Không công nghệ nào thay được hơi ấm của gia đình

Thảo Huyền

Các mối quan hệ trong gia đình đang trở nên lỏng lẻo, nguội lạnh và thủ phạm chính là công nghệ, là chiếc điện thoại thông minh thường trực trên tay chúng ta.

Công nghệ đang sản sinh ra những “con nghiện” thực sự. Người lớn nghiện mạng xã hội, trẻ con nghiện trò chơi điện tử và các chương trình bao phủ khắp mọi phương tiện nghe nhìn hiện đại, tiện ích và thông minh.

Empty

Không công nghệ nào thay được hơi ấm của gia đình (Ảnh minh họa)

Đừng để sự cô đơn xâm chiếm gia đình

Ngay ở bữa tiệc hay sự kiện lớn, giờ đây cũng chỉ là sự tập hợp của đám đông rời rạc. Mỗi người mỗi chiếc điện thoại và họ có cả thế giới trong tay. Người ta ngồi bên nhau, thay vì trò chuyện, họ cúi đầu, dùng ngón tay chạm màn hình và bỏ rơi nhau. Ngay cả trong gia đình, mỗi người cài pass (mật khẩu) cho điện thoại, biến nó thành quyền cá nhân, thế giới riêng bất khả xâm phạm.

Sự cô đơn đang xâm chiếm chúng ta ngay cả những nơi ấm áp nhất là gia đình, bởi sự quá thông minh của điện thoại.

Ngay giữa bữa ăn, các thành viên gia đình cũng ít nói chuyện khi trên tay mỗi người một chiếc điện thoại, cúi đầu và lướt. Người lớn thì giao tiếp, chia sẻ với những người xa lạ trên mạng, thậm chí thương vay khóc mướn trong khi thờ ơ với người bên cạnh.

Trẻ con thì mải mê với thế giới game. Các thành viên gia đình thấy mối quan tâm thế là đủ, không cần phải nói chuyện với nhau nữa. Cứ thế chuyện diễn ra ngày này qua tháng khác.

Nghiện công nghệ không hề là chuyện cường điệu. Nó ghê hơn cả nghiện cờ bạc và một số tệ nạn khác. Ở TP. HCM cách đây mấy năm đã xuất hiện các cơ sở chữa nghiện game và hiện nay là chữa nghiện facebook. Đây là những căn bệnh thời đại cực kỳ đáng báo động.

Trên Facebook của mình, anh Trần Thanh Minh, một nhà giáo viết đoạn tâm sự như kêu cứu: “Đến bữa ăn gia đình cũng diễn ra trong im lặng. Đi du lịch cùng gia đình, vợ tôi cũng ôm điện thoại suốt ngày. Cô ấy đi nước ngoài mang theo đạo cụ, cả đống quần áo, đủ loại son phấn cũng chỉ phục vụ chụp ảnh nuôi facebook. Tối về lựa chọn ảnh, đếm like, trả lời comment, rồi buồn, rồi vui, rồi tức giận thất thường. Về nhà, đến chuyện ăn, ngủ, trang điểm cũng chụp ảnh đưa lên facebook. Hết chuyện thì đưa ảnh các con, cha mẹ, ông bà, lễ cưới, đám giỗ, chuyện bao đời của tông ti họ hàng cũng lên sóng hết. Tất cả mối quan tâm của vợ tôi giờ xoay quanh facebook. Công nghệ đã làm cho gia đình tôi trước nguy cơ chết lâm sàng... Thực sự là bất lực. Thực sự là báo động. Ai có cách, chỉ giúp, cứu gia đình tôi”.

Trong cuộc khảo sát một nhóm sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM khi thực hiện đề tài “Giới trẻ sống ảo và hệ lụy”, đã đặt câu hỏi: “Một ngày bạn sử dụng điện thoại bao nhiêu tiếng đồng hồ”. Cuộc phỏng vấn nhằm vào 50 học sinh thuộc một trường THPT ở TP HCM. Kết quả: 75% học sinh lớp 12 thú nhận “chỉ khi ngủ, khi học bài ở lớp mới không sử dụng, còn lại là không thể rời nó được”.

Một giáo viên phụ trách Học kỳ Quân đội (chương trình học vào mùa hè nhằm rèn luyện các cậu ấm, cô chiêu vào khuôn khổ), chia sẻ: Nhiều em tham gia Học kỳ Quân đội là con nhà có điều kiện. Tất cả các phụ huynh khi cho con tham gia thường mong con rời xa điện thoại một thời gian để tham gia học các kỹ năng, sống thực tế hơn.

“Nhưng rất bất ngờ, để xa được điện thoại thật khó với các bạn. Có em còn cảm thấy rất khó khăn khi rơi vào tâm trạng bất an, lo lắng, bồn chồn khi để điện thoại xa mình”, vị này cho biết.

Kết nối toàn cầu, nhưng ngắt kết nối với người bên cạnh

Empty

Sự phát triển của công nghệ, mạng 3G, 4G, wifi có mặt ở khắp nơi. Bất kỳ đâu người ta cũng kết nối. Điều này mang đến nhiều tiện ích cho công việc, học tập, nhưng nó đã đánh mất sự kết nối với người bên cạnh. Đây là thách thức với gia đình truyền thống coi việc nói chuyện, trao đổi, chia sẻ với nhau là nền tảng của sự kết nối, thấu hiểu và gắn kết bền vững. 

Nay thì bữa ăn vội vã, ai về phòng đó, đóng cửa sống chung với điện thoại. Người ta cô đơn ngay chính trong mái ấm mình.

Có quán cà phê nhận thấy sự lạnh nhạt trong các mối quan hệ ngay cả khi họ gọi thức uống để ngồi bên nhau nên đã ngắt wifi và đề dòng chữ treo ở chỗ trang trọng: “Ở đây không có wifi, hãy nói chuyện với nhau”.

Một giáo sư ở Hà Nội đã chia sẻ trên truyền hình rằng, không chịu nổi cảnh cô đơn ở bữa cơm cuối ngày đã đề ra quy định, về nhà ngắt 3G, ngắt wifi, tắt tivi và yêu cầu hãy nói chuyện, trao đổi với nhau. Rất may trong gia đình chưa ai kịp nghiện Facebook, game nên đã đồng ý quy định này của gia đình. Các thành viên gia đình này đều nhận thấy nguy cơ công nghệ làm cho nguội lạnh mái ấm nên rất hưởng ứng chủ trương của ông bố giáo sư và nhiệt liệt thực hiện!

Khi càng mê công nghệ người ta càng cô đơn. Cô đơn ngay trong nhà, trên giường ngủ của mình. Cần phải có một nghiên cứu thật sự về những rạn nứt gia đình khi nghiện công nghệ. Tuy nhiên, từ thực tế trong chính gia đình mình, có lẽ mọi người nên thức tỉnh nhau bằng khẩu hiệu “Về nhà hãy nói chuyện với nhau”.

Bỏ điện thoại xuống đi! Đã bao lâu rồi chúng ta không nói chuyện thật sự với nhau?

Tết này, hãy ở bên nhau, chia sẻ, thấu hiểu, tận hưởng hạnh phúc, tiếp nhận hơi ấm của gia đình, thay vì cầm điện thoại kết nối với những người xa lạ ở chân trời góc biển. Hãy cùng làm nóng ấm gia đình mình!