Mặc dù đã có nhiều tranh cãi của các nhà Dân Tộc học về việc người Sán Chay thuộc nhóm dân tộc Cao Lan hay Sán Chỉ, nhưng khi đặt chân đến xóm Đồng Tâm, người dân không quan tâm kết quả cuộc tranh cãi, họ vẫn tự nhận mình là người Sán Chay thuộc nhóm Sán Chỉ. Mặc dù đời sống đã hiện đại hóa kể từ ngày có đường mới chạy qua nhưng các phong tục tập quán,tín ngưỡng, nghi lễ vòng đời của họ vẫn được lưu truyền đến tận bây giờ. Họ thể hiện niềm tin mãnh liệt vào đấng tối cao bằng sự tỉ mỉ trong nghi lễ, điều này đã được khắc họa rất rõ trong lễ Séng Nhựt (tiếng Kinh là Mừng sinh nhật)
Theo lời kể của dân làng, kiếp người chỉ có 60 năm, khi đã sống đủ một hội rồi thì nên làm lễ, trước để báo cáo thần linh, gia tiên, sau là xin phép sống thêm một hội nữa, nếu được đồng ý thì con cháu sẽ “thêm gạo, thêm muối” chúc cho chủ lễ sống lâu, khỏe mạnh, sau là làm cơm mời làng. Buổi lễ được coi là “Lễ giỗ sống”, “Giỗ sớm” vì sau khi chết người Sán Chay không làm giỗ riêng từng người mà cả dòng họ chỉ giỗ chung vào Tết Thanh Minh.
Thầy cúng mặc áo nâu ngồi cạnh bác Vị chủ lễ sinh nhật
Công ơn Bà Mụ
2 giờ đêm, tôi đến dự lễ Sinh nhật, thầy cúng đã yên vị đọc sách cúng, trước mặt là 2 cái mâm bầy rượu, gạo, lá bùa, lá sớ màu sắc rất lạ, tôi chưa từng thấy trước kia.
Hai vị thầy cúng làm lễ cho bác Vị
Mâm cúng lễ, cận cảnh lá sớ và hình nhân thế mạng do tự tay thầy cúng làm
Vội chào hỏi vài câu, bác Vị (chủ lễ sinh nhật) mời tôi ngồi xuống, làm chén chè cho tỉnh ngủ, chắc vì nét mặt hiện rõ sự bối rối nên bác Ng- một trong ba thầy cúng - giải thích: đang là bài cúng đầu tiên, để mời Bà Mụ về để cảm ơn công lao của 5 bà Mụ, sau đó thì xin bà Mụ tổ kể lể là chủ lễ muốn sống thêm và mong bà Mụ đồng ý, phù hộ, che chở cho chủ lễ sống tiếp kiếp mới.
Thầy cúng đốt mảnh giấy, chờ cho cháy hết rồi thả vào bát rượu, để mời bà Mụ về
Nếu người Kinh dùng đài âm dương thì người Sán Chay lại dùng “Túi Cáo Chay”- hai mảnh gỗ hình bán nguyệt dài nửa gang- để biết được bà Mụ có đồng ý cho chủ lễ sống thêm hay không. Thầy cúng cầm 2 mảnh gỗ, chụm tay hình búp sen rồi đưa qua đầu gieo xuống chiếu 3 lần, ông nói kết quả phải được một lần cả 2 thanh gỗ ngửa, một lần cùng úp, một lần ngược nhau thì nghĩa là thần linh chấp thuận.
Hai miếng gỗ là Túi Cáo Chay, đặt cạnh Chiêng La- khí cụ- dùng để gõ mời tổ tiên về
Chủ nhà bê mâm cơm đặt xuống chiếu, mời ba thầy cúng và tôi dùng bữa, bác Ng cầm chén tợp ngụm rượu, thở phào, may là bà Mụ đồng ý sớm, nhiều người xin mãi không được vì quá 4 giờ sáng phải chuyển sang bài cúng gia tiên, nếu không kịp là phải hủy lễ đấy.
Thoắt cái đã 3 giờ sáng, con trai bác Vị cắt tiết con gà trống, lấy mảnh giấy trắng chấm vào bát máu, nhanh chân chạy ra đặt lên mâm cúng. Họ quan niệm là phải có tiết gà lên mâm thì mới được làm lễ mời gia tiên về, giống như là minh chứng việc hiến tế thần linh vậy.
Mảnh giấy chấm tiết gà, đánh dấu mốc thời gian sang bài cúng gia tiên
Trước tiên thầy cúng gọi con trai cả của bác Vị ra để đốt cây Chín Phúc Đèn- là cầu nối gọi mời Tam Thanh gia tộc cao quý nhất của dòng họ. Cây có kết cấu rất đặc biệt, được bện bằng cỏ Danh xong buộc cố định vào que gậy, uốn thành sáu khúc. 12 vị trí uốn cong được thể hiện cho từng cấp bậc của gia phả đã ghi trên mảnh giấy bằng chữ Sán Chay, kèm theo cây nến, nhén hương, đồng tiền, bông lúa mỗi vị trí là phí lót đường để mời gia tiên về.
Con trai cả của bác Vị đang đốt Cây Chín Phúc Đèn
Thầy cúng mời đến vị trí nào thì đốt đến đấy, lần lượt từ trên xuống dưới, tiếng Chiêng La gõ liên hồi, Cây Chín Phúc Đèn cháy bùng lên, sau khi nhang với nến tắt là gia tiên đã về đông đủ để chứng kiến nghi lễ.
Cây Chín Phúc Đèn sau khi đốt
Hình nhân thế mạng
Sau đó thầy cúng nhanh chóng tế cáo gia tiên về việc chủ lễ đã sống hết 60 năm, nay muốn sống tiếp, nên có dùng “hình nhân thế mạng” để chết thay cho chủ lễ, mong muốn gia tiên chấp thuận. Cùng lúc đấy ở bên cạnh, vị thầy cúng bắt một linh hồn còn vất vưởng ở trần gian, ông liên tục niệm chú để nhập hồn vào hình nhân, sau đó đè con dao lên để giữ không cho linh hồn trốn thoát.
Hình nhân thế mạng đang được làm lễ nhập hồn.
Hết bài cúng xin gia tiên, trời cũng đã hửng sáng, thầy cúng Ng sắp một mâng cúng thịnh soạn ra sân ngồi, vừa có gà, có rượu, cả tiền nữa để “đút lót” cho linh hồn thế mạng, một phần là cảm ơn linh hồn vì đã chết thay, một phần là tránh để linh hồn xuống âm phủ thành “ma đói’. Hết nhang thì linh hồn cũng say sưa rồi, thầy cúng Ng vào trong nhà bắt đầu nghi lễ đốt hình nhân thế mạng.
Bác Ng dâng mâm cúng “đút lót” cho hình nhân thế mạng.
Phía bên trong nhà, hai thầy cúng làm lễ cho hình nhân thế mạng lên đường, mang theo hành trang là chiếc giỏ buộc vào cây gậy bên trong có đựng một con gà. Đặt hình nhân thế mạng lên cây gậỵ kèm 4 nhén hương, hai vị thầy cúng đọc sách cúng đưa xin phép đưa linh hồn về nơi đất tổ, chờ hương cháy hết, hai thầy rước hình nhân ra cổng nhà.
Chiếc giỏ đựng gà buộc hình nhân thế mạng
Hai thầy cúng đi ra cổng nhà hình nhân thế mạng xuống cỏ, 1 người đọc sách niệm chú, 1 người đốt hình nhân thế mạng
Sau khi đốt xong hình nhân thế mạng thầy cúng mở chiếc giỏ, con gà bên trong bay vù ra, tuyệt đối không ai được phép bắt con gà lại hay đem giết thịt, vì theo quan niệm là gà cõng linh hồn đi. Trong lúc cùng mọi người đi vào, tôi có quay lại phía sau thì nhìn trộm thấy vị thầy cúng dừng lại, thò tay vào túi áo ngực lấy ra một hình nộm được làm từ lá cây, rất nhanh tay ông ném về phía vườn cây mà chẳng ai biết, rồi đi thẳng vào nhà.
Thầy cúng trở lại mâm cúng chính, chuyển sang bài cúng thứ 3, lễ “thêm gạo thêm muối”. Ở bài cúng này chủ lễ không xin gia tiên hay thần linh mà chính con, cháu, chắt trong gia đình sẽ thay nhau xúc muối, gạo, rót rượu lên mâm để chúc cho ông bà ấm no, hạnh phúc, mạnh khỏe.
Chị cầm tay em để thêm rượu chúc ông bà tuổi mới
Đây là hành động rất đáng được gìn giữ vì nó góp phần thể hiện đạo làm con của người Người Sán Chay, cũng như nhiều dân tộc khác, đều đề cao chữ Hiếu, nên thay vì phải chờ đến đám tang để thể hiện được tấm lòng thì ngay lúc ba mẹ còn sống, các con cũng chọn lễ Chúc Thọ để bày tỏ lòng biến ơn đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục.
Sau cùng, thầy cúng dâng gà, lợn, rượu lên gia tiên để lễ Tạ
Kết lại, Lễ Giỗ Sống của người Sán Chay là nghi lễ vòng đời quan trọng trong đời sống tâm linh, đánh dấu mốc trọng đại của đời người, nó không chỉ khác biệt, hàm chứa tính tộc người mà trong nghi lễ này người Sán Chay còn thể hiện được sự kết nối của các thế hệ trong gia đình và đặc biệt là mối quan hệ với thần linh, thế giới quan. Nên việc bảo tồn những nghi lễ này là việc cần thiết để duy trì quá trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.