Đó là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh trên người với các quận, huyện, thị xã, diễn ra mới đây.
Sẽ ban hành văn bản về công tác phòng, chống dịch bệnh
Theo bà Vũ Thu Hà, TP luôn chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh và chủ động các phương án ứng phó khi dịch xảy ra. Nhìn nhận một cách khách quan, Thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không có đột biến, tuy nhiên, không nên chủ quan.
Hằng năm, dịch bệnh mùa Hè vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ tiềm ẩn. Năm nay, do thời tiết nồm ẩm kéo dài, tác động đến sự gia tăng ca bệnh. Dù các ca bệnh chung và Covid-19 có sự gia tăng nhưng không có bệnh nhân nặng và tử vong nên không đáng lo ngại.
Bà Vũ Thu Hà lưu ý, đối với Covid-19, theo khuyến cáo của ngành Y tế và qua kiểm tra thực tế, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai cần phải đặc biệt quan tâm. Bởi vì với nhóm đối tượng này, nếu nhiễm Covid-19, bệnh có khả năng diễn biến nặng cao hơn.
Không chỉ Covid-19, các bệnh truyền nhiễm khác như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm… cũng có nguy cơ gia tăng, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới với thời gian nghỉ dài, diễn ra nhiều hoạt động tập trung đông người.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, dự kiến trong ngày 18/4, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành văn bản về công tác phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng tình hình hiện nay. Các quận, huyện, thị xã sẽ căn cứ vào đó để triển khai thực hiện, bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Các địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể về các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, rà soát lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, nguồn nhân lực, trang thiết bị… Đặc biệt, phải theo dõi, giám sát chặt diễn biến tình hình dịch trên địa bàn để có báo cáo hằng ngày, từ đó chủ động ứng phó.
Bà Vũ Thu Hà đề nghị Sở Y tế Hà Nội tổng hợp tình hình dịch bệnh hằng ngày, đồng thời, cập nhật các chỉ đạo của Bộ Y tế và phối hợp với các báo, đài để đưa tin, tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Nội dung tuyên truyền tập trung vào hướng dẫn “2K” (khẩu trang và khử khuẩn) của ngành Y tế. Người dân khi đến các bệnh viện, khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, đến nơi đông người… cần đeo khẩu trang và khử khuẩn.
Đồng thời, giao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Sở Y tế Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các trường theo quy định; bảo đảm nội dung thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát đúng, đủ đối tượng và đăng ký nhu cầu tiêm phòng. Thành phố bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêm phòng của người dân, tiêm đúng đối tượng và kịp thời; Chủ động, tập trung cao điểm các công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa Hè.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của TP sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết.
Biến thể phụ XBB.1.9.1 xuất hiện tại Hà Nội
Về tình hình dịch Covid-19, theo thông tin từ Bộ Y tế, số ca mắc ghi nhận trong 7 ngày gần đây tăng so với tuần trước. Trong 7 ngày gần đây, cả nước ghi nhận 492 trường hợp mắc (tăng 2,5 lần so với tuần trước đó) và không có trường hợp tử vong.
Theo báo cáo của Sở Y tế, riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 1/4, trung bình số ca nhiễm mới từ 2-5 ca/ngày. Tuy nhiên, từ ngày 1/4 đến nay, số người nhiễm Covid-19 tăng dần.
Cụ thể, trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình là 79 ca/ngày. Từ ngày 12/4 đến 16/4, trung bình ghi nhận 96 ca/ngày. Ngày 16/4, ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất, với 99 ca mắc.
Số mắc tăng nhanh nên nhu cầu chăm sóc y tế cũng tăng cao, số người vào viện trung bình khoảng 30-50 người bệnh/ngày. Số mắc cần chăm sóc y tế chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh lý nền, tỷ lệ trẻ em chỉ chiếm 2-6%.
Tính đến ngày 16/4, toàn Thành phố còn 566 trường hợp đang điều trị, trong đó, có 299 trường hợp bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà (chiếm 53%); 237 trường hợp bệnh nhân có triệu chứng trung bình (chiếm 42%); 27 trường hợp bệnh nhân mức độ nặng phải thở ô xy hỗ trợ qua kính/mast (chiếm 5%); 2 bệnh nhân mức độ nặng phải thở máy điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và 1 trường hợp đã chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Kết quả giải trình tự gen virus tại quận Nam Từ Liêm, 2 mẫu cho kết quả chủng XBB.1.9.1, đây là chủng có ở nhiều nước Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Singapore, Phillipin, với đặc điểm lan truyền nhanh và diễn biến lâm sàng nhẹ.
Về dịch sốt xuất huyết, cộng dồn toàn Thành phố đến ngày 16/4, có 212 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. Số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh nhân phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã; 131/579 xã, phường, thị trấn.
Về bệnh tay chân miệng, cộng dồn đến ngày 16/4, toàn Thành phố có 384 trường hợp mắc; không có trường hợp tử vong. Số mắc tăng 375 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022.