Lợi dụng chính sách, vay vốn rồi dùng vào việc cá nhân?

Biên tập viên

Vừa qua, một bạn đọc ở Nghĩa Hưng, Nam Định có đơn tố cáo gửi tới báo ĐS&PL về hành vi gian dối trong lập hóa đơn, chứng từ để chiếm đoạt tiền vay vốn của ông Nguyễn Văn K. (cũng ở Nghĩa Hưng, Nam Định).

Ông P. phản ánh như sau: Ông và Nguyễn Văn K. có hợp tác làm chung dự án vay vốn đóng tàu đánh bắt cá xa bờ và thống nhất thành lập Công ty TNHH thương mại A.T do ông K. làm Giám đốc, còn ông P sẽ phụ trách các hoạt động của dự án.

Thang 2/2017, dự án được Sở Nông Nghiệp & PTNT tỉnh Nam Định phê duyệt, Ngân hàng Đầu tư BIDV đã cho công ty vay 19 tỷ đồng để thực hiện dự án. 

Trong quá trình thực hiện dự án, ông P phát hiện có sự chênh lệch trong các hóa đơn, tài liệu mua bán vật tư, thiết bị cho tàu đánh cá. Cụ thể theo dự án đã phê duyệt, tàu được biên chế 400 treo lưới nhưng hóa đơn do đại lý cung cấp thể hiện 570 treo. Giá trị mỗi treo thực tế là 7.900.999đ, nhưng trong hóa đơn lại ghi 11.000.000đ/1 treo...Ngay sau đó, ông P đã tìm hiểu và phát hiện ông K. đã có thỏa thuận ngầm với chủ đại lý cung cấp lưới là and Trần Văn T. (trú tại Xuân Trường, tỉnh Nam Định) về việc sửa cho số lượng đã mua và đơn giá cao hơn thực tế để lấy khoản tiền chênh lệch rồi chia nhau tiêu xài. Tổng số tiền 2 người chiếm đoạt, gây thiệt hại là 6.510.000.000đ (Sáu tỷ năm trăm mười triệu đồng). Không đồng tình với hành vi trên, ông P đã gửi đơn tố cáo Nguyễn Văn K. tới cơ quan chức năng.

Qua trao đổi với các chuyên gia pháp lý về tình huống cụ thể nêu trên, chúng tôi được biết Nhà nước có chính sách ưu đãi về vay vốn, bảo hiểm, thuế cho các tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản, đóng tàu đánh bắt xa bờ, qui định cụ thể: 

-         Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành ngày 7/7/2014.

-         Nghị định 89/2015/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung 1 số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành ngày 7/10/2015.

-         Nghị định 17/2018/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung 1 số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành ngày 2/2/2018.

Ảnh minh họa

Để được vay vốn theo chính sách, các tổ chức, cá nhân phải có kế hoạch cụ thể, phương án thực hiện, phải được xác nhận đúng đối tượng thuộc chính sách. Người có hồ sơ không đủ điều kiện mà cố tình làm giả các tài liệu cần thiết, hay dùng biện pháp gian dối để qua mặt cán bộ Ngân hàng kiểm duyệt nhằm vay tiền của Ngân hàng phục vụ mục đích riêng là đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ Luật hình sự 2015. Nếu cán bộ Ngân hàng cố tình duyệt hồ sơ không đủ điều kiện, không đúng đối tượng của chính sách do đã nhận “quà cho, biếu, tặng” của người có hồ sơ cần xét duyệt thì cán bộ đó đã vi phạm pháp luật theo Điều 354 Tội nhận hối lộ của Bộ luật hình sự 2015. 

Khi đã vay được vốn, người vay vốn phải đảm bảo thực hiện nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện đúng các nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và các cam kết khác. Ngân hàng có quyền "Kiểm tra, giám sát quả trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng". Nếu khách hàng sử dụng sai mục đích, trái với thỏa thuận theo Hợp đồng tín dụng như: biên chế tàu theo dự án có 400 treo lưới mà mua 570, giá lưới treo 7 triệu mà ghi 11 triệu...thì Ngân hàng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện theo Luật tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng.

Nếu có căn cứ chứng minh ông K. đã thỏa thuận với chủ đại lý để giả mạo, khai gian dối các hóa đơn, xác nhận đơn giá cao quá mức thực tế, nhằm chia nhau số tiền chênh lệch từ đó, gây thiệt hại nặng thì ông K. có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình:

"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán;

b) Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật;

c) Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán;

...

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm."

Chúng tôi xin chuyển nội dung đơn phản ánh của bạn đọc tới các cơ quan chức năng có liên quan để xác minh làm rõ sự việc.

Nhóm PV