Không chỉ thịt lợn, nhiều mặt hàng thiết yếu cũng chịu áp lực tăng giá

Thảo Huyền

Từ nay tới cuối năm Âm lịch sắp tới, nhiều mặt hàng sẽ chịu áp lực tăng giá, tập trung vào thực phẩm, hàng tiêu dùng, dệt may, giày dép… Đặc biệt, thịt lợn vẫn có xu hướng tăng giá do dịch tả lợn châu phi.

Không chỉ thịt lợn, nhiều mặt hàng thiết yếu cũng chịu áp lực tăng giá

Tại cuộc họp tổng kết Tổ Điều hành thị trường trong nước năm 2019 ngày 27.12, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải - Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước khẳng định, từ nay đến Tết Âm lịch 2020 nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu hụt khoảng 200.000 tấn.

Thịt heo là mặt hàng chiếm đến 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bộ NN-PT-NT và Bộ Công Thương đánh giá, do có sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn nên giá cả có xu hướng tăng cao, đặc biệt là theo truyền thống của người Việt, Tết Âm lịch là phải phải gói bánh chưng bánh tét, làm giò chả, nấu món thịt kho hột vịt, thịt hầm măng ăn đầu năm… nên nhu cầu lại càng cao.

Trong năm 2019, giá thịt lợn có nhiều thay đổi mà biến động lớn bắt đầu từ tháng 9. Bước sang tháng 12, đặc biệt là từ giữa tháng tới nay, giá thịt lợn mỗi ngày một thay đổi theo chiều hướng tăng mạnh, có địa phương giá thịt lợn hơi đã lên đến 92.000-95.000 đồng/kg.

Nhiều mặt hàng khác cũng đối mặt với áp lực tăng giá. Trong đó xăng dầu là mặt hàng rất khó lường trước được do phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường thế giới nên phải theo dõi sát diễn biến, để từ đó có biện pháp bình ổn giá, tạo ra mặt bằng thị trường bình ổn, không để người dân chịu tác động nhiều từ giá xăng dầu, cước vận tải. Tiếp đến là nhóm hàng thực phẩm, may mặc, hàng tiêu dùng, dịch vụ ăn uống… thì tăng theo quy luật thị trường.

Hiện các bộ ngành liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ NN-PT-NT) đều đang theo dõi sát sao, tích cực về giá cả để điều tiết kịp thời.

Bên cạnh đó, có thể nói nhờ kinh tế tăng trưởng tốt, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng cao do năng lực sản xuất ngày càng cao, đặc biệt là việc ký kết các hiệp định thương mại của Chính phủ, do đó người dân có cơ hội mua các sản phẩm với giá rẻ hơn.

Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh, điểm quan trọng là các UBND tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, tài chính của tỉnh, sự biến động giá cả thực tế từ các địa phương để thực hiện chương trình bình ổn giá, tạo nguồn tài chính để hỗ trợ, phòng chống dịch, qua đó đánh giá, hỗ trợ kịp thời cho các hộ có thiệt hại để tái đàn, bù vào nguồn cung thiếu hụt.