Theo ANTD phản ánh nạn nhân trong vụ án này là cháu Trần Nguyên K (10 tuổi, con riêng của Nam). Theo cáo buộc, trong quãng thời gian chung sống từ năm 2016 đến khoảng cuối năm 2017, Nam và Trinh nhiều lần đánh cháu K, trung bình 1-2 lần một tuần. Nam và Trinh thường dùng chiếc móc áo nhôm để "dạy dỗ” con. Thậm chí, Nam còn sử dụng muôi múc canh đánh vào đầu, đạp con gãy xương sườn.
Bị cáo Nam và Trinh tại phiên xử. Ảnh: Hoàng An.
Đánh con đến thân tàn ma dại
Không những chỉ bị bố đẻ đánh đập, bạc đãi mà K nhiều lần cũng bị mẹ kế là Phạm Thị Tú Trinh dùng muôi múc canh bằng nhôm, đũa đánh. Có lần người mẹ kế vụt mạnh khiến bé K bị rách da, chảy máu song không được bố đẻ, mẹ kế cho đi khám.
Từ tháng 9 đến tháng 12-2017, vợ chồng Nam và Trinh không cho cháu K cắt tóc, không cho ra khỏi nhà và thường bỏ mặc cháu nằm ngủ dưới nền nhà. Cuối tháng 10-2017, Nam còn phạt con trai bằng cách ép uống nước mắm.
Tháng 11-2017, Nam phát hiện con tiểu bậy ở cửa phòng đã đạp vào người khiến cháu bé đau đớn, khóc lóc. Ngày 5-12-2017, Nam và Trinh tiếp tục hạnh hạ, dọa nạt cháu K, khiến cháu sợ hãi, trốn về nhà ông bà nội ở phố Hoàng Hoa Thám. Sau khi nghe cháu bé kể lại sự việc, ông nội cháu K đưa cháu bé đến cơ quan công an trình báo.
Cơ quan điều tra xác định Nam gây thương tích cho con với tỷ lệ là 22% và người mẹ kế gây tổn thương 3%.
Chia sẻ với phóng viên trước khi diễn ra phiên xét xử, chị Nguyễn Thúy N (mẹ đẻ cháu K) cho biết, năm 2007, chị và Trần Hoài Nam kết hôn và có 2 con chung là cháu Trần Nguyên K (SN 2008) và cháu Trần Khánh Đ. Tháng 8-2014, Nam và chị N ly hôn, Nam được nuôi cháu K
Đến tháng 4-2016, Nam kết hôn với Trinh và về ở tại nhà bố mẹ đẻ của Nam trên phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình. Khoảng tháng 5-2017, Nam và Trinh chuyển ra ở trọ tại phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy).
Cần một bản án nghiêm khắc
Thời gian này, Nam và Trinh - những người trực tiếp có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu K, không những không làm tròn trách nhiệm của người cha, người mẹ mà cả hai còn thường xuyên chửi mắng, đánh đập gây đau đớn về thể xác, tinh thần cho cháu K. Thấy con có biểu hiện của bệnh trầm cảm, ít nói dù đã học đến lớp 3, chị N phải đưa đến bác sĩ điều trị tâm lý.
Sau nhiều tháng điều trị, tinh thần K ổn định hơn, song vẫn ám ảnh mỗi khi nhắc đến quãng thời gian sống cùng bố với những vết thương chi chít trên mặt cháu bé.
Theo thỏa thuận, chị N được gặp con vào cuối tuần song liên tục bị cản trở. Đầu năm 2016, Nam và gia đình mới chuyển ra ngoài thuê trọ nên ông bà nội và chị N mất liên lạc, không được gặp bé K.
Chị N nhiều lần yêu cầu chồng cũ cho gặp con nhưng đều bị từ chối. Chị N kể, trong thời gian chung sống, Nam rất yêu chiều các con, không bao giờ lớn tiếng hay đánh đập. “Nam nhỏ nhẹ dạy bảo và các con cũng rất nghe lời bố”, chị N nói và cho rằng từ khi có “bồ nhí” bên ngoài, tính tình anh Nam thay đổi.
Đầu tháng 8, khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử, chị N nói với K về việc này. Cậu bé hỏi mẹ: "bố có hối hận không”. Câu hỏi của con trẻ khiến chị bật khóc.
“Mặc dù tôi không bao giờ dám nghĩ anh ta lại “hành hạ chính con ruột mình như vậy”, nhưng tôi cũng sẽ xin tòa giảm án cho Nam trong phiên xét xử. Bởi dù sao anh ta cũng là bố của hai đứa con chung với tôi, còn đối với bị cáo Trinh, tôi muốn có bản án răn đe để nhiều đứa trẻ khác sẽ không bị bạo hành như con tôi", chị N nói.
|
Trung Đức