Ngày 30/12, một ngày sau thảm kịch máy bay tại Sân bay quốc tế Muan (tây nam Hàn Quốc), công tác điều tra nguyên nhân và việc lo hậu sự cho các nạn nhân bắt đầu khi hoạt động tìm kiếm tại hiện trường vụ tai nạn kết thúc.
Thảm kịch xảy ra vào khoảng 9h sáng 29/12 (giờ địa phương). Một máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air chở 175 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn trượt khỏi đường băng khi hạ cánh bằng bụng tại Sân bay quốc tế Muan (huyện Muan, tỉnh South Jeolla), tông vào rào chắn bê tông và phát nổ khiến 179 người chết.
Đến 21h tối 29/12, chính quyền Hàn Quốc xác nhận số người chết trong thảm kịch này là 179, tức là chỉ có 2 người sống sót.
Pháp luật TP.HCM đưa tin, chính phủ Hàn Quốc ngày 30/12 tuyên bố sẽ tiến hành kiểm tra an toàn toàn bộ máy bay Boeing 737-800 đang được các hãng hàng không nội địa vận hành sau thảm kịch đối với máy bay của Boeing 737-800 Jeju Air.
Một quan chức Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết chính phủ dự kiến kiểm tra kỹ lưỡng xem các quy định an toàn liên quan dòng máy bay Boeing này có được các hãng hàng không tuân thủ đầy đủ hay không, bao gồm việc kiểm tra tỉ lệ sử dụng máy bay, tần suất kiểm tra kỹ thuật và hồ sơ bảo dưỡng.
Dòng máy bay Boeing 737-800 hiện được các hãng hàng không giá rẻ nội địa Hàn Quốc sử dụng rộng rãi. Jeju Air vận hành số lượng lớn nhất với 39 chiếc trong đội bay. Các hãng khác gồm T’way Air với 27 chiếc, Jin Air với 19 chiếc và Eastar Jet với 10 chiếc.
Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc dự kiến sẽ kiểm tra an toàn nghiêm ngặt đối với Jeju Air sau khi xuất hiện nhiều sự cố liên quan bộ phận hạ cánh của các máy bay từ hãng này. Trong ngày 30/12, một chuyến bay của Jeju Air sử dụng cùng mẫu Boeing 737-800 đã phải quay lại sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Gimpo (thủ đô Seoul) do phát hiện vấn đề liên quan bộ phận hạ cánh.
“Chúng tôi sẽ triển khai các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt về an toàn hàng không để đối phó với những sự cố liên quan đến bộ phận hạ cánh” - ông Joo Jong-wan, Trưởng ban chính sách hàng không của Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc, phát biểu tại một buổi họp báo.
Ông Joo lưu ý rằng Jeju Air được biết đến với tỉ lệ sử dụng máy bay cao, điều mà một số chuyên gia cho rằng có thể là yếu tố góp phần gây ra thảm kịch ngày 29/12. Yonhap dẫn các nguồn tin trong ngành hàng không rằng chiếc máy bay bị nạn đã thực hiện 13 chuyến bay trong 48 giờ trước khi xảy ra sự cố.
Đến nay, nguyên nhân của vụ việc vẫn chưa được làm rõ. Ông Joo cho biết một trong hai hộp đen của máy bay đã bị hư hỏng bên ngoài. Các hộp đen đã được vận chuyển đến sân bay quốc tế Gimpo để phân tích thêm.
Phía Hàn Quốc xác nhận Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) sẽ tham gia điều tra thảm kịch. Hãng Boeing và nhà sản xuất động cơ máy bay CFM International cũng đã được liên hệ để hợp tác điều tra.
Trong bối cảnh các cuộc điều tra đang diễn ra và các quan chức Hàn Quốc đưa ra giả thiết rằng máy bay va phải chim có thể là lý do dẫn đến thảm kịch, các chuyên gia kêu gọi Hàn Quốc cẩn thận vì những suy đoán có thể ảnh hưởng quá trình điều tra.
Hàn Quốc công bố quốc tang 7 ngày
Tờ Yonhap đưa tin, tuyên bố quốc tang được Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi đưa ra sau một cuộc họp khẩn cấp kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
“Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình những người gặp nạn trong thảm kịch không ngờ tới này. Thời gian quốc tang sẽ bắt đầu từ ngày 29/12 tới đêm 4/1/2025… Chúng tôi cũng sẽ cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho các nỗ lực cứu hộ, hỗ trợ cho các gia đình có người gặp nạn và cung cấp điều trị y tế cho các nạn nhân còn sống”, ông Choi nói.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính Hàn Quốc, các đài tưởng niệm sẽ được lập ở nơi xảy ra vụ tai nạn, cũng như 17 tỉnh thành phố trên khắp cả nước trong đó có thủ đô Seoul và thành phố Gwangju. Các nhân viên chính phủ sẽ đeo ruy băng đen để tưởng nhớ tới các nạn nhân, theo VietNamNet.