Huyện Nhà Bè - TP.HCM: Đủ điều kiện tách thửa nhưng chính quyền không giải quyết

Thảo Huyền

Mặc dù thửa đất đủ điều kiện để tách thửa theo quy định, thế nhưng thời gian qua, bà Tâm và các đồng sở hữu phải đi cầu cứu khắp nơi để đòi quyền lợi hợp pháp cho mình. Ban Tiếp Công dân Trung ương, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM nhiều lần có công văn yêu cầu giải quyết nhưng đến nay vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Không duyệt tách thửa vì phần đường đi chung đã mang đi cầm cố

Bà Nguyễn Thanh Tâm (ngụ tại 1436B Phạm Thế Hiển, P.5, Q.8, TP.HCM) cho biết, thời gian qua, bà và các đồng sở hữu (gọi tắt là bà Tâm-PV) đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại và thiệt hại do sự xử lý bất hợp lý của UBND huyện Nhà Bè trong quá trình giải quyết hồ sơ tách thửa đất số 328, tờ bản đồ (TBĐ) số 80, thuộc ấp 4, khu dân cư (KDC) Nam Sài Gòn Riverside, đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Theo bà Tâm, sau khi hoàn thành việc chuyển mục đích và nghĩa vụ tài chính đối với 504,6m2 đất ở thuộc thửa đất số 328, TBĐ số 80; tháng 6/2019, bà Tâm đã làm đơn gửi UBND Nhà Bè xin tách thửa đất nêu trên. Hồ sơ tách thửa hoàn toàn đúng quy định và đảm bảo đầy đủ các điều kiện tại QĐ số 60/2017/QĐ-UBND của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, sau khi nhận đơn, đến ngày 11/7/2019 UBND Nhà Bè đã có văn bản số 477/TNMT với nội dung thông báo “tạm thời chưa xem xét, giải quyết” hồ sơ tách thửa đất nêu trên.

Lý do tạm dừng được văn bản này nêu ra là: Vị trí tiếp giáp hẻm nhựa ra đường Lê Văn Lương này đã được UBND Nhà Bè tiếp nhận, quản lý các hạng mục hạ tầng kỹ thuật… Vị trí tách thửa nêu trên phải đi qua thửa đất số 429, tờ bản đồ số 83 và thửa đất số 327, tờ bản đồ số 80 thuộc địa bàn xã Nhơn Đức để kết nối với đường Lê Văn Lương. Hai thửa đất này nằm trong phương án tổng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã được UBND Nhà Bè chấp thuận.

Tìm hiểu được biết, chủ sử dụng 2 thửa đất này là ông Phan Đình Chiến và bà Lê Ngọc Thạch (địa chỉ 4/28 ấp 2, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) đã có đơn xin hiến đất làm đường và có xác nhận của UBND xã Nhơn Đức vào ngày ngày 4/10/2013 và 28/10/2013. Tuy nhiên, ngày 30/12/2013, ông Chiến và bà Thạch đã thế chấp 2 thửa đất này tại Agribank Chi nhánh Phước Kiển (Phòng giao dịch Thanh Niên). Mặt khác, hiện nay TAND Nhà Bè đang thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tiền” có liên quan đến thửa đất số 429, tờ bản đồ số 83 và thửa đất số 327 tờ bản đồ số 80 giữa ông Nguyễn Ngọc Hiếu với ông Chiến và bà Thạch.

Cũng theo bà Tâm, thửa đất của bà đã được Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Nhà Bè duyệt bản vẽ tách 03 thửa vì phù hợp và đủ điều kiện về tách thửa (có hạ tầng đã được tiếp nhận, chiều ngang mỗi thửa trên 6m, diện tích mỗi thửa xin tách đều lớn hơn diện tích tối thiểu để tách thửa theo quy định...). Ngoài ra, thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tranh chấp và không có hạn chế hay tranh chấp với bất động sản liền kề. Đặc biệt, khu đất xin tách thửa có chiều ngang tiếp giáp với đường nhựa 6m nội khu (đường số 6).

Văn bản UBND Nhà Bè cho thực hiện hạ tầng năm 2013 nhưng không thu sổ để giảm biến động do làm đường theo quy định

Bà Tâm cũng cho hay, qua xem xét các quy định về tách thửa hiện hành và tại thời điểm UBND Nhà Bè phê duyệt cho thực hiện hạ tầng tại khu dân cư Nam Sài Gòn Riverside thì có nhiều lý do chưa phù hợp và đúng quy định của UBND TP.HCM mà cái cần phải nhắc đến ở đây là ngày 14/10/2013, UBND Nhà Bè đã có Quyết định 1863/UBND-QLĐT do Phòng Quản lý đô thị Nhà Bè tham mưu Chủ tịch UBND Nhà Bè chấp thuận cho làm hạ tầng của cả khu dân cư này thì tại sao không thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 2 thửa đất ở 2 đầu cổng để lấy diện tích đất biến động làm đường.

Theo quy định của UBND TP.HCM tại các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 54/2012/QĐ-UBND ngày 03/12/2012 về tách thửa, thì khi phê duyệt thực hiện hạ tầng, UBND quận/huyện phải yêu cầu các hộ dân có thửa đất thi công làm đường có đơn xin hiến đất làm đường và nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho UBND Quận/huyện (thông qua Phòng Quản lý đô thị và Phòng TN-MT) để giảm biến động phần diện tích đã có đơn xin hiến đất làm đường. Vậy ở đây trách nhiệm để xảy ra sai sót này thuộc ai?

Tìm hiểu thêm về việc ông Phan Đình Chiến và bà Lê Ngọc Thạch đem đất đi cắm ký, giao dịch thì tại công văn số 266/NHNNPTNT-TH ngày 20/12/2019 của Agribank Chi nhánh Phước Kiển xác định ông Phan Đình Chiến đã tất toán nợ vay và giải chấp 2 thửa đất ở 2 đầu cổng nêu trên vào ngày 30/9/2019. Do đó, lý do không giải quyết tách thửa cho bà Tâm và các đồng sử dụng vì 2 thửa đất đã thế chấp ngân hàng, không thể giao nộp được cho UBND Nhà Bè thực hiện biến động làm đường theo công văn số 477/TNMT đến thời điểm ngày 30/9/2019 đã hết hiệu lực là không có căn cứ. Tại sao UBND Nhà Bè không tiến hành thu giữ giấy chứng nhận mang tên vợ chồng ông Chiến theo Thông báo số 482/TNMT ngày 15/7/2019 để thu hồi phần đất đã hiến để làm đường giao thông từ năm 2013?

Theo Điều 275 Bộ Luật dân sự quy định, đối với quyền về lối đi qua bất động sản liền kề thì người dân được bảo đảm quyền qua bất động sản liền kề (đường đi) vậy thì tại sao UBND Nhà Bè lại dùng phần đường đi để hạn chế quyền sử dụng bất động sản của bà Tâm và các đồng sử dụng khác

Văn bản UBND Nhà Bè tiếp nhận hạ tầng năm 2013

Nhất bên trọng, nhất bên khinh

Chia sẻ thêm về tình trạng khó xử của mình, bà Tâm cho biết thêm: Trong khi tôi chưa được xem xét, giải quyết cho tách thửa thì chủ sử dụng thửa đất số 329, cùng tờ bản đồ số 80 (sát bên cạnh thửa đất 328) làm thủ tục xin tách thửa vào tháng 12/2018 và đến ngày 19/2/2019 đã được UBND huyện Nhà Bè giải quyết cho tách thành 6 thửa đất (số 329, 383, 384, 385, 386, 387). Ngoài ra, thửa đất số 359 cùng tờ bản đồ số 80 cũng đã được giải quyết cho tách thành 3 thửa (thửa số 382 và 2 thửa đất liền kề).

Chấp thuận cho thửa 329 cùng TBĐ số 80 được tách

“Nếu cho rằng phần đất của tôi có tranh chấp liên quan đến thửa đất ở 2 đầu cổng để chưa giải quyết cho tách thửa 328 thì tại sao cùng tình trạng trên thửa đất liền kề mang số 329 lại được tách thửa? Liệu đây có phải là việc làm có dấu hiệu thiếu khách quan, theo kiểu “thích thì cho, không thích thì thôi” của UBND huyện Nhà Bè?” – Bà Tâm đưa ra câu hỏi.

Hiện trạng thửa 329 được tách thành 06 thửa (cắm cọc), thửa 328 kế bên không được giải quyết trong khi điều kiện như nhau

Trong các tài liệu do bà Tâm thu thập được còn cho thấy, trước đó vào năm 2018, UBND huyện Nhà Bè đã giải quyết cho tách nhiều thửa đất trong cùng khu dân cư mà không hề gặp khó khăn, trở ngại nào như thửa 359, cùng tờ bản đồ số 80 với diện tích 401,5 m2, thửa 354 cùng tờ bản đồ số 80 với diện tích 521,2 m2.

Mặt khác, cũng theo bà Tâm, văn bản số 477/TNMT là văn bản có giá trị pháp lý duy nhất để giải quyết hồ sơ tách thửa đất số 328 tờ bản đồ số 80 cho đến thời điểm hiện nay, nhưng lại không đúng về thẩm quyền giải quyết, vì chỉ có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện được Chủ tịch UBND TP.HCM phân công, uỷ quyền được thực hiện một số công việc của Chủ tịch UBND TP.HCM mới có quyền giải quyết theo Đề án ủy quyền cho các sở, ngành, UBND quận, huyện của UBND TP.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, vào thời điểm giải quyết hồ sơ tách thửa của bà Tâm (tháng 7/2019) thì UBND Nhà Bè chỉ có ông Võ Thành Khả là Phó Chủ tịch và được phân công phụ trách mảng Tài nguyên – Đô thị có thẩm quyền ký ban hành kết quả giải quyết các vấn đề liên quan đến tách thửa đất ở. Do đó, việc ông Lê Văn Hiền, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Nhà Bè ký trả lời việc giải quyết nội dung tách thửa đất cho bà Tâm liệu có đúng thẩm quyền.

Bức xúc trước việc làm khó của UBND huyện Nhà Bè, bà Tâm và các đồng sở hữu đã gửi đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng. Sau khi nhận đơn của bà Tâm, Ban Tiếp Công dân Trung ương đã có đến 2 văn bản (văn bản số 188/BTCDTW ngày 14/11/2019 và văn bản số 188/BTCDTW ngày 06/2/2020) đề nghị Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè “tiếp nhận nội dung đơn kiến nghị trên, sớm giải quyết, trả lời cho công dân và thông báo kết quả cho Ban Tiếp Công dân Trung ương”. Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM cũng có văn bản chuyển đến UBND TP.HCM đề nghị xem xét giải quyết… Nhưng đến nay, UBND huyện Nhà Bè vẫn không giải quyết.

Liên quan các nội dung này, PV đã nhiều lần liên hệ đến UBND huyện Nhà Bè, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi.

T.TÙNG – T.HUY