Giám đốc nghỉ hưu, tiền tỷ rơi vào túi ai?

Biên tập viên

Sáng 30/8, ông Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan đã về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để trao quyết định nghỉ hưu cho ông Nguyễn Văn Kính - giám đốc.

Những sai phạm ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương được Tạp chí điện tử Hòa Nhập và các báo: Tiền Phong, Đời sống&Pháp luật, Một Thế giới, Dân Việt… phản ánh, nhưng đến nay đã bị chìm vào im lặng 

Niềm vui không trọn

Ở tuổi 60, với học hàm giáo sư, học vị tiến sỹ như ông Kính, lẽ ra khi về nghỉ hưu, sẽ để lại sự kính trọng và sự nuối tiếc của tập thể hơn 500 cán bộ, nhân viên bệnh viện này. Bởi hơn ai hết, ông là bác sỹ đầu ngành về các bệnh truyền nhiễm và có 11 năm ở cương vị giám đốc. Tuy nhiên, có lẽ do độc đoán, chuyên quyền, ông Kính đã bị cán bộ cấp dưới gửi đơn kiến nghị, tố cáo lên Bộ trưởng Bộ Y tế. Đơn nêu: Ông Kính buông lỏng quản lý, để cấp dưới lũng đoạn, làm thụt két 3,6 tỷ đồng; chỉ đạo thành lập “Quỹ Giám đốc” trái phép với số tiền có lúc lên tới 2,6 tỷ đồng để chi tiêu trái pháp luật; ký quyết định khen thưởng giả cho 25 cán bộ, nhân viên để rút 438 triệu đồng tiền công quỹ; không trung thực trong kê khai tài sản với tổ chức đảng; xin sử dụng biển số xe 80A không đúng quy định; trù dập cán bộ; bổ nhiệm, tuyển dụng nhiều cán bộ, nhân viên trái quy định…

Quyết định ông Kính ký, trích thưởng 438 triệu đồng từ công quỹ cho 25 cá nhân có thành tích xây dựng bệnh viện nhưng những người có tên trong danh sách này không hề nhận được tiền. Vậy số tiền này đã chui vào túi ai? 

 

Ông Kính chỉ đạo thành lập “Quỹ Giám đốc” trái pháp luật với số tiền lên tới hơn 2,6 tỷ đồng. Tiền Quỹ này được chi vào việc gì, nếu không phải là hối lộ, tiêu cực?

Nhận được đơn kèm theo các tài liệu, sau khi xác minh, ngày 28/11/2018, Tạp chí điện tử Hòa Nhập đã đăng bài đầu tiên về vụ việc với nhan đề: “Cần làm rõ việc ‘bốc hơi’ gần 3,9 tỷ đồng tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương”. Sau 4 kỳ liên tiếp, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngày 13/12/2018, Chánh Thanh tra Bộ nay đã ban hành quyết định số 239/QĐ-TTr thành lập Đoàn để kiểm tra, xác minh nội dung đơn kiến nghị của cán bộ bệnh viện và phản ánh của báo chí. Đoàn do ông Nguyễn Văn Nhiên- Phó Chánh Thanh tra chủ trì và 6 thành viên khác của Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính.

Chiều ngày 14/12/2018, với “khí thế chống tiêu cực, chống tham ô, chống tham nhũng”, ông Nhiên cùng Đoàn Kiểm tra đã về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, công bố quyết định của Đoàn trong đó nêu: Thẩm quyền, nội dung thanh tra và thời gian làm việc của Đoàn. Sự kiện Đoàn Kiểm tra về kiểm tra bệnh viện như một luồng gió mát thổi vào lòng tập thể cán bộ, nhân viên ở đây một sinh khí mới, niềm hy vọng lớn trước những sai phạm, khuất tất bị che đậy, bưng bít bấy lâu, nay sẽ được đưa ra ánh sáng. 

Thế nhưng, cho đến hôm nay, gần 1 năm trôi qua, Đoàn Kiểm tra của Bộ Y tế do ông Nhiên làm Trưởng Đoàn, đã lặng lẽ rút lui không kèn, không trống, không có bất cứ kết luận nào về các nội dung sai phạm như những cán bộ đã tâm huyết gửi vào đơn và báo chí phản ánh. Có tin đồn rằng, do xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm kinh tế, Đoàn đã chuyển hồ sơ sang cho Cơ quan CSKT (C03) Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền. Thế nhưng, sau khi tiếp nhận hồ sơ (chủ yếu là đơn nặc danh và 1 đơn có danh), C03 đã trả hồ sơ về lại cho Thanh tra Bộ Y tế giải quyết. Vụ việc bị chìm trong im lặng.
 

Trong 1 lần bàn giao đột xuất, tiền trong két của thủ quỹ bị thụt hơn 234 triệu đồng. Ai đã chiếm dụng số tiền công quỹ này, đến nay vẫn không được Đoàn Kiểm tra làm rõ

 

“Trích” 1 đoạn trong bản giải trình của lãnh đạo phòng Tài chính - Kế toán về hành vi “rút ruột” tiền công quỹ của nhân viên kế toán bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Nhân viên này sau đó được ông Kính cho nghỉ việc theo nguyện vọng mà không đề nghị khởi tố theo quy định pháp luật

Thanh tra như… “oẳn tù tì”?

Thông thường, bất cứ Đoàn Thanh tra, Kiểm tra hay Tổ Công tác nào được thành lập bằng quyết định của thủ trưởng thì sau khi thực hiện xong nhiệm vụ, phải có báo cáo kết luận và phải được thủ trưởng phê duyệt bằng quyết định và công khai, xử lý sai phạm theo các hành vi, hậu quả. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự, Thanh tra sẽ kiến nghị và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra giải quyết tiếp. Người khiếu nại phải được biết kết quả giải quyết đơn của mình, các cơ quan báo chí phản ánh vụ việc phải nhận được văn bản phúc đáp. Thế nhưng, điều rất lạ là sau một thời gian dài thanh tra kiểm tra, với các cuộc họp, đối thoại, yêu cầu đối tượng bị kiểm tra giải trình, Đoàn Kiểm tra không đưa ra được bất kỳ kết luận nào.

Sự việc cũng đã được nội bộ bệnh viện làm rõ, nhưng chỉ có bà Đào Tố Uyên và bà Phạm Thị Nguyệt Quyên (trưởng, phó phòng TCKT) bị kỷ luật, còn bà Nhung được giám đốc bệnh viện cho… cao chạy, xa bay.


Với tư cách là Trưởng Đoàn Kiểm tra, ông Nguyễn Văn Nhiên đã vận động người có đơn khiếu nại rút bớt nội dung tố cáo, mời người có đơn khiếu nại đi ăn trưa… Những việc làm này của ông Nhiên có đúng quy định của Luật Thanh tra hay không? Có vi phạm phẩm chất, đạo đức của cán bộ thanh tra hay không? 

Theo hướng dẫn của Bộ trưởng Tiến, phóng viên Hòa Nhập rất nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho ông Nhiên để xin gặp và cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ về sai phạm của ông Kính nhưng ông Nhiên không nghe máy, không trả lời tin nhắn. Một biểu hiện rất lạ của một cán bộ thanh tra cấp Bộ.

Trong khi Đoàn Kiểm tra đang làm việc, ông Kính vẫn ngang nhiên tuyển dụng 9 lao động mới, trong khí đó, không ký tiếp các hợp đồng lao động cho 182 y sỹ, y tá, điều dưỡng đang làm việc khi hợp đồng lao động của họ đã hết thời hạn. Công Đoàn ngành Y tế Việt Nam cũng không can thiệp để giải quyết quyền lợi hợp pháp cho số lao động nói trên. 

 

Ngoài ngôi nhà 3 tầng đang ở , ông Kính còn có 2 ngôi biệt thự nhưng nay đã sang tên cho 2 người con. Nhưng trong các bản kê khai tài sản trước khi chuyển nhượng cho con, ông Kính không nêu 2 bất động sản tiền tỷ này. 

Gần đến ngày nghỉ hưu, ông Kính vẫn ngang nhiên ký quyết định tiếp nhận con trai ông là Nguyễn Tuấn Anh (tốt nghiệp ĐH Giao thông vận tải), từ 1 DN ngoài về làm việc tại bệnh viện, nâng tổng số con, cháu nội ngoại của gia đình ông lên tới 6 người. Hàng loạt bất động sản là nhà, biệt thự của ông Kính (trong đó có 2 ngôi biệt thự đã chuyển sang tên cho 2 người con) được hình thành từ nguồn thu nhập nào? Phải chăng những ngôi biệt thự tiền tỷ đó được hình thành từ “lỗ thủng” trong quản lý tài chính của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nêu trên? Nếu được hình thành từ nguồn thu nhập minh bạch thì việc gì ông Kính phải che dấu?

Ai ở Bộ Y tế “chống lưng” cho ông Kính? Bộ trưởng? Thứ trưởng? Hay Chánh Thanh tra? Đây là câu hỏi mà dư luận đang rất muốn nhận được câu trả lời từ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Trong khi các Bộ, ngành Trung ương đang quyết liệt thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng, chống tiêu cực theo lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì tại sao những sai phạm của giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lại bị bưng bít, bao che?

Theo Hòa nhập