Hậu Giang: Một người cha Khmer hết lòng tần tảo vì đàn con thân yêu

Người dân Miền Tây có tính hào sảng, cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động. Trong đồng bào dân tộc Khmer cũng vậy, họ cũng chất phác thật thà, cần cù trong lao động sản xuất…mong sao cho thế hệ sau sẽ có cuộc sống ấm no, sung túc hơn đời mình.

Trong một chuyến đi công tác vào một ngày tháng 2 đầu xuân, ở một vùng quê êm đềm trong xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, chúng tôi tình cờ nghe người dân kể câu chuyện về chú Danh Dết, sinh năm 1969, ngụ ấp 4, xã Xà Phiên là người dân tộc Khmer, là một đảng viên và là một người nông dân “chính hiệu” miền Tây, hàng ngày chú luôn chịu khó thức khuya dậy sớm, cần cù trong lao động để bươn trải cuộc sống và lo cho các con ăn học thành tài.

Chú Danh Dết không ngại đi làm những công việc nặng nhọc như phụ hồ để lo cho các con ăn học thàn tài.

Được người dân chỉ đường, chúng tôi chạy theo con đường bê tông, men theo những rậm dừa hai bên đường và những cổng hàng rào cây xanh trong phong trào xây dựng Nông thôn mới trên hành trình tìm đến nhà chú Danh Dết.

Tiếp chúng tôi bên hiên nhà với hàng cây xanh tỏa mát, đãi chúng tôi bặng tách trà thơm đựng trong giỏ cáy dừa… chú hỏi chúng tôi rằng: "Các chú là ai? Tìm gặp tôi làm gì?". Sau ly trà, chúng tôi giới thiệu là phóng viên trong một chuyến đi công tác ở xã vàtình cờ nghe người dân nơi đây giới thiệu chú là người nông dân sản xuất giỏi, chịu thương chịu khó, cần cù lao động sản xuất để lo cho các con ăn học thành tài, nên mới tìm đến và tìm hiểu xem chú có đúng như người dân tán dương hay không. Khi đến nơi thì quả là không sai so với lời đồn đại của người dân.

Chia sẻ với chúng tôi, chú Danh Dết cho biết: "Từ khi mới 5, 6 tuổi thì cha và mẹ mất cùng lúc bởi quả bom “tử thần” thời chiến tranh oanh liệt và được công nhận là liệt sĩ, người có công với cách mạng. Mất đi tình yêu thương, sự dạy dỗ của cha và mẹ, tôi được bà cô nuôi dưỡng lớn lên, thế nên tôi đã quyết tâm cố gắng học thật giỏi, nhưng vì hoàn cảnh nên tới lớp 10 thì tôi đành phải bỏ dở việc học giữa chừng".

Do cha mẹ mất sớm nên chú Danh Dết côi cút một thân một mình. Trong một lần chú nghe người hàng xóm nói về chú rằng: "Nó không còn cha mẹ dạy bảo thì chắc không nên người nổi và sẽ không biết lo tu chí làm ăn gì đâu, nếu có lập gia đình thì cũng lo lêu lổng ăn chơi thôi", những lời nói ấy chú nhớ như in và khắc ghi từng lời cho đến tận ngày nay, cũng nhờ những lời nói như “xỉa xói” ấy đã đánh thức nghị lực bản thân và chú có thêm động lực để chứng minh cho mọi người thấy rằng chú vẫn sống tốt, biết chăm lo cho gia đình và nuôi dạy con cái ăn học thành tài.

Là một người cha lớn lên từ sự mất mát lớn của thời thơ ấu, thiếu sự dạy bảo, chăm sóc và tình yêu thương của gia đình và từng đánh mất đi một thời tuổi trẻ vì ham chơi, hiện nay, trên 50 tuổi đời chú Danh Dết với nước da đã sần sùi đầy vết rám nắng của thời gian vì lam lũ mưu sinh “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” với 5 công đất ruộng, mỗi năm làm 2 vụ lúa cũng chỉ đủ ăn chứ không mấy dư giả. Ngoài ra, các chi phí cho sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày thì ngày càng tăng, bất cứ có việc gì để bươn trải lo cho cuộc sống gia đình, chú Dết đều không nề hà, ai thuê gì làm nấy, kể cả bóc vác hay làm phụ hồ chú cũng không ngần ngại.

Chú Danh Dết cho biết thêm: "Hiện tại thì 2 con gái của tôi đã tốt nghiệp ra trường và đã có công ăn việc làm ổn định nên cũng đã bớt đi phần gánh nặng gia đình, còn tôi bây giờ cũng đi chăm sóc vườn tược, cây kiểng cho người dân, bữa có, bữa không… nhưng cũng đỡ vất vã hơn trước nhiều rồi, cuộc sống cũng nhàn hơn".

Chú Danh Dết hiện nay làm thợ chăm sóc vườn tược, cây kiểng cho người dân.

Nhìn chú Dết già hơn so với tuổi thực, đôi bàn tay chai sần, gân guốc theo thời gian bươn trải mưu sinh lo cho cuộc sống gia đình và các con. Với tình yêu thương của người cha, thì chú chẳng mong vì cho bản thân mình mà chỉ mong các con của mình có được chữ nghĩa, học thức để trở thành người có ích cho xã hội.

Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, chú Dết hiện nay đang bị bệnh thận ứ nước độ 3 cấp tính, nhưng chú không dám vào bệnh viện mổ vì bác sĩ cho biết nếu mổ sẽ không làm việc nặng được, đối với chú không làm việc nặng cũng như ngừng đi việc lo cho các con của mình nên chú thà ôm căn bệnh chú không mổ mà chỉ dám đến những phòng thuốc từ thiện phát thuốc nam miễn phí đem về nấu uống. Suy cho cùng cả một đời người, chú chỉ lo cho gia đình và các con mà quên luôn tình trạng sức khỏe, bệnh tình của mình. Nghe đến đây chúng tôi cảm thấy vô cùng khâm phục người cha bao dung, một đời tần tảo lo cho các con này.

Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng vươn lên từ nghị lực của bản thân, chú Dết cùng tình yêu thương của người cha dành cho các con đã nuôi dạy các con chú ăn học thành tài, đến nay chú cũng cảm thấy thỏa lòng vì các con đã có công ăn, việc làm ổn định.

Với những cố gắng trong lao động,nỗ lực vươn lên bằng những hành động trong thực tiễn, vừa qua, chú Dết đã được UBND xã Xà Phiên trao trặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Đây là một tấm gương sáng trong phong trào gương sáng đảng viên học tập và làm theo Bác, qua đó khơi gợi lòng yêu thương cũng như tình cảm gia đình rất đáng được trân trọng.

Ngọc Lan