Hồ Chủ tịch - Người lãnh đạo Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: TL
A. TRUYỀN THỐNG VẺ VANG 70 NĂM HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM
I. SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM
Vào đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã khá sôi nổi, nhưng dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp, những người làm báo không có tổ chức nghề nghiệp. Trong thời kỳ những người cộng sản nước ta được chính quyền của Mặt trận Nhân dân Pháp cho phép xuất bản báo chí công khai (1936-1939), Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương mở cuộc vận động thành lập Hội Nhà báo Dân chủ. Ông Võ Nguyên Giáp được chỉ định nhân danh báo tiếng Pháp của ta - tờ Le Rassémblement (Tập hợp) đứng ra thực hiện cuộc vận động. Tuy nhiên, do sự phá hoại của bọn mật thám, chủ trương này đã không thực hiện được.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí (Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Bộ Thông tin Tuyên truyền...) được thành lập và ngày 27/12/1945, Đoàn Báo chí Việt Nam ra đời.
Công việc chuẩn bị để lập ra một Hội nhà báo chính thức đang được đẩy mạnh thì chiến tranh xảy đến bởi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Đội ngũ nhà báo Việt Nam đã đông đảo hơn, phần lớn đi tham gia kháng chiến và Đoàn Báo chí Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam. Báo chí Cách mạng được bổ sung lực lượng và phương tiện mới; hệ thống thông tin - báo chí đa dạng hình thành. Việt Bắc trở thành một cái nôi của báo chí kháng chiến với các báo Sự thật, Cứu quốc, Nhân Dân, Độc lập, Phụ nữ, Lao động, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam... Các lực lượng vũ trang đều có báo riêng. Các khu, tỉnh cũng đều có báo hoặc bản tin, nội san của mình. Nam Bộ hình thành mạng lưới báo, đài phát thanh hoạt động tại nhiều địa phương do Xứ ủy Nam Kỳ trực tiếp phụ trách.
Ngày 04/4/1949, tại Việt Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam đã khai giảng Trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, khóa học đầu tiên và duy nhất gồm 42 học viên. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp và trong lịch sử báo chí nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo vào năm 1960. Ảnh: TL
Đến đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Hội nghị thành lập Hội khai mạc ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa - Thái Nguyên đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội với ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.
Ngày 02/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó Hội gia nhập Mặt trận Liên Việt. Các báo thành lập chi hội, người làm báo ở cơ quan nào thì tham gia chi hội cơ quan ấy. Sinh hoạt chủ yếu của các chi hội là thảo luận những vấn đề nghiệp vụ, bồi dưỡng trình độ nghề nghiệp qua kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
Tháng 7/1950, đại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội Những người viết báo Việt Nam chuyển về Hà Nội, đặt trụ sở chính tại số nhà 59 Lý Thái Tổ.
Ngày 16-17/4/1959, diễn ra Đại hội lần II của Hội với 123 đại biểu thay mặt 700 hội viên tham dự, bầu ra Ban Chấp hành gồm 25 nhà báo do ông Xuân Thủy làm Chủ tịch.
Ngày 07-08/9/1962, diễn ra Đại hội lần III với 160 đại biểu thay mặt 757 hội viên tham dự, bầu Ban Chấp hành gồm 29 nhà báo do ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch và đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
II. KHAI GIẢNG LỚP HỌC ĐẦU TIÊN CỦA TRƯỜNG DẠY LÀM BÁO HUỲNH THÚC KHÁNG
Nhận thấy vai trò quan trọng của đội ngũ nhà báo cách mạng, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh chủ trương mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ban giám đốc trường được chỉ định thành lập gồm 5 người, trong đó ông Đỗ Đức Dục - Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc.
Sáng 04/4/1949, tại xóm Bờ Rạ (nay thuộc xã Tân Thái), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra một sự kiện quan trọng: Lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn. Học viên không đông, gồm 42 (có tài liệu 43) người, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự. Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giầu kinh nghiệm chính trị, phong phú lý luận, thực tiễn và những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân …
Tổng Bí thư Trường Chinh: Nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách lớn của cách mạng Việt Nam, một cây bút chính luận xuất sắc
Ba tháng học đã giúp các học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ gồm cả lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lý thuyết có các bài như: Báo chí là gì? Điều kiện người viết báo. Chuyên môn có: phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách loan tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in báo. Thực hành là đi thực tế, viết bài và ra báo ở từng tổ. Các giảng viên đến lớp triển khai bài giảng theo từng chuyên đề: xã luận (Trường Chinh), viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào (Võ Nguyên Giáp), lên trang (Trần Đình Thọ) v.v...
Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng về lớp học, tại trang bút tích đề ngày 22/6/1949, Tổng Bí thư Trường Chinh viết: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”.
Đặc biệt quan tâm đến Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần gửi thư cho các học viên. Tại bức thư thứ nhất đăng trên Báo Cứu Quốc số 1264 ra ngày 09/6/1949, Người biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. Người nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4- Luôn luôn gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”.
Những dặn dò của Người với các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình của mọi giáo trình cho đến ngày nay.
Từ mái trường mái nứa tranh tre giữa đại ngàn Việt Bắc này, các học viên của trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất như các nhà báo Trần Kiên (Báo Nhân Dân); Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu Quốc) hay đạo diễn Bành Bảo, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như, nhà thơ Từ Bích Hoàng (Việt Phương)…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghề báo
Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cao đẳng tới tiến sỹ. Năm 1949, chúng ta có khoảng chục tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì nay có hơn 900 cơ quan báo chí và 50 nghìn người làm báo. Nhân dịp sự kiện tròn 70 năm của Trường, Bảo tàng Báo chí Việt Nam Hội Nhà báo Việt Nam đã xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Thái Nguyên để triển khai việc sưu tầm, hoàn thiện và lập hồ sơ xin công nhận di tích địa chỉ đỏ này. Với các tư liệu, hiện vật, thông qua lời kể trực tiếp của các nhân chứng, được sự giúp đỡ và hợp tác của cán bộ và nhân dân xã Tân Thái - huyện Đại Từ, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên, đã định vị lô đất đồi rừng số 32 tờ bản đồ 47, vị trí 21 độ 35 phút 20 giây Vĩ Bắc; 105 độ 41 phút 42 giây Kinh Đông làm nơi đặt Bia Di tích Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm xưa.
Ngày 04/4/2019, tại xã Tân Thái - huyện Đại Từ - tỉnh Thái Nguyên, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - nơi giảng dạy lớp báo chí đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam và đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Từ đây, Di tích quốc gia - nơi tổ chức Trường dạy làm báo cách mạng đầu tiên sẽ là một phần quan trọng trong tổng thể Quy hoạch Khu Du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc của tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lễ Khánh thành Bia di tích lịch sử quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên, ngày 20/4/2005. Ảnh: TL
III. HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM QUA 10 KỲ ĐẠI HỘI
ĐẠI HỘI LẦN THỨ I
Ngày 21/4/1950 đã trở thành mốc thời gian lịch sử của giới báo chí Việt Nam khi những người làm báo cách mạng chính thức có một tổ chức chính trị-xã hội và nghề nghiệp của mình. Tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. Ðại hội đã thông qua Ðiều lệ, bầu Ban Chấp hành Hội do ông Xuân Thuỷ làm Hội trưởng, các ông Hoàng Tùng và Ðỗ Ðức Dục làm Phó Hội trưởng, ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.
Ngày 02/6/1950, Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Nghị định số 232-NV/H chính thức công nhận sự hợp pháp của Hội Những người viết báo Việt Nam. Tháng 9/1950, Hội Những người viết báo Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ). Số lượng nhà báo gia nhập Hội ngày càng tăng. Đến cuối năm 1950, Hội Những người viết báo Việt Nam có 300 hội viên.
ĐẠI HỘI LẦN THỨ II
Ðại hội lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam họp trong 2 ngày 16 và 17/4/1959 tại Hà Nội. Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ đến dự và phát biểu.
Ðại hội đã nhất trí đổi tên hội thành Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN), thông qua điều lệ mới, bầu Ban Chấp hành mới gồm 25 nhà báo do ông Xuân Thuỷ làm Chủ tịch; các ông Hoàng Tùng, Huỳnh Văn Tiểng và Phùng Bảo Thạch làm Phó chủ tịch; ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng thư ký.
Đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 11/11/1961, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam ra đời do nhà báo Vũ Tùng (Nguyễn Văn Thọ) làm Chủ tịch.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam năm 2015. Ảnh: TL
ĐẠI HỘI LẦN THỨ III
Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam họp từ ngày 07 đến 08/9/1962 tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện với các đại biểu với chủ đề: “Nâng cao hơn nữa chất lượng báo chí”. Người căn dặn: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Tại Đại hội, ông Hoàng Tùng được bầu làm Chủ tịch. Các ông Huỳnh Văn Tiểng, Phùng Bảo Thạch làm Phó chủ tịch. Ông Lưu Quý Kỳ làm Tổng Thư ký.
Nhiệm kỳ Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam chứng kiến sự kiện lịch sử: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 07/7/1976 Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam hợp nhất, lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch; Các ông Tân Ðức và Huỳnh Văn Tiểng làm Phó Chủ tịch, ông Lưu Quý Kỳ làm Tổng Thư ký.
ĐẠI HỘI LẦN THỨ IV
Từ ngày 8-10/12/1983, Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 53 nhà báo, do ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch và 6 Phó Chủ tịch: Hồng Chương, Hồng Hà, Trần Lâm, Trần Công Mân, Thanh Nho, Ðào Tùng. Đại hội bầu Ban Thư ký do ông Ðào Tùng làm Tổng Thư ký. Từ tháng 1/1987, ông Hoàng Tùng xin thôi làm Chủ tịch Hội vì lý do bận công tác Trung ương, Hội nghị Ban chấp hành đã bầu ông Hồng Chương làm Chủ tịch Hội. Một sự kiện đáng chú ý của nhiệm kỳ này là tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định lấy ngày 21/6/ 1925, ngày ra số đầu của báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập làm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.
Hội nghị Ban Chấp hành OIJ tại Hà Nội tháng 7/1996. Ảnh: TL
ĐẠI HỘI LẦN THỨ V
Từ ngày 16-18/10/1989, tại Hà Nội đã diễn ra Ðại hội lần thứ V Hội Nhà báo Việt Nam. Đại hội thông qua nghị quyết Đại hội “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”, thông qua điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam sửa đổi. Theo Điều lệ mới sửa đổi, Ban Chấp hành Hội không có chức danh Chủ tịch mà chỉ có chức danh Tổng thư ký. Ðại hội V đã bầu Ban Chấp hành gồm 39 người do ông Phan Quang làm Tổng Thư ký; các ông: Trần Công Mân, Hồ Xuân Sơn làm Phó Tổng Thư ký. Cũng trong nhiệm kỳ này, ngày 28/12/1989, kỳ họp thứ 6 QH khóa VIII quyết định thông qua Luật báo chí.
ĐẠI HỘI LẦN THỨ VI
Từ ngày 08-09/3/1995, Ðại hội lần thứ VI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 35 Uỷ viên, do ông Phan Quang làm Chủ tịch; ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và ông Nguyễn Long Khởi làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam (Điều lệ mới của Hội khôi phục lại chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch). Điểm nhấn lớn nhất tại Đại hội này là thông qua bản Quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam. Cũng trong nhiệm kỳ này, Hội Nhà báo Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ).
ĐẠI HỘI LẦN THỨ VII
Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam họp trong 2 ngày 24- 25/3/2000 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành do ông Hồng Vinh làm Chủ tịch, ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, ông Ðinh Phong làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam. Sau Ðại hội, vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950- 21/4/2000), Hội đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tại Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2000), giới báo chí Việt Nam và Hội đã được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng trao bức trướng với dòng chữ vàng “Báo chí Cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam năm 2015. Ảnh: TL
ĐẠI HỘI LẦN THỨ VIII
Ðại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 11-13/8/2005 tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 43 uỷ viên. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 9 uỷ viên. Ông Ðinh Thế Huynh, được bầu làm Chủ tịch; ông Lê Quốc Trung, làm Phó Chủ tịch Thường trực; ông Phạm Quốc Toàn, làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam. Ðại hội đã quyết nghị thay “Quy ước về đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam” bằng “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”, sửa đổi Ðiều lệ và Chương trình Hành động đến năm 2010. Ngày 21-6-2010, tại Hà Nội, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng.
ĐẠI HỘI LẦN THỨ IX
Ðại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 10-12/8/2010 tại Hà Nội. Đại hội tiếp tục bầu ông Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Chủ tịch Hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tháng 1/2011, ông Đinh Thế Huynh được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, đảm nhận chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Do yêu cầu công tác, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2010-2015) ngày 27/3/2012, đã nhất trí để ông Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Chủ tịch và bầu ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân tiếp quản chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ông Hà Minh Huệ là Phó chủ tịch Thường trực. Các ông Mã Diệu Cương, Trần Gia Thái làm Phó chủ tịch, ông Phạm Quốc Toàn làm Phó chủ tịch phụ trách phía Nam.
Đồng chí Thuận Hữu phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 11 - khóa X
ĐẠI HỘI LẦN THỨ X
Từ 07-09/8/2015 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội có sự tham gia của 502 đại biểu, đại diện cho hơn 22.000 hội viên - nhà báo thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 Chi hội trực thuộc.
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, dành cho báo chí sự quan tâm sâu sắc, ủng hộ và tạo các điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển. Báo chí cách mạng đã thực sự xứng đáng là vũ khí tinh thần, vũ khí chính trị sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, sự đoàn kết, trí tuệ, nhất trí cao, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 57 đồng chí. ÔngThuận Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX, tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Hồ Quang Lợi giữ chức Phó Chủ tịch thường trực, ông Mai Đức Lộc làm Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Bé làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.
Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam thăm Sư đoàn 312. Ảnh: PV
B. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI X - HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM, NHIỆM KỲ 2015- 2020
I. Đánh giá chung
1. Thuận lợi
- Hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng, sự ủng hộ, tạo điều kiện của Nhà nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Luật Báo chí 2016 ban hành với nhiều điểm mới đã tạo điều kiện cho hoạt động báo chí thuận lợi, hiệu quả hơn, trong đó có Điều 8 đã luật hoá những quy định bắt buộc về tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
- Sự nghiệp đổi mới của đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực tạo điều kiện, cơ hội cho sự phát triển của báo chí và hoạt động của tổ chức Hội.
- Sự chỉ đạo, điều hành sát đúng của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam trong việc đề ra Chương trình công tác toàn khóa cũng như Kế hoạch hoạt động từng năm, lãnh đạo Cơ quan Trung ương Hội và các cấp Hội tổ chức thực hiện hiệu quả.
- Sự đồng thuận, ý thức trách nhiệm, niềm say mê nghề nghiệp ngày càng cao của đội ngũ người làm báo.
2. Khó khăn
- Sự bùng nổ thông tin qua phát triển mạng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của hoạt động báo chí.
- Do ngân sách còn hạn hẹp, nhiều Hội Nhà báo tỉnh, thành phố bị cắt giảm kinh phí, biên chế, các cơ quan báo chí hầu hết phải tự chủ thu chi nên hoạt động của các cấp Hội gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua.
- Việc cấp có thẩm quyền chưa phê chuẩn Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam đã được Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam thông qua gây nhiều khó khăn, trở ngại cho hoạt động của các cấp Hội.
- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chủ quản chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội Nhà báo hoạt động; Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, hội viên chưa cao, vẫn còn tình trạng hội viên, người làm báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo.
3. Đánh giá
Thực hiện Nghị quyết Đại hội X với 11 nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động của các cấp Hội trong nhiệm kỳ qua có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu; vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội ngày càng được nâng cao, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội, quy tụ, thu hút đông đảo các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước. Trong đó, nổi bật là tổ chức thành công Hội Báo toàn quốc năm 2016, 2017, 2018 và 2019; Triển khai thực hiện Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo các cấp; Rà soát tổ chức Hội và chất lượng đội ngũ hội viên thông qua đổi thẻ giai đoạn 2016-2021; Thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam; Ra mắt Cổng thông tin điện tử. Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các dơn vị, địa phương tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TƯ của Ban Bí thư “Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”, Thành công xuất sắc trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ), nhiệm kỳ 2015-2017. Những kết quả đạt được trong 5 năm qua góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, chức năng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần vào thành tích chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Hội thảo “Những yêu cầu đặt ra đối với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong môi trường số và quy hoạch báo chí”.
II. Kết quả cụ thể
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội X, Chương trình hoạt động toàn khóa và Chương trình công tác hàng năm, gắn với thực tiễn hoạt động Hội, qua đó kịp thời chỉ đạo sâu sát, quyết liệt phong trào của các các cấp Hội với phương châm hướng về cơ sở.
Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc giao cho Đảng Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TƯ của Ban Bí thư “Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”, trên cơ sở kết quả tổng kết, báo cáo trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam; Đảng Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 68-KH/ĐĐ ngày 15/8/2019 phối hợp với các cơ quan chức năng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành để chỉ đạo các cấp Hội thực hiện. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng khắp từ trung ương đến các địa phương, đơn vị, tiếp tục khẳng định và nâng cao vị trí, vai trò của Hội Nhà báo với tư cách là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp duy nhất của người làm báo Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, Đảng Đoàn trình Ban Bí thư cho phép Hội Nhà báo Việt Nam được giữ nguyên hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương xuống địa phương, hoạt động theo Điều lệ chung thống nhất đã được Chính phủ phê duyệt. Đối với một số địa phương có kế hoạch sáp nhập tổ chức Hội Nhà báo với tổ chức Hội khác, Đảng Đoàn đã gửi Công văn về Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị dừng lại chờ chỉ đạo cụ thể của Ban Bí thư.
Lãnh đạo Hội đã có nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các các cấp Hội tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức cho hội viên học tập và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí, công tác Hội. Hội đã ban hành Chương trình hành động và tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn Hội, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Thông báo số 248/TB-VPCP ngày 16/7/2019 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Sự chỉ đạo kịp thời đó đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong các cấp Hội, nhất là việc tổ chức các sự kiện lớn như Hội báo toàn quốc hàng năm, Giải báo chí quốc gia, Liên hoan Tiếng hát người làm báo, Giải bóng bàn toàn quốc Hội nhà báo Việt Nam.
Đoàn Thanh niên Hội Nhà báo Việt Nam tích cực hưởng ứng Giải giao hữu thể thao mở rộng
2. Bộ máy các cấp Hội được kiện toàn, số lượng hội viên tăng nhanh, chất lượng hoạt động Hội được nâng cao
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp Hội đã tăng cường công tác rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội, thông qua công tác đổi Thẻ hội viên và việc kết nạp hội viên mới hàng năm. Trước khi đổi Thẻ hội viên giai đoạn 2016-2021 có 24.297 hội viên, sau khi đổi thẻ còn 19.203 hội viên, giảm hơn 5.000 trường hợp không đủ điều kiện. Trong nhiệm kỳ đã thành lập 01 Liên Chi hội, 35 Chi hội trực thuộc Trung ương, sáp nhập 01 Liên Chi hội, 07 Chi hội trực thuộc Trung ương, Cùng với việc phát triển tổ chức Hội và hội viên, Hội đã tiến hành rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả. Trong nhiệm kỳ, Trung ương Hội quyết định giải thể 07 tổ chức Hội, khai trừ 07 trường hợp và xóa tên 1.274 hội viên.
Số người làm báo gia nhập Hội tăng nhanh, tính đến hết tháng 2/2020, Hội Nhà báo Việt Nam có 25.038 hội viên đang sinh hoạt tại 294 đơn vị cấp hội gồm 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội, 212 chi hội trực thuộc Trung ương. Trong nhiệm kỳ kết nạp 7.109 hội viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp hơn 1.400 hội viên.
Công tác quản lý hồ sơ, chặt chẽ, nghiêm túc nhằm hạn chế thấp nhất những sai sót, đặc biệt, trong công tác thẩm định xét kết nạp hội viên. Hội cũng đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hội viên, tạo thuận lợi trong việc kiểm tra, chuyển sinh hoạt của hội viên. Trong công tác thẩm định hồ sơ xét kết nạp hội viên mới phải có chữ ký xác nhận của cán bộ làm công tác kiểm tra, đây là điểm mới trong nhiệm kỳ này.
Đối với những hội viên là phóng viên thường trú các cơ quan báo chí tại địa phương. Ban Thường vụ Hội đã ban hành Quyết định số 979-QĐ/HNBVN ngày 16/4/2018 về chế độ sinh hoạt Hội, nhằm tăng cường công tác quản lý hội viên, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo.
3. Tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhà báo Việt Nam được Đảng đoàn và Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt quan tâm đặt lên hàng đầu. Trung ương Hội đã có nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các các cấp Hội tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức cho hội viên học tập và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước. Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động và tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn Hội, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Việc thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng tập thể Hội trong sạch, vững mạnh gắn liền với việc triển khai thực hiện tốt Luật báo chí 2016, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, thực hiện chế độ sinh hoạt đối với hội viên là phóng viên các cơ quan báo chí thường trú tại địa phương được các cấp Hội bám sát và thực hiện đầy đủ.
Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia năm 2018
4. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ
Trong nhiệm kỳ qua, công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ luôn được Trung ương Hội và các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, tổ chức nhiều hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ có hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực. Hội Nhà báo Việt Nam trong 5 năm qua tổ chức gần 40 các cuộc tọa đàm, hội thảo quốc gia, quốc tế, tăng gần gấp 2 lần so với nhiệm kỳ trước. Giải Báo chí Quốc gia ngày càng có quy mô lớn, thu hút được nhiều tác phẩm báo chí tiêu biểu thuộc tất cả các loại hình báo chí tham gia. Hàng năm, việc tổ chức Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia đều được tổ chức thành công tốt đẹp vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), có sức lan tỏa sâu rộng, uy tín của Giải ngày càng được khẳng định và nâng cao. Bên cạnh Giải Báo chí Quốc gia, Hội còn phối hợp và tham gia với các ban, bộ, ngành trung ương tổ chức thành công nhiều giải báo chí chuyên ngành của Hội Nhà báo Việt Nam và các giải báo chí liên ngành khác. Thực hiện Đề án hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, Trung ương Hội đã đôn đốc, thu nhận và thẩm định hàng vạn tác phẩm báo chí chất lượng cao hàng năm của trung ương và địa phương.
Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội luôn được chú trọng, trong 5 năm (2015 -2020), Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội tổ chức được 539 lớp học cho 15.394 học viên với nhiều loại hình đào tạo.
5. Động viên, khen thưởng, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhà báo
Hội Nhà báo Việt Nam tập trung tiến hành đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chấp hành Điều lệ Hội, thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, tổ chức nhiều đợt giám sát tại các Liên chi hội, chi hội trực thuộc Trung ương Hội và một số Hội Nhà báo ở các địa phương, góp phần thắt chặt nền nếp, kỷ cương, nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, hoạt động kiểm tra các cấp của Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp nhận hơn 5.000 đơn thư liên quan đến nhà báo, hội viên. Hơn 90% đơn thư nói trên được nghiên cứu, phân loại và xử lý, vụ việc tồn đọng hoặc chậm xử lý không có. Trong đó có hơn 800 đơn thư liên quan đến các vấn đề về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; 200 đơn thư liên quan đến hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp; 285 đơn thư khiếu kiện về thông tin trên báo chí không chính xác đã chuyển đơn và ý kiến tới lãnh đạo đơn vị để xem xét, kiểm tra và làm rõ những nội dung nêu trong đơn thư để trả lời cho đương sự. Ngoài ra, hơn 560 đơn thư về các vụ việc không thuộc chức năng của Hội Nhà báo Việt Nam, đã được chuyển tới các cơ quan chức năng để xử lý theo thẩm quyền.
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã chỉ đạo Ban Kiểm tra và các đơn vị chức năng của Hội thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật các cấp, chủ động và kịp thời can thiệp, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên - nhà báo, kiên quyết đấu tranh và lên án các hành vi sai trái cản trở các nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Công tác kiểm tra của các cấp Hội có những chuyển biến tích cực, được coi trọng và đi vào chiều sâu. Tổ chức bộ máy làm công tác kiểm tra được củng cố, hoạt động chủ động hơn.
Công tác thi đua khen thưởng được các cấp Hội quan tâm, đi vào nền nếp. Quy chế thi đua, khen thưởng của Hội được bổ sung, chỉnh sửa kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, theo hướng khen thưởng thực chất, đúng người, đúng việc. Các cấp Hội xây dựng các cơ chế, chính sách để động viên, khen thưởng xứng đáng các đơn vị cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, đặc biệt lưu ý những tập thể, cá nhân trực tiếp hoạt động ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hàng năm, vào dịp tháng 4, Trung ương Hội tổ chức trao thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc tại Hội nghị tổng kết hoạt động Hội và công tác thi đua, khen thưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai mạc Hội Báo toàn quốc 2019
6. Tổ chức Hội Báo toàn quốc
Đây là nhiệm vụ mới trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Thường vụ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp Hội và hội viên, sau 4 năm tổ chức, Hội Báo toàn quốc đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất của giới báo chí Việt Nam trong năm, là ngày hội lớn của giới báo chí và công chúng cả nước.
Hội Báo toàn quốc hàng năm được đón các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, của một số doanh nghiệp và đặc biệt là của UBND Thành phố Hà Nội.
Hội Báo toàn quốc hàng năm đã thu hút sự tham gia của hàng trăm cơ quan báo chí với các gian trưng bày của các Liên chi hội, chi hội ở Trung ương; cơ sở đào tạo báo chí; các công ty kinh doanh thiết bị làm báo cùng với các gian trưng bày của Hội nhà báo tỉnh, thành phố và Cụm thi đua. Chính vì vậy, điểm ấn tượng mà các gian trưng bày trong Hội Báo toàn quốc đem đến chính là sự hấp dẫn, sự tương tác, đa phương tiện được hội tụ trong một không gian tuy không lớn nhưng đầy sức sáng tạo.
Bên cạnh việc quảng bá hình ảnh của báo chí trong giai đoạn hiện nay, Hội Báo toàn quốc còn là nơi giao lưu, để những người làm báo trao đổi nghề nghiệp hữu ích. Các hoạt động bề nổi, sôi động được khéo léo bố trí xen kẽ với các hoạt động có tính chiều sâu nghiệp vụ đã tạo nên một không gian vừa mang tính lễ hội vừa mang đậm tính nghề nghiệp của người làm báo, tạo nên sức hút đặc biệt với công chúng đến với Hội Báo toàn quốc hàng năm.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam sắp ra mắt
7. Ra mắt Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Ngày 21/8/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Sau một thời gian chuẩn bị và đáp ứng các điều kiện của luật định, ngày 28/7/2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập số 1118/QĐ-TTg. Ngày 16/8/2017, Lễ Công bố Quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được tổ chức thành công tốt đẹp.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức 13 Lễ hiến tặng và tiếp nhận hiện vật cho Bảo tàng báo chí Việt Nam tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Tây Nguyên và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị. Hiện Hội đang tiếp tục hoàn thiện 3 dự án thành phần của Đề án Xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, gồm: Dự án trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam; Dự án sưu tầm và Dự án nhân sự.
Sau gần 6 năm triển khai Đề án Xây dựng Bảo tàng, sau 33 tháng thành lập, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Đến hết Quý I.2020, Bảo tàng đã sưu tầm được trên 25.000 hiện vật, tài liệu liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam; hoàn thành việc thiết kế, thi công Hệ thống trưng bày thường xuyên. Công trình dự kiến sẽ tổ chức Lễ khánh thành và mở cửa đón khách tham quan vào dịp Kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam 21/4/2020; tuy nhiên, vì tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, Hệ thống trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ lùi thời điểm dự kiến tổ chức khánh thành và mở cửa đón khách tham quan vào tháng 6.2020.
Tặng quà tri ân các thương binh, gia đình liệt sỹ tại Thanh Hoá
8. Các cơ quan báo chí, truyền thông của Hội
Trung ương Hội hiện có 03 cơ quan truyền thông báo chí: Báo Nhà báo và Công luận, Tạp chí Người làm báo và Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam. Trong 5 năm qua, Báo Nhà báo và Công luận và Tạp chí Người làm báo tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, bám sát tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao, truyền tải các thông tin chính thống về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; phản ánh kịp thời các hoạt động của các cấp Hội Nhà báo trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; tích cực tham gia các sự kiện lớn của Trung ương Hội. Cơ quan Báo và Tạp chí đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, kiện toàn và ổn định bộ máy tổ chức hoạt động đi vào nền nếp, hiệu quả; không ngừng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, giữ vững tôn chỉ mục đích, xuất bản đúng kỳ hạn, tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, hội thảo, tọa đàm, hoạt động xã hội, từ thiện. Đời sống của cán bộ, nhân viên từng bước được cải thiện.
Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập năm 2017, đến nay đã cùng với Báo Nhà báo và Công luận, Tạp chí Người làm báo tăng cường thông tin tuyên truyền, góp phần định hướng hoạt động của giới báo chí cả nước; khích lệ, động viên hội viên chấp hành pháp luật. Đây cũng là các diễn đàn tin cậy, bổ ích cho nhà báo, hội viên vì một nền báo chí dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.
Mặt khác, với lợi thế Hội Nhà báo Việt Nam có hơn 25.000 hội viên khắp cả nước, các cơ quan báo chí truyền thông của Hội Nhà báo Việt Nam còn có vai trò quan trọng là vừa góp phần thực hiện chức năng báo chí giám sát xã hội, vừa giám sát chính bản thân hoạt động của giới báo chí, thêm một kênh thông tin quan trọng trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...
Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã làm tốt công tác vận hành phần mềm giám sát gỡ bài, sửa bài của các báo điện tử, trang tin điện tử, thực hiện chức năng tham gia giám sát việc tuân thủ pháp luật về báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam, được các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và bạn đọc đánh giá cao. Trong năm 2018, 2019 số lượng bài sửa, bài gỡ của các báo điện tử, trang tin điện tử ngày càng giảm mạnh.
Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam thăm và làm việc tại Thái Lan
9. Hoạt động đối ngoại
Từ năm 2015 đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động đối ngoại trong và ngoài kế hoạch thu được nhiều kết quả tích cực trong công tác tăng cường thông tin, giao lưu báo chí giữa Việt Nam và quốc tế, phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đảm nhận chức vụ Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) từ cuối năm 2015, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được giới báo chí và tổ chức Hội trong cả nước cũng như khu vực đánh giá cao. Quan hệ hợp tác với các đối tác truyên thống như Hàn Quốc, Lào, Thái Lan... được tăng cường, đẩy mạnh. Ngoài ra, Hội đã mở rộng thiết lập quan hệ hợp tác với Hội Nhà báo Cuba và Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Thụy Sỹ và Liechtenstein. Đặc biệt, năm 2017 ghi dấu sự phát triển trong quan hệ song phương giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo toàn Trung Quốc, trao đổi văn kiện Thỏa thuận giao lưu và hợp tác báo chí giữa hai Hội dưới sự chứng kiến của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhìn một cách tổng thể, công tác đối ngoại của Hội Nhà báo Việt Nam trong những năm qua dù còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về ngân sách và nhân sự chuyên trách, nhưng Hội Nhà báo Việt Nam luôn tích cực trong việc tìm kiếm và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các tổ chức báo chí trong khu vực và trên thế giới; chú trọng mở rộng các hoạt động đối ngoại song phương.
Các đại biểu cắt băng khánh thành đường vào khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.
10. Khánh thành con đường vào Khu di tích lịch sử của Hội Nhà báo Việt Nam
Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Thường trực Thường vụ Hội, sự ủng hộ của Tỉnh Thái Nguyên, sự đồng hành và tài trợ của Tập đoàn Đèo Cả, năm 2018, Văn phòng cùng các ban, đơn vị Cơ quan Trung ương Hội đã tiến hành xây dựng con đường vào Khu di tích lịch sử của Hội Nhà báo Việt Nam tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Có thể khẳng định, sự kiện xây dựng con đường vào Khu di tích lịch sử của Hội Nhà báo Việt Nam tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và sự kiện tổ chức trưng bày và đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia, Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là những sự kiện có ý nghĩa hết sức lớn lao, mang tính lịch sử, thể hiện sự quyết tâm vào cuộc và quyết tâm hoàn thành trọng trách lớn lao của lãnh đạo Hội, ghi dấu mốc quan trọng trong hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Đồng chí Mai Đức Lộc trao quà cho đại diện Trường PTDTBT & TH Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái
11. Các hoạt động văn hóa, thể thao, từ thiện xã hội
Hoạt động văn hóa, thể thao, an sinh xã hội của tổ chức Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí là hoạt động thường xuyên, hiệu quả, tạo thành phong trào sôi nổi, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, thể hiện nét đẹp nhân văn của người làm báo Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Hội.
Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật, tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tri ân những anh hùng thương binh liệt sĩ, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của giới báo chí. Các sự kiện giao lưu nghệ thuật hàng năm như: Chương trình “Người là niềm tin tất thắng”; “Tự hào Tổ quốc Việt Nam ”; “Tổ quốc nơi đầu sóng”; “Bản hùng ca bất tử”; “Đất nước tình yêu”…đã có sức lan toả mạnh trong sư luận xã hội.
Tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, từ nhiều năm qua, hoạt động từ thiện của các cấp Hội tiếp tục đạt kết quả tốt với những việc làm thiết thực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Các đơn vị Cơ quan Trung ương Hội và các tổ chức cấp Hội Nhà báo đã tổ chức nhiều chuyến thăm và tặng quà cho thân nhân, gia đình các hội viên, nhà báo thương binh, liệt sỹ; xây dựng nhà tình nghĩa và tặng quà cho các hộ nghèo tại các tỉnh, thành phố, với tổng số tiền huy động quyên góp từ các nhà hảo tâm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Một số sự kiện như: Diễn đàn “Xoá đói giảm nghèo phát triển bền vững”; Chương trình “Trái tim biển đảo”; “Báo chí, Doanh nghiệp đồng hành hội nhập kinh tế quốc tế”; “Báo chí, Doanh nghiệp đồng hành cùng APEC”, “Mùa xuân của em”…đã đạt hiệu quả tốt, được dư luận đánh giá cao. Năm 2019, Chương trình “Mùa xuân của em” đã trao hơn 1 tỷ đồng tiền mặt cùng nhiều phần quà cho 398 học sinh tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cà Mau. Năm 2020, chương trình đã vận động xây dựng 02 phòng học tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá trị giá gần 600 triệu đồng và trao trực tiếp gần 400 triệu đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang.
Trong những năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Thành phố Hà Nội và các Sở, Ban, ngành chức năng của Thành phố tổ chức thành công Giải bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam sau sáu năm gián đoạn. Phối hợp với các đơn vị truyền thông tổ chức thành công cuộc thi Tiếng hát người làm báo mở rộng, thu hút đông đảo các nhà báo, hội viên trong cả nước tham gia.
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác hội năm 2019. Ảnh: TL
C. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2020
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tập trung tâm triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức đại hội nhiệm kỳ các cấp Hội, hướng tới Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025; Đại hội thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2015-2020; Khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam… Các sự kiện, hoạt động đã được Ban Thường vụ Hội xây dựng Kế hoạch gửi các cấp Hội, các cơ quan báo chí để triển khai thực hiện nhưng do hiện nay tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường nên Hội Nhà báo Việt Nam đã điều chỉnh thời gian cho phù hợp với tình hình thực tế.
1. Đại hội nhiệm kỳ các cấp Hội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Thực hiện kế hoạch công tác tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, Trung ương Hội đã ban hành các Hướng dẫn và Kế hoạch tổ chức đại hội các cấp. Thường trực Thường vụ Hội thường xuyên chỉ đạo các tiểu ban Văn kiện, Nhân sự, Sửa đổi điều lệ, Hậu cần khẩn trương triển khai công việc được giao, hoàn thành dự thảo Báo cáo chính trị, dự thảo Điều lệ Hội, công tác tài chính… theo đúng kế hoạch đã duyệt để gửi các cấp Hội tham gia đóng góp ý kiến.
2. Tổ chức Đại hội thi đua toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam.
3. Kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam; Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, kết hợp với Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV-năm 2020.
4. Khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
5. Phối hợp với Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025.
6. Phối hợp với Thành phố Hà Nội tổ chức Giải bóng bàn cúp Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XIV, dự kiến tháng 9/2020.
7. Tổ chức Liên hoan toàn quốc Tiếng hát người làm báo Việt Nam lần thứ VII, dự kiến quý IV/2020.
8. Triển khai kế hoạch công tác đối ngoại năm 2020 của Hội Nhà báo Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
9. Tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp hội viên – nhà báo của các cấp Hội Nhà báo.
10. Tăng cường công tác tuyên truyền về việc thực hiện 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc đối với hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội.
11. Tăng cường công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương.
12. Phối hợp tổ chức các giải báo chí năm 2020: Giải báo chí phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Giải báo chí phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Giải báo chí phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số bộ, ban ngành khác...
Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. 70 năm qua, đội ngũ những người làm báo Cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, không ngừng bồi đắp truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Vai trò, vị thế của Hội nhà báo Việt Nam trong đời sống xã hội tiếp tục được nâng cao. Hội Nhà báo Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng.
Những năm qua, đội ngũ những người làm báo cả nước đã tích cực tuyên truyền những thành tựu to lớn, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đất nước trong công cuộc đổi mới, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; đấu tranh chống các âm mưu, hành động, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đặc biệt báo chí đã tham gia rất hiệu quả vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Trong thời gian tới, để xây dựng đội ngũ những người làm báo Việt Nam ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng, Hội sẽ tăng cường công tác giáo dục, thực hiện tốt Luật Báo chí, các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, nâng cao bản lĩnh chính trí, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho hội viên. Xây dựng hệ thống tổ chức Hội nhà báo Việt Nam thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương hoạt động theo Điều lệ chung. Các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo. Quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, của người làm báo. Mỗi cấp hội, mỗi hội viên Hội nhà báo Việt Nam cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của người làm báo cách mạng, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân./.