Hào hùng Lạng Giang!

Nguyễn Đức Tuyền

Lạng Giang (Bắc Giang) - tên gọi có từ rất sớm trong lịch sử các tên làng, tên xã, tên phủ và tổng của Việt Nam. Qua nhiều giai đoạn biến đổi của đất nước, ranh giới và tên gọi hành chính của Lạng Giang cũng nhiều lần thay đổi, để lại trên mảnh đất này biết bao dấu tích lịch sử của cha ông ta trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Từ những ngày đầu triều các vua Hùng, Lạng Giang chưa thành tên gọi. Địa phận của huyện thuộc đất Kê Từ (bao gồm địa giới hành chính các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn ngày nay) nằm trong Lộ Vũ Ninh. Tên Kê Từ tồn tại suốt gần một nghìn năm Bắc thuộc; đến thế kỷ 11, được đổi là châu Lạng thuộc lộ Bắc Giang. Năm 1407, châu Lạng đổi thành phủ Lạng Giang, gồm 02 châu: Châu Lạng Giang và châu Thượng Hồng, cai quản 10 huyện, trong đó có huyện Bảo Lộc chính là đất Lạng Giang ngày nay và một phần của huyện Lục Nam; trụ sở đặt tại làng Chu Nguyên (thị trấn Vôi ngày nay). Năm 1889, chính quyền Pháp thành lập tỉnh Lục Nam, huyện Bảo Lộc thuộc tỉnh Lục Nam. Ngày 8/9/1891, tỉnh Lục Nam giải thể, huyện Bảo Lộc trả về tỉnh Bắc Ninh.

Dưới triều Thành Thái nhà Nguyễn (1889-1907), huyện Bảo Lộc đổi thành huyện Phất Lộc. Năm 1924, chính quyền Pháp đổi huyện Phất Lộc thành phủ Lạng Giang, gồm 13 tổng: Cần Dinh, Đa Mai, Thọ Xương, Đào Quán, Dĩnh Kế, Thịnh Liệt, Lan Mẫu, Trí Yên, Mỹ Cầu, Phi Mô, Mỹ Thái, Thái Đào, Xuân Đám. Phủ lỵ đặt tại phủ Lạng Thương (phố Tiền Giang, phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang ngày nay). Phủ Lạng Giang bao gồm toàn bộ lãnh thổ huyện Lạng Giang ngày nay cùng các xã: Lan Mẫu của huyện Lục Nam; Lão Hộ, Song Khê, Tân Mỹ, Hương Gián, Lãng Sơn, Trí Yên, Đức La, Tam Kỳ, Tân An, Xuân Phú, Tân Tiến của huyện Yên Dũng; Thọ Xương, Dĩnh Kế, Mỹ Độ, Song Mai, Đa Mai của thành phố Bắc Giang ngày nay...

Ngày 25/3/1948, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 148-SL, bãi bỏ các danh từ, phủ, châu, quận để thống nhất gọi là huyện. Thực hiện Sắc Lệnh của Chủ tịch nước, phủ Lạng Giang được gọi là huyện Lạng Giang. Huyện Lạng Giang khi đó có 30 xã: An Hà, Bảo Đài, Bảo Sơn, Đại Lâm, Đào Mỹ, Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, Dương Đức, Hòa Bình A, Hương Lạc, Hương Sơn, Mỹ Hà, Mỹ Thái, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Phi Mô, Phương Sơn, Quang Thịnh, Tam Dị, Tân Dĩnh, Tân Hưng, Tân Lập, Tân Thanh, Tân Thịnh, Thái Đào, Tiên Hưng, Tiên Lục, Xuân Hương, Xương Lâm, Yên Mỹ.

Ngày 21 tháng 1 năm 1957, tách 7 xã: Hoà Bình A, Tam Dị, Bảo Đài, Bảo Sơn, Tiên Hưng, Phương Sơn, Tân Lập để thành lập huyện Lục Nam. Huyện còn lại 23 xã: An Hà, Đại Lâm, Đào Mỹ, Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, Dương Đức, Hương Lạc, Hương Sơn, Mỹ Hà, Mỹ Thái, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Phi Mô, Quang Thịnh, Tân Dĩnh, Tân Hưng, Tân Thanh, Tân Thịnh, Thái Đào, Tiên Lục, Xuân Hương, Xương Lâm, Yên Mỹ.

Ngày 19 tháng 10 năm 1959, thành lập thị trấn Kép trên cơ sở một phần diện tích và dân số của xã Tân Thịnh. Ngày 8 tháng 3 năm 1967, thành lập thị trấn nông trường Bố Hạ trực thuộc huyện Lạng Giang và ngày 3 tháng 5 năm 1985, xã Dĩnh Kế được sáp nhập vào thị xã Bắc Giang.

Huyện Lạng Giang còn lại thị trấn Kép, thị trấn nông trường Bố Hạ và 22 xã: An Hà, Đại Lâm, Đào Mỹ, Dĩnh Trì, Dương Đức, Hương Lạc, Hương Sơn, Mỹ Hà, Mỹ Thái, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Phi Mô, Quang Thịnh, Tân Dĩnh, Tân Hưng, Tân Thanh, Tân Thịnh, Thái Đào, Tiên Lục, Xuân Hương, Xương Lâm, Yên Mỹ.

Năm 1997 Thị trấn Vôi được thành lập ngày 22 tháng 12 , huyện Lạng Giang đã giải thể thị trấn nông trường Bố Hạ (ngày 12 tháng 7 năm 2007). Địa bàn nhập vào xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang và các xã Đông Sơn, Đồng Hưu, huyện Yên Thế. Tiếp theo đó ngày 27 tháng 9 năm 2010, xã Dĩnh Trì được sáp nhập vào thành phố Bắc Giang.

Ngày 21 tháng 11 năm 2019, sáp nhập xã Phi Mô vào thị trấn Vôi và sáp nhập xã Tân Thịnh vào thị trấn Kép. Huyện Lạng Giang có 2 thị trấn và 19 xã như ngày nay.

Cây Dã Hương, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (ảnh Quang Huy)

Trong lịch sử chống giặc phương Bắc xâm lược, mảnh đất này là địa bàn chiến lược quan trọng, nằm trên con đường thiên lý Bắc – Nam, là phên dậu cho thành Thăng Long, Đông Đô. Chiến thắng Cần Trạm - Hố Cát - Xương Giang năm 1427, đánh tan 10 vạn quân xâm lược nhà Minh, là thắng lợi rực rỡ nhất trong cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân ta chống lại sự xâm lược của phong kiến phương Bắc, góp phần cùng với quân dân cả nước chấm dứt 20 năm đô hộ tàn bạo của Nhà Minh, mở ra những trang mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Phủ Lạng Giang cũng là nơi sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng vô sản do đồng chí Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và truyền bá về nước. Cuối năm 1938, chi bộ Phủ Lạng Thương được thành lập. Chi bộ Phủ Lạng Thương được coi như một Ban cán sự Đảng của tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm thực hiện chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh, phong trào cách mạng ở Phủ Lạng Giang đã trưởng thành nhanh chóng, tạo điều kiện bảo vệ và củng cố cơ sở cách mạng tiến tới giành chính quyền. Bằng cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc Phủ Lạng Giang đã cùng nhân dân cả nước đập tan xiềng xích của thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên nhân dân lao động thực sự làm chủ đất nước; nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, huyện Lạng Giang đã có 2.745 liệt sỹ, 1.475 thương binh, 603 bệnh binh bỏ lại một phần xương máu của mình ở chiến trường vì độc lập tự do của Tổ quốc; 57 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 9 xã, thị trấn và 4 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đó là những thành quả của sự phấn đấu không ngừng nghỉ của người dân và các cấp lãnh đạo qua từng thời kỳ của Lạng Giang.

Quang Huy