Ấm áp tình người
Cái mom sông tôi nói tới đó là phần đất nhô ra sông Lam, thuộc địa phận phường Bến Thủy – thành phố Vinh. Có lẽ ít người dân thành phố hình dung được cuộc sống tạm bợ của một số hộ ngư dân nơi đây. Họ là cư dân tạm trú hàng chục năm qua, với tài sản là con thuyền, vuông lưới và nhà tạm ở vùng đất trống.
Chiều xuống, tiết trời xuân lạnh lạnh nhưng anh Hoàng Văn Mạnh chỉ vận áo ngắn tay và quần đùi đưa xấp lưới ra thuyền, “dòng” xuống sông để kiếm sống cho ngày mai. Bình thường, anh có vợ đi cùng, nhưng nhiều hôm, anh buông lưới một mình. Công việc của anh Mạnh cứ lặp đi, lặp lại hàng chục năm nay trên khúc sông quen thuộc, phía dưới chân cầu Bến Thủy khoảng 700 mét.
Anh Mạnh là một giáo dân ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, theo cha mẹ ra đánh cá ở vùng hạ nguồn sông Lam từ năm 1990. Khi đó, anh 10 tuổi, từng chứng kiến việc xây dựng cầu Bến Thủy 1. Cuộc sống cứ lênh đênh với nhà là thuyền, vườn là dòng sông. Đến khi cha anh già yếu trở về quê, anh cưới vợ và dạt vào dựng lều ở mom sông thuộc khối 15, phường Bến Thủy từ năm 2006. Từ đó đến nay, vợ chồng anh là cư dân tạm trú ở thành phố Vinh, hàng ngày “canh tác” tại vùng sông dưới cầu Bến Thủy.
Suốt ngày đêm đánh cá ở khúc sông này, có những lúc, lưới của vợ chồng anh Mạnh vô tình vướng vào thi thể của người đuối nước hoặc nhảy cầu tự tử. Và có ít nhất 7 lần, vợ chồng anh Mạnh cứu sống được người nhảy cầu tự tử. Anh Mạnh cho biết, khúc sông này nước chảy mạnh lắm, nếu ai đó nhảy cầu Bến Thủy sẽ bị nước đẩy nhanh về phía dưới. Có những trường hợp, anh đang đánh cá, thấy có đầu người nhấp nhô đã nhanh chóng phóng thuyền đến cứu. Cũng có trường hợp, anh đang ở trong nhà tạm, nghe lao xao đã lao ra theo bản năng. Ngay sau khi cứu được người đưa lên bờ, anh báo với cán bộ khối, công an địa phương liên lạc gia đình để đưa họ về. “Những lần cứu sống người nhảy cầu, người thân họ mừng lắm. Một vài gia đình đã nhận tôi làm anh em kết nghĩa, sau đó thường xuyên qua lại thăm nhau. Trong đó, gia đình anh L. ở phường Vinh Tân (TP. Vinh) là sâu đậm nhất. Sau khi tôi cứu sống con trai anh, gia đình anh L. đã hỗ trợ tôi mua chiếc xe máy để vợ đi chợ hàng ngày và mỗi năm vài lần đến thăm hỏi gia đình tôi. Tết vừa rồi anh L. cũng đến mua bia biếu gia đình tôi…”- Anh Mạnh tâm sự.
Khi nói về gia đình anh Mạnh, ông Trần Nhất Hải – Khối phó khối 15, phường Bến Thủy cho biết thêm: “Hơn 13 năm tạm trú tại địa bàn, gia đình anh Mạnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Đặc biệt, thông qua việc cứu sống nhiều người đuối nước, anh đã nhân lên tình người ấm áp ở mom sông này…”.
Cuộc sống tiếp nối
Cuộc sống ở mom sông của bao ngư dân dọc gần 400 km sông Lam (tính từ Kỳ Sơn về Cửa Hội) quen thuộc với hoạt động đánh bắt tôm cá. Hôm được nhiều, ngày được ít nhưng nguồn lợi thủy sản từ sông đã nuôi sống nhiều thế hệ ngư dân. Cùng ở mom sông phường Bến Thủy, gần khu vực gia đình anh Mạnh còn có gia đình ông Nguyễn Văn Dự, cũng là cư dân “siêu tạm trú”, sinh sống bằng nghề chài lưới. Ông Dự có hộ khẩu ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nhưng dựng lều ở mom sông, xin tạm trú ở khối 13, phường Bến Thủy từ năm 2002. Trước đó, ông đã từng đến đánh cá nhiều vùng sông ở Thanh Hóa, nhưng mom sông thành phố Vinh này là miền đất hứa. Bởi, bằng việc đánh bắt cá ở vùng sông này đã giúp vợ chồng ông nuôi lớn 4 người con.
Trong căn nhà tạm được xây bằng táp-lô, khi trò chuyện với tôi, ông Dự “bắn” thuốc lào liên tục. “Chú thấy đó, may có vùng đất trống này phường, thành phố cho gia đình tui ở tạm nên có phần yên ổn. Mừng là ở tạm nhưng 4 thằng con khôn lớn, không vướng vào tệ nạn xã hội. 3 đứa đầu đã lập gia đình và có 7 đứa cháu; trong đó, có 2 đứa theo nghiệp bố cũng dựng nhà tạm gần đây, kiếm sống ở khúc sông này. Còn thằng út, đi bộ đội về, đang làm thủy thủ cho một con tàu ở Cửa Lò…” – ông Dự chia sẻ.
Sau khi dừng rít điều thuốc lào, ông Dự tiếp tục câu chuyện: “Cái nghề đánh bắt ven sông này như “nói dối” ấy chú à. Có hôm người ta hỏi về đánh bắt thì tui nói được nhiều, hôm thì nói không được chi. Nhưng đúng rứa. Tôm cá, dừ không nhiều như trước, nhưng tùy vào con nước lên xuống, việc đánh bắt cũng đủ ăn qua ngày tháng. Con cái thì nó đã tự kiếm sống được rồi…”.
Khi thấy có người lạ đang tâm sự với cha, hai người con của ông Dự cùng làm nghề chài lưới có nhà tạm ở mom sông đã “đến xem ai” và cùng “bắn” thuốc lào. Anh Nguyễn Văn Dương, người con thứ 2 của ông Dự còn bế đứa con nhỏ và dắt thêm thằng con trai lớn. Qua câu chuyện, anh Dương cho biết, gia đình anh cũng theo mô hình của cha mẹ; nghề chính là đánh cá, vợ có thêm nghề “chạy chợ” hàng ngày. Bên cạnh nguồn thủy sản gia đình đánh bắt được, vợ anh Dương còn thu gom tôm cá của một số ngư dân vùng Hưng Hòa để bán ở các chợ. Cuộc sống cứ vậy, ngày qua, tháng đến…
Những gia đình tạm trú ở mom sông mà tôi gặp gỡ nêu trên, nay đã có xe máy, tivi, tủ lạnh… và các con được đến trường. So với điều kiện sống của đa số cư dân thành phố, họ có thể “thua kém”, nhưng điều mà chúng tôi trân quý nhất là trong quá trình trò chuyện, họ ít khi “than nghèo, kể khổ”. Mấy thế hệ cứ như thế, họ bám sông sinh sống…