Ngồi trong căn nhà cấp 4 khá nhỏ bé vừa được chính quyền và các đoàn thể thôn bản giúp đỡ lợp lại mái nhà gian ngoài, nhắc đến con chị Vi Thị Bình ở bản Minh Tiến, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) không giấu nổi tiếng thở dài, đôi mắt nhìn xa xăm ngân ngấn nước. Kể lại chuyện bản thân bị chính đồng hương bán sang bên kia biên giới làm vợ đàn ông Trung Quốc, chị không cầm được nước mắt cứ thế dàn dụa chảy.
Sinh năm 1975, sau cuộc hôn nhân không trọn vẹn, con trai lại mất vì tai nạn, chị Vi Thị Bình về sống cùng cha mẹ, sau đó tìm việc làm thêm ở huyện Nghĩa Đàn. Tại đây, chị Bình gặp một người tên Quỳnh, khoảng 35 tuổi, là người ở bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh. Mẹ của Quỳnh tên là Đài. Gặp chị Bình, Quỳnh đã thỏ thẻ kể rằng sang Trung Quốc “làm công ty”, nếu muốn đi thì Quỳnh sẽ dẫn đi. Chị Vi Thị Bình cho hay, đó là thời điểm năm 2009, Quỳnh lúc đó đã có 1 đứa con và đang mang thai đứa thứ 2. Tin lời ngon ngọt của Quỳnh, cùng với ước mơ kiếm được nhiều tiền, Vi Thị Bình đồng ý cùng Quỳnh vượt biên sang Trung Quốc.
Quỳnh đã đích thân dẫn Vi Thị Bình cùng một người tên Hiền ở bản Kẻ Bọn, người này là anh em con chú con bác với Quỳnh, đi theo đường tiểu ngạch vượt biên sang Quảng Đông, Trung Quốc. “Vừa sang đến nơi đã thấy có nhiều người đàn ông đến nhìn ngó, tôi không hiểu chi cả” – chị Bình nhớ lại. Sau đó, người phụ nữ tên Quỳnh thuyết phục chị Bình “hãy lấy một người đàn ông Trung Quốc làm chồng, có nhà chồng nuôi sẽ được sung sướng”. “Ban đầu cũng hốt hoảng, suốt 2 – 3 tháng cứ khóc vì sợ hãi lắm, muốn về nhưng không biết làm răng để về cả” – chị Bình kể.
Sau dần quen và được Quỳnh động viên, chị Bình đã đồng ý lấy người đàn ông tên Phú Xân làm chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Đến cuối năm 2010 thì chị Bình sinh con gái, 2 người thuê nhà trọ, người chồng Trung Quốc đi làm thuê cho các công ty xây dựng, còn chị Bình thì ở nhà nuôi con. Đến năm đứa con gái được 6 tuổi thì chồng đưa con về cho bà nội nuôi để con đi học. Chị Bình cùng người chồng Trung Quốc đi làm thuê và 2 năm sau chị Bình về Quỳ Châu cho đến nay. “Giờ con gái đã hơn 8 tuổi rồi, hai mẹ con chỉ biết liên lạc với nhau qua các cuộc gọi Zalo. Giờ nhớ con lắm, muốn sang thăm con, muốn lấy con bé về Việt Nam nuôi nhưng không sang được vì không có giấy tờ, không có tiền” – chị Vi Thị Bình tâm sự.
Ở cái tuổi đã lỡ dở, không có con cái ở bên, chị Bình mới nhận ra sự dại dột của mình, và cũng đã thấm thía rằng mình bị sập “bẫy” buôn người của chính đồng hương. Chị Vi Thị Bình quả quyết: “Bí mật này trước đây tôi vẫn giấu, kể cả công an có hỏi cũng không nói, vì lúc đó vẫn thường liên lạc với Quỳnh, sợ Quỳnh sẽ làm gì đó hại mình, nhưng bây giờ tôi quyết sẽ nói ra cho mọi người biết”.
Nói về cách “chui” sang bên kia biên giới, chị Bình cho biết, từ Quỳ Châu bắt xe ra Hà Nội, lên Móng Cái – Quảng Ninh, lại lên thuyền vượt sông, sau đó lên ô tô để đến bến xe Đông Hưng của Trung Quốc, tiếp đó bắt xe đến Tông Quản. “Thế chi phí có tốn kém không?”. “Không mất tiền vì Quỳnh dẫn đi”. “Người tên Hiền đi cùng chị năm đó bây giờ ở đâu?”. “Hắn chết rồi, chết vì bệnh xã hội”.
Không như chị Vi Thị Bình “được” người trực tiếp dẫn đi, nhiều người khác trên địa bàn Quỳ Châu khi muốn đi “chui” sang Trung Quốc làm thuê thì phải trả một khoản chi phí tùy theo đường dây mối lái. Có người mất khoảng 3 triệu đồng, nhưng cũng có người mất 6 triệu đồng để đến được “miền đất hứa” bên kia biên giới. Ví như trường hợp bà Vi Thị Huệ ở bản Tà Lành, xã Châu Hạnh. Bà Huệ cho hay: Năm 2018, thông qua giới thiệu của người quen, bà và một số người tự bắt xe đi ra Hà Nội để sang Trung Quốc làm thuê. “Chỉ cần đến Hà Nội là có xe đến đón để đưa sang bên kia. Khi đến được Lạng Sơn thì phải trả 1.000 nhân dân tệ tiền Trung Quốc, tương đương khoảng 3 triệu đồng tiền Việt” – bà Huệ kể.
“Dọc đường đi có nguy hiểm gì không?”. “Nguy hiểm lắm, rủi ro lắm chứ. Đi dọc đường khổ lắm, phải trốn tránh chui lủi bờ bụi để không bị công an bắt. Một ngày không biết có bao nhiêu là người Việt mình đi chui sang Trung Quốc lao động, đông ơi là đông với đủ lứa tuổi từ già đến trẻ…tôi đã gặp nhiều người Việt mình ở Quảng Đông và Long Xing. Họ đến từ nhiều địa phương Nghệ An như Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Đô Lương, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Quỳ Hợp…” .
Một chặng đi từ Quỳ Châu để “chui” sang được Trung Quốc phải bắt 8 đến 9 lần xe, gồm xe lai đi qua mấy ngọn đồi, rồi lại lên ô tô mới đến được đường cao tốc bên kia cửa khẩu Trung Quốc. Và để vượt biên phải chờ đến khi lực lượng chức năng sơ hở, và thường phải di chuyển vào các khung giờ như 12 giờ đêm, 3 giờ sáng. Khi đến được điểm gần đường cao tốc bên đó phải chờ các mối gom “hàng”, gom đủ số lượng thì mới tổ chức một chuyến xe đi vào nội địa Trung Quốc. Như trường hợp bà Huệ thì chi phí hết khoảng 600 tệ vì đã quen với đường dây dẫn người sang “bên đó”. “Họ ăn khớp với nhau thế nào thì tôi không biết rõ, nhưng họ dẫn đi qua rất nhiều đường nhánh, và đổi xe nhiều lần, những người này rất thuộc các điểm có công an để tránh” – bà Huệ nói.
Qua được cửa khẩu, cũng có nghĩa là đã vượt được qua đường biên giới, có khi phải chờ 1 ngày, thậm chí 2 ngày mới đủ người để đi. Khi đã lên được xe để đi vào đường cao tốc, thì người dẫn đi phải thường xuyên “để ý” công an để tránh, nếu phát hiện công an thường phải dừng vài 3 tiếng đồng hồ rồi mới đi tiếp. Cũng có trường hợp bị Công an Trung Quốc bắt ngay khi đang ở trên xe, chưa đến được nơi hẹn. Bà Huệ cho hay, những người mới sang lần đầu thường hay bị bắt vì chưa quen đường, nhất là phụ nữ dễ bị lừa hoặc bán vào các ổ mại dâm và các nơi khác. Nếu bị bắt thì bị nhốt từ 2 đến 6 tháng hoặc hơn tùy theo tội trạng và sau đó bị đưa qua cửa khẩu trả về Việt Nam. Chưa kể, dọc đường đi, trốn chui lủi thường gặp tai nạn, đau ốm bất ngờ không lường được.
Nói về các rủi ro, bà Vi Thị Huệ cho biết, có người sang may mắn thì tìm được chỗ làm tử tế, được trả công sòng phẳng. Nhưng cũng có trường hợp bị bớt xén tiền ăn, hoặc không “bao” được công an nên dễ bị bắt hoặc phải làm việc, sống chui lủi trong tâm thế lo âu. Thường các công ty bên đó hay thuê người Việt mình làm đêm để tránh công an. Nhiều người làm đêm xong về ngủ cũng nơm nớp lo, nếu có “động tĩnh” gì thì phải lập tức chạy trốn vào rừng, lên các ngọn đồi gần đó.
Bà Huệ cho biết, bà có 14 người thân gồm con, cháu đã sang Trung Quốc làm thuê. Thời gian bà Huệ ở Quảng Đông chưa nhiều, nhưng cũng đã đủ để bà chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng về tai nạn, rủi ro và cả các tệ nạn mà người Việt mình mắc phải khi sang bên đó làm việc. Ví như một trường hợp 2 mẹ con bà không nhớ rõ là quê Yên Thành hay Quỳnh Lưu, họ ở cách chỗ bà thuê trọ tầm 3 km, người mẹ bị tai nạn chết nhưng người con trai không có tiền để hỏa thiêu, lực lượng chức năng Trung Quốc yêu cầu phải nộp đủ tiền mới được làm các thủ tục. Cậu con trai không biết làm gì hơn ngoài việc quỳ khóc bên thi thể mẹ đắp chiếu nằm lạnh lẽo ngoài nhà xác. Sau đó, nhờ cộng đồng người Việt kêu gọi đóng góp mới có đủ tiền thiêu và đưa tro cốt mẹ về quê.
Hoặc một vụ việc vừa xảy ra cách nay hơn 1 tháng khiến bà Huệ rùng mình ớn lạnh, đó cái chết của 2 người phụ nữ ngay gần chỗ bà thuê trọ. Hai đối tượng, 1 người Việt Nam và 1 người Trung Quốc. Họ thường “hợp tác” với nhau để về Việt Nam hoặc đến các vùng sâu, vùng xa của Trung Quốc lừa bán phụ nữ vào các động mại dâm hoặc lừa, bắt cóc trẻ em bán vào nơi buôn bán nội tạng. Bị phát hiện, 2 người này đã bị một nhóm người chặt đứt chân tay và giết chết quăng xác bên đường.
Dĩ nhiên đó chỉ là những câu chuyện được bà Huệ kể lại chứ chúng tôi không được tiếp cận một văn bản nào của cơ quan chức năng về những vụ việc đau lòng trên. Song hẳn nhiên những rủi ro khi đi lao động trái phép ở Trung Quốc rất có thể xảy ra. Đại diện công an các xã Châu Hạnh, Châu Bình cũng cho biết, qua thu thập thông tin từ những lao động trở về cho thấy, có nhiều người sang bên đó làm thuê đều chăm chỉ kiếm tiền, ít khi đi ra khỏi khu vực lao động vì không có giấy tờ. Tuy nhiên cũng có nhiều người sang nhưng không lo làm ăn, mà lại bị lôi kéo nhiễm các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, quan hệ bất chính, gây gổ đánh nhau, làm bảo kê mối lái việc làm… khiến tiền mất tật mang. Ví như trường hợp Lang Trung Kiên ở bản Độ 3, xã Châu Bình, đầu năm 2018 mới sang được một thời gian thì bị bắt, bị giam hơn 40 ngày và bị trả về. “Khi về nhà thì đến quần áo lành lặn cũng không có mà mặc chứ chưa nói đến tiền” – bà Vi Thị Hồng, bà ngoại của Kiên cho biết.
Trưởng bản Húa Na, ông Nguyễn Đình Phán cho hay, những năm 2015 trở về trước, ở bản Húa Na xảy ra “cơn lốc” đi lao động “chui” ở Trung Quốc. Cả bản có 114 hộ nhưng đã có gần một nửa số hộ có người đi. Vì thế bản làng vắng ngắt, chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, khi có việc hiếu, hỉ nhiều nhà phải thuê người đến giúp, điều mà trước đó chưa từng xảy ra. Thực trạng đó của bản Húa Na cũng là thực trạng chung của huyện Quỳ Châu những năm 2015 về trước – bà Hoàng Thị Oanh – Trưởng phòng Lao động UBND huyện Quỳ Châu cũng khẳng định.
Việc người dân ồ ạt vượt biên đi tìm việc làm đã để lại nhiều hệ lụy, các cơ sở thôn bản không có lực lượng hoạt động, theo đó các phong trào tập thể cũng trầm lắng. Nhiều trường hợp ra đi và sa vào các tệ nạn khiến gia đình ly tán, bệnh tật hoặc thậm chí là mất mạng…Tuy nhiên, đến nay, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện đã có các giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, định hướng việc làm nên số lượng lao động chui sang Trung Quốc đã giảm nhiều, song vẫn cần có những quan tâm hơn nữa để giúp người dân ổn định cuộc sống, giảm thiểu tình trạng trên, bà Hoàng Thị Oanh cho biết.
Năm 2017, huyện Quỳ Châu có 365 người lao động “chui” sang Trung Quốc, năm 2018 con số đó là 276 người và 6 tháng đầu năm 2019 có 113 người vượt biên sang Trung Quốc tìm việc làm. |