Hành trình bảo vệ di sản
Tháng 2/1989, Ngài nhận lời thỉnh cầu của Phật tử Hoa Tông ở hải ngoại, được Nhà nước cho phép sang định cư tại Mỹ Quốc. Tại đây, Ngài sáng lập Từ Ân Thiền Đường ở thành phố Los Angeles, bang California để hoằng dương thiền học. Đến tham học tại đây, có Phật tử người Tây Âu, Á châu và đông nhất là kiều bào người Việt Nam. Những năm sau đó, uy tín và đạo lực của Ngài vang xa; Ngài được cung thỉnh đến các nước như : Cannada, Australia, Hong Kong, Đài Loan và các thiền đường tại Mỹ để giảng dạy pháp Tổ sư thiền.
Ngài vẫn thường xuyên trở về Việt Nam để tiếp tục sự nghiệp thiền học mà Ngài đã gây dựng và truyền bá, cùng giảng dạy ở các tự - viện Phật giáo trong thành phố Hồ Chí Minh, nơi có điều kiện mở thiền thất thỉnh cầu. Năm 1998, Ngài được Chư tôn Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời làm Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương, chính thức là Giảng sư của Giáo hội, được phân công thuyết giảng tại các khóa bồi dưỡng Hoằng pháp do Giáo hội tổ chức tại các tỉnh thành. Ngày 07/ 01/ 2000, Ngài thâu thần thị tịch tại California, Mỹ Quốc, trụ thế 77 năm, hành đạo 25 mùa Hạ.
Trong suốt cuộc đời hành đạo, Ngài tùy duyên hóa độ, tận tụy với sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Ngoài các Phật sự và giảng dạy, Ngài còn để thời gian trước tác và dịch thuật trên 20 tác phẩm, dịch phẩm các loại về kinh điển, ngữ lục thiền học . . . đã được xuất bản cùng tái bản nhiều lần. Đệ tử, học trò của Ngài có mặt tại khắp nơi trên thế giới, luôn tâm niệm kế thừa, phát huy và bảo vệ các di sản của Ngài bao gồm các Chùa, Thiền viện, các tác phẩm…
Năm 1997, hai vợ chồng Phật tử Nguyễn Thị Thu Mai ( mất năm 2019) cùng chồng là ông Nguyễn Văn Cại đã hiến 05 thửa đất (đã được Ủy ban nhân dân Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận cho bà Nguyễn Thị Thu Mai, ông Nguyễn Văn Cại, cô Nguyễn Thị Mai Hạnh con bà Mai, ông Cại), cho Ngài lập nên Thiền viện Duy Lực mà không đòi hỏi một lợi ích nào từ Thiền viện. Thiền Viện Duy Lực được công nhận là tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được thành lập hợp pháp theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong suốt gần 30 năm thành lập và hoạt động, thường nhật sẽ có khoảng 40 người sinh hoạt và tu tập tại Thiền Viện. Trong suốt quá trình hoạt động, Thiền Viện luôn được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp và đạt được nhiều dấu ấn nổi bật, cũng như luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo từ các quý phật tử, mạnh thường quân trên cả nước.
Tại đây, Hòa thượng Thích Duy Lực đã thể hiện trọn vẹn tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật. Ngài quyên góp từ các Phật tử ở hải ngoại, thành lập phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Tinh thần từ bi hỉ xả này được Thích nữ Pháp Ngân, trụ trì hiện nay, tiếp nối và phát huy trọn vẹn. Đặc biệt, trong đại dịch Covid bùng phát, Thiền viện đã cứu trợ hàng trăm tấn gạo, muối, dầu cho các Phật tử và nhân dân trong vùng. Có thể nói, tuy Thích Duy Lực đã thâu thần thị tịch nhưng di sản của Ngài, tấm lòng từ bi hỉ xả và hoằng pháp lợi sanh của Ngài vẫn còn hiển hiện tại Thiền viện Duy Lực.
Theo Đơn khẩn cầu của Thích nữ Pháp Ngân, khoảng năm 2020 đến nay, xuất hiện ông Phùng Xuân Vũ tự xưng là người mua đất của bà Mai liên tục có những hành vi cản trở, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Thiền Viện Duy Lực.
“Họ cho hàng chục người xăm trổ vào Chùa, tự ý làm hỏng cửa Chùa, rào sắt bịt lối đi. Quá đáng hơn, cá do Phật tử phóng sinh trong ao Chùa, họ bắt lên, nướng rồi nhậu nhẹt, la hét ngay trong Chùa, phóng uế bừa bãi”, ông Nguyễn Văn Cại kinh hoàng kể lại. Khi nhà chùa có ý kiến thì ông Vũ xuất trình ra một Giấy sang nhượng đất photocopy với nội dung: ngày 22/11/2017, bà Nguyễn Thị Thu Mai bán cho ông Phùng Xuân Vũ 8 thửa đất với giá gần 9,6 tỷ đồng. Tờ Giấy sang nhượng đáng ngờ này chỉ có vỏn vẹn duy nhất chữ ký của bà Mai và không có tên của chồng bà Mai là ông Nguyễn Văn Cại và con gái Nguyễn Thị Mai Hạnh. Giấy sang nhượng này cũng không hề có xác nhận của chính quyền địa phương,
Ông Nguyễn Văn Cại khẳng định: “Vợ chồng tôi phát tâm từ năm 1997 mua gom dần các thửa đất với tổng diện tích gần 20.000 m2 để quyên cho Ngài Duy Lực xây Thiền viện. Trước khi vợ tôi bất ngờ qua đời, chúng tôi còn đang tính mua thêm hai thửa đất số 78 và 90 của bà con để quyên cho Chùa thì làm sao Vợ tôi có thể bán cho ai các thửa đất này”.
Ông Cại cũng cho biết thêm nhiều điểm đáng ngờ của việc mua bán này: “Giấy tờ sang nhượng chỉ có một chữ ký mà tôi khẳng định không phải của Vợ tôi. Hai vợ chồng tôi là đồng sở hữu trên tất cả các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc mua bán tôi phải biết và ký tên nên tôi khẳng định đây là Giấy tờ sang nhượng giả mạo, bất hợp pháp, không có giá trị trước pháp luật”. Bên cạnh đó, theo ông Cại, Giấy sang nhượng giả mạo kia là giao dịch vô hiệu vì theo Khoản 2, Điều 26 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định rõ: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu”
Theo ông Cại, quyền sở hữu tài sản của công dân là bất khả xâm phạm, nếu ông Vũ hoặc bất kỳ cá nhân nào muốn sử dụng cũng phải đợi có quyết định cuối cùng của Tòa án mới có thể vào, thay đổi hiện trạng. “Họ đưa ra một Giấy sang nhượng giả mạo, vô căn cứ rồi xông vào phá khóa, lập hàng rào, phá hoại tài sản hợp pháp của người dân, quấy rầy chốn Thiền tu. Khi người dân kêu cứu thì lại quay ra phạt dân hàng trăm triệu mà không có bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật kia. Chúng tôi còn biết tin tưởng vào ai?”, ông Cại bức xúc.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai lên tiếng
Trả lời phỏng vấn của phóng viên, bà Tr., một người đang tu tập tại Chùa cho biết: “Đây là chốn tu hành thanh tịnh, tự nhiên một nhóm đàn ông hàng chục người xông vào, bất chấp luật pháp, sát sinh, phóng uế bừa bãi, la hét đe dọa nạt như một bầy “ngạ quỷ” khiến ai cũng sợ hãi, không biết phải làm sao?”. Theo bà Tr. Đạo Phật chú trọng nhân, quả, ai làm người nấy chịu nhưng tất cả mọi người cần tuân thủ theo luật pháp và tôn trọng chính quyền địa phương.
Làm việc cùng phóng viên, Hòa thượng Thích Bửu Chánh, Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự, phó ban Hoằng Pháp Trung Ương GHPGVN, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Viện chủ Thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, Tp. Biên Hòa) cho biết: Thiền viện Duy Lực (phường An Hoà, thành phố Biên Hoà là tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam) là Tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được thành lập hợp pháp căn cứ Quyết định số 554/QĐ-BTS ngày 22/6/2022 của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Đây là ngôi Tự viện được Hòa thượng Thích Duy Lực xây dựng trên cơ sở ban đầu là một phòng cấp thuốc miễn phí cho người dân. Việc tranh chấp đất giữa ông Cại và ông Vũ khiến việc tu hành của mọi người tại Thiền viện bị ảnh hưởng, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai cũng đã nắm được và sẽ có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ cho Thiền viện.
Là một người gần 80 tuổi, hiền lành, một lòng hướng Phật, đã quyên góp gần 20.000 m2 đất xây Chùa, nay số đất đó đang bị "dòm ngó", càng kêu cứu thì càng bị phạt tiền. Nỗi lo nghĩ khiến sức khỏe ông Cại đi xuống nhanh chóng. “Tôi không hiểu nổi có còn luật pháp ở đây không?” Ông Cại khóc, nước mắt tuyệt vọng lăn dài trên khuôn mặt đầy nếp nhăn, ông lo, mình mất đi thì nhóm người kia sẽ cướp mất số đất mà vợ chồng ông đã quyên góp cho Chùa từ gần 30 năm nay.
Tại sao ông Nguyễn Văn Cại và Thiện viện Duy lực lại bị phạt tiền hơn nửa tỷ đồng khi kêu cứu? Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc gây nhiều bức xúc cho người dân địa phương này trong kỳ tiếp theo.
Theo Dân Việt