Đại biểu cắt bằng khai mạc |
Đến dự Lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam; Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến cùng Phó Chánh Văn phòng Ngô Tất Thắng; ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp – Bộ NN&PTNT; bà Nguyễn Vân Nga – Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam Bộ Công Thương; bà Bùi Thị Thanh An – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Ninh, Trà Vinh. Phía lãnh đạo tỉnh Bến Tre có Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, và các hộ dân, doanh nghiệp có sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Khu trưng bày Bonsai và sinh vật lạ |
Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre năm 2019, với chủ đề “Sản phẩm OCOP – Tiềm năng và Phát triển”, là một trong những hoạt động triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tiềm năng thế mạnh của tỉnh Bến Tre; tăng cường, mở rộng giao lưu kinh tế giữa tỉnh Bến Tre và các tỉnh, thành phố trên cả nước; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại – đầu tư – du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và Quốc tế. Bên cạnh đó, Hội chợ cũng là cơ hội để các danh nghiệp, hợp tác xã/tổ hợp tác có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt xu hướng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, từ đó cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trái đu đủ to khổng lồ |
Theo Sở Công Thương, Hội chợ lần này có 355 gian hàng, trong đó có 277 gian tiêu chuẩn và 78 gian tự dàn dựng. Ngoài tỉnh Bến Tre còn có 24 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ, gồm 12 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc. Trong tỉnh, Hội chợ thu hút sự tham gia của tất cả 9 huyện, thành phố, các doanh nghiệp chủ lực, doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh và các doanh nghiệp thương mại.
Ngoài trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP, trong khuôn khổ Hội chợ còn có các hoạt động hội nghị, hội thảo, như Hội thảo Nâng cao chất lượng tiêu chuẩn – truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP và Kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Bến Tre và các tỉnh, thành phố năm 2019; Hội thảo Xây dựng và phát triển thương hiệu; Hội thảo khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa đến sản phẩm OCOP – con đường chinh phục thị trường; Hội thảo Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách trên nền tảng phát triển du lịch nông thôn.
Đặc sản Bến Tre |
Phát biểu khai mạc Hội chợ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cho rằng, Chương trình OCOP là một trong những chương trình quan trọng của Trung ương, nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị cho các sản phẩm, dịch vụ truyền thống, đặc trưng của địa phương để phát triển thành các sản phẩm lợi thế, có chất lượng, đạt tiêu chuẩn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngay từ khi Chương trình OCOP được Trung ương phê duyệt, tỉnh Bến Tre đã tập trung xây dựng và ban hành Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và tiến hành xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP. Trên cơ sở Bộ tiêu chí, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã tổ chức đánh giá các sản phẩm tiềm năng để định hướng, hỗ trợ phát triển cho các sản phẩm chưa đạt yêu cầu và chọn ra các sản phẩm chủ lực, đảm bảo chất lượng, đạt chuẩn để tham gia Hội chợ. Qua đánh giá, xếp hạng các sản phẩm OCOP, tỉnh có 45 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên, trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm đạt 3 sao.
|
Tại Lễ khai mạc Hội chợ, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao cho 14 sản phẩm và 4 sao cho 31 sản phẩm. |
Bên cạnh các sản phẩm OCOP, tại Hội chợ lần này, tỉnh Bến Tre còn tham gia trưng bày các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thế mạnh đến từ các địa phương trong tỉnh, nhất là các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị chủ lực theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh như dừa, bưởi da xanh, nhãn, các sản phẩm hoa cây cảnh.. Song song với phát triển kinh tế theo định hướng hàng hóa, Bến Tre cũng đang tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tạo thương hiệu cho du lịch Bến Tre, với các sản phẩm du lịch đa dạng, từ du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng với mô hình homestay, nghỉ dưỡng gắn với làng nghề hoặc du lịch trải nghiệm văn hóa ẩm thực xứ dừa,…
Trước đó, chiều 5/6, tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã diễn ra lễ khai mạc Lễ hội Cây - trái ngon, an toàn tỉnh Bến Tre lần thứ 18 (năm 2019) với chủ đề “Cây trái an toàn - Du lịch thân thiện”. Theo BTC, Lễ hội Cây - trái ngon, an toàn tỉnh Bến Tre lần này diễn ra trong 5 ngày từ 5 đến 9/6 với nhiều nội dung như: Dâng hương Thần Nông, các hội thi trái ngon an toàn, thi kiểng Bon sai, tạo dáng Bonsai, thi đấu xảo trái cây và hội thảo “Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng văn hóa Chợ Lách”, Nâng cấp chuỗi giá trị trái cây đặc sản Bến Tre”. Đây là lễ hội truyền thống hàng năm vào dịp Tết Đoan Ngọ. Tại lễ hội còn có trưng bày hoa kiểng các các tiểu cảnh các con giáp. Riêng hoạt động thương mại tại hội chợ gồm có 22 gian hàng trái cây đặc sản, 24 gian hàng cây giống, hàng chục gian hàng thủ công, mỹ nghệ, sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực, các hoạt động du lịch, trò chơi dân gian…Đặc biệt trong ngày khai mạc có 100 sản phẩm trái cây của các nhà vườn, 60 sản phẩm Bon sai trong và ngoài tỉnh tham gia đấu xảo; 20 con vật lạ trưng bày. Ngoài khu vực lễ hội tại trung tâm văn hóa- thể thao huyện Chợ Lách thì 07 xã nằm dọc theo quốc lộ 57 cũng tham gia trưng bày và bán cây giống, trái cây đặc trưng của địa bàn mình để phục vụ du khách. |
Vương Nguyên