Lại xuất hiện lừa đảo qua điện thoại cố định đầy tinh vi

Biên tập viên

Ngày 3/10, Công an TP HCM phối hợp cùng huyện Hóc Môn và ngân hàng xác minh tài khoản nhận 1,3 tỷ đồng của bà Phan (55 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) để điều tra đường dây lừa đảo qua điện thoại.

Thủ đoạn lừa tinh vi qua điện thoai...?

Theo thông tin phản ảnh từ báo chí, trưa ngày ngày 1/10, điện thoại bàn nhà bà Phan có số +84(0)236113 của người đàn ông xưng tên Phạm Tuấn Anh, công tác tại Công an TP Đà Nẵng, thông báo bà Phan liên quan đường dây ma tuý xuyên quốc gia mà họ đang điều tra. Bà rất hoang mang, nhất là cách nói chuyện giống "hỏi cung" của ông ta, nên cung cấp tất cả thông tin về tài khoản, điện thoại... của mình.

Lại xuất hiện lừa đảo qua điện thoại cố định đầy tinh vi

Ít phút sau, cũng số điện thoại này gọi vào điện thoại di động của bà, nhưng là người phụ nữ xưng là Khương Thị Minh Hằng - Phó vụ trưởng Công tố viên làm việc tại VKSND Tối cao. Cô ta tiếp tục khẳng định bà Phan tham gia đường dây ma tuý nên mới có số tiền lớn trong tài khoản.

Trước tình huống như vậy, bà Phan kêu oan. "Nữ vụ trưởng" hạ giọng an ủi, yêu cầu "chuyển tiền vào tài khoản an toàn" để cơ quan điều tra xác minh nguồn gốc, nếu bà thật sự vô tội sẽ được trả lại. "Bà không được lộ điều này với ai, nếu không sẽ bị cho là đồng phạm, bị bắt đưa ra Đà Nẵng điều tra", cô ta nói.

Trong lúc hoảng loạn, vào chiều cùng ngày, bà Phan lén gia đình đến ngân hàng ở huyện Hóc Môn chuyển gần 1,3 tỷ đồng vào tài khoản Hằng cung cấp. Chờ mãi không thấy cơ quan điều tra gọi lại hay chuyển trả tiền, bà Phan biết bị lừa nên đến công an trình báo.

Về những vụ lừa đảo qua điện thoại, Công an TP HCM từng nhiều lần cảnh báo đến các tỉnh thành. Những băng nhóm do người nước ngoài cầm đầu, cấu kết một số người Việt giả là cảnh sát, cán bộ VKS gọi điện đến nhà dân hăm doạ dính líu đến tội phạm, yêu cầu chuyển tiền để xác minh rồi chiếm đoạt.

Theo đó, số điện thoại hiển thị đến người nghe thuộc Bộ Công an, VKS, công an các tỉnh thành... được chúng làm giả bằng công nghệ cao. Nạn nhân thường là những người lớn tuổi, ít tiếp xúc với các phương tiện thông tin nên thường sập bẫy những băng nhóm này.

Ý kiến của luật sư về tội danh này...?

Một số chuyên gia pháp lý bước đầu nhận định về hành vi của những đối tượng nêu trên nếu có đủ căn cứ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định, hướng dẫn tại Điều 174 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thu Hương

 

Thu Hương