"Tùy tình hình từng địa phương, 12 tỉnh thành thuộc nhóm có nguy cơ cao cần tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 đến ngày 22/4, có thể là 30/4, tùy tình hình cụ thể", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại cuộc họp Thường trực chính phủ chiều nay.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định danh sách phân loại 3 nhóm nguy cơ của của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 không phải là bất biến. Cuộc họp tới, Chính phủ sẽ xem xét đánh giá và điều chỉnh phù hợp tùy theo diễn biến dịch bệnh. Thủ tướng cũng chỉ đạo tất cả địa phương cần tiếp tục tạm dừng các hoạt động dịch vụ không cần thiết.
Nhận định chiến lược phòng, chống dịch hiệu quả phải dựa trên cơ sở duy trì được sự liên tục của ngành kinh tế ở mức nhất định, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành cần chuẩn bị kế hoạch để khởi động lại nền kinh tế ngay khi chống dịch thành công.
“Chúng ta giảm thiểu tác động của dịch chứ không thể không bị tác động. Ban chỉ đạo cần từng bước giảm dần giãn cách xã hội thận trọng, đồng bộ với những bước đi phù hợp hoàn cảnh cụ thể từng địa phương, linh hoạt nhưng phải kiểm soát chặt chẽ để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm, đời sống của nhiều tầng lớp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp trực tuyến Chính phủ. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM. |
Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và thống nhất với ý kiến kiến nghị Thủ tướng, Thường trực Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện “cách ly xã hội” theo Chỉ thị 16.
Qua tình hình dịch bệnh của các tỉnh, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 chia các địa phương thành 3 nhóm nguy cơ lây nhiễm cao, trung bình và nguy cơ thấp.
Đối với những tỉnh, thành phố nằm trong nhóm nguy cơ cao, Ban chỉ đạo kiến nghị tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly xã hội như quy định trong Chỉ thị 16 thêm ít nhất 1 tuần.
Cụ thể, các địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao bao gồm Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP.HCM, Tây Ninh.
Nhóm có nguy cơ trung bình gồm Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hải Phòng. Những tỉnh, thành còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.
Ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người nơi công cộng. Theo Thủ tướng, các giải pháp theo Chỉ thị 16 mang tính “tiền khẩn cấp”, là để giãn cách xã hội. Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn.
Tính đến sáng nay, ban chỉ đạo đã nhận được báo cáo trả lời của 58 tỉnh, thành phố. Trong đó, 24 tỉnh đề nghị thực hiện giãn cách xã hội hết tháng 4, 3 địa phương đề nghị thực hiện thêm 1 tuần, 2 tỉnh đề nghị tiếp tục Chỉ thị 16 đén khi không còn ca nhiễm thứ phát, 3 nơi đề nghị giãn cách tỉnh với tỉnh, 3 tỉnh đề nghị ngừng thực hiện cách ly xã hội đối với nơi chưa có dịch...