Trung tá Vũ Anh Điệp - Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, cục CSGT, bộ Công an cho biết: “Từ ngày 15/5, thực hiện theo kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ của cục CSGT (bộ Công an), lực lượng CSGT trên cả nước đã tiến hành ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội. Trong đó, tập trung vào các lỗi chính về kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100”.