Như chúng tôi đã phản ánh ở kỳ trước, việc một số cơ quan công quyền "chưa ổn"  trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp đất đai kéo dài hơn 4 năm tại thôn Phố Là A, xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) gây bức xúc trong nhân dân.

Nhiều người tự hỏi, một cơ quan thực thi pháp luật mà lại "lơ mơ" về luật  như Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đồng Văn trong vụ việc này thật đáng để chúng ta suy nghĩ.

Có hay không việc TAND huyện Đồng Văn sử dụng lời khai nhân chứng ảo?

Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của gia đình ông Tráng Trẩn Phấy, chúng tôi đã xác minh thông tin. Ngày 12/9/2014, TAND huyện Đồng Văn mở phiên tòa giải quyết vụ án dân sự tranh chấp đất đai giữa hai gia đình anh, em ông Tráng Trẩn Phấy và ông Tráng Trẩn Ly cùng trú tại thôn Phố Là A, xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Phiên tòa do Thẩm phán Nguyễn Quang Bình làm chủ tọa.

Tại đây, dựa trên các biên bản giải quyết tranh chấp tại xã Phố Là và biên bản xác minh lời khai của 3 nhân chứng là hàng xóm của hai gia đình ông Phấy và ông Ly. Hội đồng xét xử cho rằng: việc ông Tráng Trẩn Phấy đề nghị đòi lại 523,9m2 diện tích đất nằm trong sổ đỏ được Nhà nước cấp cho gia đình ông từ năm 1994 là không có căn cứ chấp nhận, gia đình ông Phấy yêu cầu gia đình ông Ly bồi thường thiệt hại hoa màu và công trình phụ (do bố con ông Ly đập phá) là không có căn cứ giải quyết.

Một phần diện tích đất nằm trong sổ đỏ của gia đình ông Tráng Trẩn Phấy bị bố con ông Tráng Trẩn Ly tranh cướp

Điều đáng nói ở đây là, việc TAND huyện Đồng Văn lập biên bản xác minh lời khai của 3 nhân chứng một cách mập mờ không minh bạch. Sự việc này được ông Trương Chính Dũng là trưởng xóm Phố Là A (1 trong 3 nhân chứng) xác nhận, ông Dũng cho biết: "Nội dung trong biên bản lời khai của tôi là không đúng,  cán bộ tòa án vào nhà rồi bảo tôi ký trước vào tờ giấy trắng không có nội dung cùng một số giấy tờ khác. Tôi sẽ làm đơn kiện tòa án huyện vì tội mạo danh tôi".

Biên bản làm việc với 2 hộ gia đình do ông Đặng Vũ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Phố Là,  chủ trì. Ông Hiệp có tên trong thành phần làm việc nhưng không ký tên vào biên bản cũng được TAND huyện Đồng Văn đưa ra làm căn cứ trước Tòa.

Để tìm hiểu rõ chuyện có hay không việc TAND huyện Đồng Văn sử dụng "khống" lời khai nhân chứng, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Trần Xuân Long, Chánh án TAND huyện Đồng Văn về vấn đề này. Khi chúng tôi đề nghị Tòa án cung cấp các biên bản lời khai của các nhân chứng thì được ông Long cho biết tất cả các giấy tờ liên quan đến vụ án của cả 3 phiên xét xử sơ thẩm tại TAND huyện Đồng Văn đều đã được chuyển lên TAND tỉnh Hà Giang chứ TAND huyện Đồng Văn không lưu lại bất cứ một loại giấy tờ gì.

Điều đáng ngạc nhiên là cả 3 bản án sơ thẩm lần 1, lần 2 và lần 3 của TAND huyện Đồng Văn đều có nội dung, câu từ giống nhau được giới chuyên môn gọi là 3 bản án có chung kịch bản chỉ khác thời gian và chủ tọa.

Vội vàng đình chỉ vụ án khi đương sự chết

Theo đơn kiến nghị của anh Trương Thiên Siền, con trai ông Tráng Trẩn Phấy (tên gọi khác Trương Chính Phấy) thì sau phiên xét xử sơ thẩm lần 1 ngày 12/9/2014 diễn ra tại TAND huyện Đồng Văn, đến ngày 14/3/2015 giữa gia đình ông Phấy và gia đình ông Ly đã xảy ra xô xát. Bố con ông Ly đã dùng hung khí đập phá tài sản và đánh người gây thương tích đối với ông Phấy, tỷ lệ thương tật 8%.

     Hiện trường việc bố con ông Tráng Trẩn Ly dùng hung khí hủy hoại tài sản, gây thương tích cho gia đình ông Tráng Trẩn Phấy

Gia đình ông Phấy đã làm đơn đề nghị TAND huyện Đồng Văn giải quyết và được Tòa án huyện tiếp nhận đơn, chứng cứ cùng án phí. Tuy nhiên, theo anh Siền, đến ngày 4/5/2016, sau 1 năm tiếp nhận đơn Tòa có gọi anh lên yêu cầu viết lại đơn “đòi bồi thường tài sản và sức khỏe” và biên bản giao nhận chứng cứ với lý do thời gian đã lâu, yêu cầu sửa lại thời gian trong đơn cũng như biên bản bàn giao nhân chứng là ngày 4/5/2016. Anh Siền cho biết sau đó Tòa có gọi anh lên viết lại đơn kiện và biên bản giao nhận chứng cứ mấy lần, mỗi lần bổ sung thêm một nội dung.  Đến ngày 14/6/2016 TAND huyện Đồng Văn mới thông báo thụ lý vụ án.

Tuổi cao già yếu lại thêm bị thương tật, ngày 23/10/2016 ông Tráng Trẩn Phấy mất, đến ngày 13/12/2016 ông Giàng Mí Chớ, phó Chánh án TAND huyện Đồng Văn ký quyết định đình chỉ giải quyết vụ án “đòi bồi thường tài sản và sức khỏe” do đương sự chết.

"Vụ án kéo dài hơn năm, TAND huyện và cơ quan điều tra cố tình kéo dài thời gian, nhằm mục đích cho sự việc chìm đi. Bố tôi chết còn có vợ và các con là người thừa kế tố tụng chứ sao Tòa lại đình chỉ giải quyết vụ án được, đây là họ gây khó dễ để gia đình tôi từ bỏ ý định kiện", anh Siền bức xúc.

TAND huyện Đồng Văn quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ngay sau khi đương sự qua đời.

Tòa án Nhân dân huyện Đồng Văn 3 lần sai.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần 3 ngày 18/04/2017, TAND tỉnh Hà Giang dựa trên những chứng cứ, tranh tụng và đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa, HĐXX quyết định: Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 01/2016/DS-ST ngày 26/9/2016 của TAND huyện Đồng Văn, do: "Xét thấy bản án dân sự sơ thẩm số 01/2016/DS – ST ngày 26/9/2016 của TAND huyện Đồng Văn đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về không mở phiên họp, kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự và không giải quyết theo yêu cầu phản tố của ông Tráng Trẩn Ly. Quyết định của bản án không đáp ứng được các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Hội đồng xét xử xét thấy cần xử hủy Bản án sơ thẩm đã nêu trên và chuyển giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật".

Tại phiên phúc thẩm lần 3 ngày 18/4/2017, TAND tỉnh Hà Giang tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm số 01/2016 ngày 26/9/2016 của TAND huyện Đồng Văn về việc "Tranh chấp quyền sử dụng đất" .

Như vậy, việc TAND huyện Đồng Văn giải quyết vụ việc không khách quan, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đã được tòa án cấp trên khẳng định. Điều đó cho thấy rằng, phía sau những bản án được TAND huyện Đồng Văn tuyên có thể có nhiều điều uẩn khúc cần được làm sáng tỏ, tạo lòng tin cho người dân về sức mạnh công lý của Luật pháp Việt Nam.

Theo Linh Hoàng - PL&DS