Họ đi, vì họ yêu biển, yêu những con người ngày đêm bám trụ nơi đây. Làm báo trên biển đảo hình như đã thành sở trường của họ.
Chuyện về một “sói biển”
Tôi biết anh từ hồi anh còn là cộng tác viên của Báo Khánh Hòa và Báo Quân đội Nhân dân. Nguyễn Trọng Thiết là cái tên cha mẹ đặt cho anh, như gửi gắm một tình yêu bao la về biển, tình yêu đảo mà đứa con trai mình sẽ gánh trải. Sinh năm 1972 tại Hà Tĩnh, nhưng do công việc, năm 20 tuổi anh đã có mặt ở đất Khánh Hòa mặn mòi gió biển.
Mê đảo, mê biển, đã trở thành bản tính của anh. Hồi còn loanh quanh với vụng, với lựng của biển Khánh Hòa, anh đã luôn dõi mắt và dành sự suy tư của mình ra chốn ngoài khơi biển cả. Anh biết, nơi đấy là sóng gió, là đảo xa và những người Việt đang ngày đêm vượt lên khó khăn để giữ yên biển trời của tổ quốc.
Mê biển, anh bắt đầu nhặt nhạnh những chuyện trên biển để viết bài. Anh gửi cho Báo Khánh Hòa, rồi Báo Quân đội Nhân dân. Không biết do duyên nghiệp hay do năng khiếu mà bài anh đã luôn được biên tập viên của các báo để mắt tới. Tin bài được đăng tải đều đặn!
Ngày ấy, phương tiện đi biển, đi đảo cũng như trang thiết bị chưa được hiện đại như bây giờ. Để có một chuyến đi biển đảo, ra Trường Sa và Hoàng Sa bây giờ khó khăn lắm. Thời ấy, ra các đảo này chủ yếu là lính hải quân. Còn với dân sự, đặc biệt các nhà báo thì có mong cả đời được một lần cũng khó thành hiện thực.
Để có số liệu ở biển đảo giữa trùng dương, cứ có đợt nào mà tàu về, anh lại tìm đến chỉ huy và những người lính đã tham gia chuyến đi để chuyện trò. Anh lấy số liệu, chủ yếu về cuộc sống người lính, khó khăn và can trường của họ để viết.
Những bài này của anh đều được các báo ưu tiên sử dụng và đều đưa ra trang nhất cả. Từ bài vở cộng tác này, năm 1999, 27 tuổi xuân anh được báo Hải Quân tuyển lựa về làm phóng viên cho báo. Thế là đời anh gắn liền với các chuyến đi biển đảo, được sống với những đam mê của mình.
Anh nhớ nhất chuyến đi đầu tiên, sau khi vào báo Hải Quân được mấy tháng. Đây là chuyến đi đầu tiên của anh ra hầu khắp các đảo và kéo dài đúng 40 ngày. Ngày đầu đi biển, lại vào mùa gió chướng, say sóng, anh nôn thốc nôn tháo. Nhưng hễ mỗi khi tàu cặp bờ anh lại vào việc ngay. Chuyến đi dài ngày, ăn uống thời ấy kham khổ, về đất liền anh sụt đến 5kg nhưng bù lại là sự phong phú về đề tài để anh lao bút.
Giờ, có lẽ giữa duyên và nghiệp, vừa nghiệp báo và nghiệp lính nên Nguyễn Trọng Thiết hiện đang được mệnh danh là “sói biển”, là nhà báo đang đứng tốp đầu về kỷ lục số lần ra biển cũng như thời gian lưu trú trên biển và các đảo. 48 tuổi, hơn 20 lần ra Trường Sa và các đảo cận kề. Từ một nhà báo dân sự nay anh đã trở thành nhà báo của lực lượng quốc phòng.
“Sói biển” Nguyễn Trọng Thiết trong một lần tác nghiệp giữa trùng khơi.
Vì yêu biển, yêu nghề nên Nguyễn Trọng Thiết đi mãi. Để lại bờ vợ con, anh đi theo sự đam mê của mình. Đứa con anh, năm nay 16 tuổi nhưng luôn trong tình cảnh thiếu vắng bố. Từ khi cháu bi bô tập nói rồi cả khi đi học, nhưng mỗi lần điện thoại đến nhà, người ta luôn thấy cháu thường trực câu nói: Bố cháu đang đi biển.
Hỏi Thiết về cái nghiệp đi biển và làm báo của mình, không chút đắn đo, Thiết cho biết: Với mình Tổ quốc và biển cả còn thì gia đình còn. Mình yêu biển, yêu đảo cũng là yêu gia đình, yêu vợ con mình! Mình luôn khát khao ra biển, để đem thông tin ngoài ấy về đất liền. Với mong muốn góp một phần sức lực của mình vào chủ quyền biển đảo của đất nước thông qua ngòi bút của mình.
“Hội báo chí” của trùng khơi
Người ta bảo nhà báo luôn đồng nghĩa với sự đam mê, tìm tòi và khám phá. Và trong khám phá, đam mê và tìm tòi này thì biển đảo luôn là cái đích, cái sở thích để rất nhiều phóng viên, nhà báo tìm đến.
Sau mỗi lần đi biển, từ cuộc sống 3 cùng, thậm chí là 4 cùng với lính, với đảo, đã rất nhiều người trong họ liên kết, tụ hội và tự thành lập ra Hội báo chí của trùng khơi. Họ xin nhau địa chỉ email rồi liên tục cập nhật những thông tin về biển đảo, về Trường Sa và Hoàng Sa cùng những chuyến đi.
Bao giờ cũng vậy, liên tục có những thông tin như sắp tới tàu nọ, tàu kia ra đảo. Ngoài lính, vật dụng cung cấp cho đảo thì còn có món “rau ghém” là cho báo chí đi cùng. Rồi họ lại treo lên trong những hòm thư điện tử của mình những lời hẹn gặp cho một lần đi tiếp.
Là công dân Việt Nam thì ai cũng yêu tổ quốc, yêu biển đảo. Nhưng có lẽ trên những chuyến tàu ra biển yêu thương này thì giới báo chí đang được coi là người yêu biển nhất. Những tên tuổi, những hồ sơ đăng ký và chờ xếp lịch của giới báo chí ra đảo trong các năm cứ ngày một dày hơn.
Trong danh sách những nhà báo mê biển, Mạnh Hùng, hiện đang công tác tại Báo điện tử Đảng cộng sản cũng được mệnh danh là người hay thích ra đảo nhất. Lúc nào cũng vậy, cứ nghe tin có tàu ra đảo, cho phóng viên, nhà báo đi cùng là Hùng lại “lồng lộn” lên với những tin nhắn, những cuộc điện thoại để rủ rê. Làm cho những nhà báo, phóng viên yêu quý biển đảo cũng bứt rứt đến đứng ngồi không yên.
Sinh ra tại Chiến khu Cách mạng Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang, người thư sinh, gặp Hùng, khó ai có thể hình dung anh đi biển được. Nhưng vì yêu biển, yêu đảo anh đã đi, rất hăng hái. Hùng nhớ nhất năm 2010, lần đầu tiên Hùng đi biển, đúng vào mùa gió chướng. Biển gầm thét, lồng lộn, không quen, Hùng đã say sóng, trào mật xanh, mật đỏ. Chuyến đi dài ngày này, Hùng cũng sụt đi mất vài cân thịt.
Tưởng sau đợt ấy, anh sẽ không dám đi biển nữa. Nhưng lạ thay, anh vẫn hăng hái đi. Gặp, hỏi, Hùng bộc bạch: Đi biển, có say, có sợ đấy. Nhưng cứ về đất liền là lại nhớ anh em ngoài đấy. Thấy họ có nhiều thứ cần chia sẻ. Và với mình, người làm báo, chỉ biết chia sẻ họ bằng bài viết của mình. Thế nên cứ muốn đi, muốn đến, muốn viết về họ, về biển như một sự sẻ chia thôi.
Phóng viên nam yêu biển, đi biển đã đành một nhẽ. Vì chủ quyền thiêng liêng của biển đảo, phóng viên nữ tham gia những chuyến vượt trùng khơi này trong thời gian gần đây cũng ngày một tăng tiến. Trong các nhà báo, phóng viên nữ thích đảo, thích biển này, Thu Minh, Nhà báo, làm bên kênh VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam cũng là một trong những người đáng nể.
Tình yêu biển đảo thu hút và là niềm đam mê với cả phóng viên nữ.
Thân gái dặm trường, lại là biển cả nhưng Thu Minh cũng đã cố gắng với những cơ hội được ra biển đảo của mình. Chếnh choáng với những đợt sóng cùng những kiệm cằn trong sinh hoạt trên các tàu, nhưng khi tàu buông neo là Thu Minh bật lên bờ tác nghiệp ngay.
Hôm theo tàu HQ936 ra đảo tôi cũng đã gặp Minh. Dù mệt lử cho những chặng dài trên biển, dù thiếu thốn vật dụng tác nghiệp nhưng tận dụng mọi quỹ thời gian Thu Minh luôn lên lịch cho mình cũng như việc ghi hình các chiến sỹ trên đảo.
Trò chuyện Minh bảo, không biết mỗi người như thế nào nhưng em luôn có một tình yêu ra riết với đảo, với những chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió này. Vì vậy mỗi lần được ra đây, hầu như em luôn phải tận dụng hết những cơ hội để lấy thông tin về phục vụ các chương trình của mình, của đài trong đất liền.
Hẹn gặp lại biển đảo, hẹn gặp lại Trường Sa luôn là khẩu hiệu ngân lên và mong muốn với rất nhiều nhà báo!