Trong suốt lịch sử giai đoạn tiền giấy Việt Nam tính từ khi độc lập 1945 đến nay có 53 mệnh giá tiền in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở mặt trước.
Tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp luật giới thiệu với độc giả bộ sưu tập độc đáo của nhà sưu tập Phạm Minh Quốc cùng với 9 bức ảnh gốc Bác Hồ trên tờ tiền Việt Nam qua các giai đoạn và các họa sĩ thực hiện.
Bộ sưu tập gồm các đồng tiền qua từng giai đoạn: Đồng tiền tài chính phát hành 1946 - 1951; bộ tiền phát hành từ 1951 - 1959; bộ tiền phát hành từ 1959 - 1978; bộ tiền phát hành từ 1985 - 1987; và bộ tiền phát hành từ năm 1987 cho đến nay đã bao gồm bộ tiền polyme phát hành năm 2003.
Ở giai đoạn đồng tiền tiền tài chính 1946 - 1949, tiền của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 3 khu vực lưu hành riêng biệt: Vùng chiến khu Việt Bắc với đồng tiền tài chính (giấy bạc tài chính); vùng Trung bộ với loại tín phiếu Trung Bộ; vùng Nam Bộ với một số loại tín phiếu, phiếu đổi chác, công phiếu nuôi quân...
Ở vùng chiến khu Việt Bắc với đồng tiền tài chính (giấy bạc tài chính): Một mặt in chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (chữ Quốc ngữ và chữ Hán) và hình chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt in hình Công - Nông - Binh. Các loại giấy bạc đều có chữ số Ả Rập, chữ Quốc ngữ, Hán, chữ Lào, Cam-pu-chia chỉ mệnh giá.
Các loại giấy bạc này có ký tên Bộ trưởng Bộ Tài chính (Phạm Văn Đồng hoặc Lê Văn Hiến) và Giám đốc Ngân khố Trung ương, do đó ngoài tên gọi là giấy bạc Cụ Hồ nhân dân còn gọi là giấy bạc Tài chính.
Đồng tiền tài chính 1946 - 1949 gồm một số đồng: Tờ mệnh giá 20 đồng, mệnh giá 50 đồng, mệnh giá 100 đồng… và các họa sĩ thiết kế: Nguyễn Văn Khanh, Nguyễn Huyến, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Sáng...
Ở giai đoạn này sử dụng hai bức ảnh gốc Bác Hồ trên tờ tiền Việt Nam được chụp tại đình Hồng Thái - Tân Trào, nơi diễn ra hội nghị toàn quốc của Đảng và chụp tại buổi tiếp xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí ở Paris - thuyết phục làm cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân các nước hiểu thêm về đất nước, con người và cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.
Bức ảnh gốc Bác Hồ trên tờ tiền Việt Nam 1946 - 1951
Bức ảnh tại cuộc tiếp xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí
Bức ảnh gốc trên có ở tờ tiền mệnh giá 100 đồng (phát hành năm 1947 - 1949)
Sau khi Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thành lập vào năm 1951, ở miền Bắc sử dụng đồng tiền năm 1951, với sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc in tiền, chất lượng về thiết kế, các yếu tố khác của bộ tiền cũng nâng cấp một bước so với giấy bạc tài chính.
Bộ tiền từ 1951 - 1959 gồm một số đồng: Mệnh giá 20 đồng (phát hành năm 1951), mệnh giá 50 đồng (phát hành năm 1951), mệnh giá 100 đồng (phát hành 1951), mệnh giá 200 đồng (phát hành năm 1951)... được vẽ và in tại Trung Quốc.
Tờ mệnh giá 20 đồng (phát hành năm 1951)
Những tờ tiền trong bộ tiền từ 1951 - 1959
Bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1950 do nhiếp ảnh gia Vũ Năng An chụp tại Việt Bắc
Bộ tiền từ 1959 - 1978 với chuẩn hóa về thiết kế và chất lượng in ấn, chất lượng chế bản, chất lượng in rất cao (có in lõm). Nhiều đồng tiền trong bộ tiền này trở thành những đồng tiền có tính chất kinh điển về mặt thiết kế cũng như chế bản.
Bộ tiền này gồm các tờ: Mệnh giá 10 đồng (phát hành năm 1959); mệnh giá 5 đồng (phát hành năm 1959)... do họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, Lê Phả... thiết kế.
Bức ảnh gốc Bác Hồ và tờ tiền mệnh giá 10 đồng (phát hành năm 1959) ở bộ tiền 1959 - 1978 do họa sĩ Huỳnh Văn Thuận thiết kế
Bộ tiền từ 1978 - 1985 có vai trò lịch sử, một bộ tiền thống nhất trên phạm vi cả nước. Bộ tiền giai đoạn này gồm: Mệnh giá 30 đồng (phát hành năm 1981), mệnh giá 50 đồng (phát hành năm 1981), mệnh giá 100 đồng (phát hành năm 1981)... do họa sĩ Bùi Trang Chước, Phạm Văn Quế, Nguyễn Xuân Tăng... thực hiện.
Bức ảnh gốc Bác Hồ trên tờ tiền mệnh giá 30 đồng, 50 đồng (phát hành năm 1981)
Tờ tiền mệnh giá 20 đồng (phát hành năm 1978 - 1981) do họa sĩ Huỳnh Văn Thuận thực hiện
Bộ tiền từ 1985 - 1987: Đây là giai đoạn kinh tế sau chiến tranh kiệt quệ, lạm phát đỉnh điểm, đồng tiền liên tục mất giá. Bộ tiền này có tới hơn 20 mệnh giá khác nhau. Mệnh giá tiền ở các giai đoạn trước là 50 đồng thì giai đoạn này đã phải thiết kế 100 nghìn đồng.
Bộ tiền này gồm: Mệnh giá 20 đồng (phát hành năm 1985), mệnh giá 30 đồng (phát hành năm 1985), mệnh giá 50 đồng (phát hành năm 1985), mệnh giá 100 đồng (phát hành 1985)... do họa sĩ Nguyễn Thanh, Nguyễn Văn Quế thiết kế.
Tờ tiền mệnh giá 50 đồng do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế và tờ tiền mệnh giá 30 đồng do họa sĩ Phạm Văn Quế thiết kế
Bộ tiền Polymer hiện nay là một bước phát triển của chất liệu và công nghệ in ấn. Đồng tiền Polymer với những tính năng kỹ thuật vốn có của nó cho phép kết hợp hiệu quả công nghệ tiên tiến của chất liệu nền và kỹ thuật in tiền hiện đại để tăng khả năng chống giả cho đồng tiền Việt Nam. Ngoài ra, chất lượng tiền đảm bảo độ sạch đẹp hơn và bền hơn rất nhiều so với tiền cotton được lưu hành trong cùng thời gian.
Bộ tiền Polymer
Bộ tiền Polymer gồm các tờ mệnh giá 10 ngàn đồng, 20 ngàn đồng, 50 ngàn đồng, 100 ngàn đồng, 200 ngàn đồng và 500 ngàn đồng do họa sĩ Trần Tiến, Nguyễn Xuân Tăng, Hồ Trọng Minh và Lê Hoàng Từ thực hiện.