Dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu, nâng cấp luồng sông Đồng Tranh và tuyết luồng Tắt Ông Cu – Tắt Bài đến sông Gò Gia theo hình thức tận thu sản phẩm sử dụng bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Dự án được Cục Hàng hải Việt Nam cấp thuận cho phép Công ty Cổ phần đầu tư Hải Hưng Thịnh (gọi tắt là công ty Hải Hưng Thịnh) là nhà đầu tư, thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét từ tháng 1/2015, thời gian thực hiện dự án là 24 tháng (dự kiến từ năm 2015-2016). Tổng khối lượng nạo vét là 1.397.052m3 (gồm khối lượng cát và bùn).
Công ty Hải Hưng Thịnh đã tiến hành thực hiện nạo vét từ tháng 9-12/2016, khối lượng đã thực hiện nạo vét là 404.413m3. Đến nay, dự án dừng thi công do hết thời hạn thực hiện.
Trước đó, từ năm 2015 sau khi được cấp phép, Công ty Hải Hưng Thịnh đã liên tục dính nhiều sai phạm, tổ chức cho nhiều ghe tàu vào bơm hút cát trong khi mới được cấp phép thăm dò, khảo sát để lập hồ sơ đề xuất xin cấp phép.
Cụ thể, tháng 7/2015 Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM nhận được đơn công dân tố cáo công ty Hải Hưng Thịnh về việc lợi dụng khảo sát luồng hàng hải để nạo vét, bơm hút cát trái phép gây sạt lở nhà dân tại khu vực sông Đồng Tranh (huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Bộ Chỉ huy biên phòng thành phố đã xây dựng, triển khai kế hoạch trinh sát xác minh, nắm tình hình kết luận hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Tranh (khu vực tiếp giáp giữa huyện Cần Giờ, TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) do công ty Hải Hưng Thịnh tổ chức thực hiện là có thật, diễn biến phức tạp. Hằng ngày có từ 7-10 phương tiện (đầu hút – xà lan vận chuyển), chúng tổ chức hoạt động vào ban đêm, thường từ 21h-4h sáng ngày hôm sau.
Kết quả đấu tranh từ ngày 9/8/2015 -21/9/2015 đã phát hiện, bắt giữ 3 vụ/16 đối tượng/10 phương tiện khai thác, vận chuyển trái phép tại khu vực sông Đồng Tranh (huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Quá trình điều tra, xác minh các đối tượng vi phạm đều khai nhận hoạt động khai thác cát trái phép theo hợp đồng làm thuê cho Công ty Hải Hưng Thịnh dưới sự tổ chức, điều hành của ông Thái Thanh Liêm và các nhân viên của công ty. Sau khi các đối tượng, phương tiện khai thác cát trái phép cho công ty bị bắt giữ, ông Trần Hoàng Hải – Giám đốc công ty Hải Hưng Thịnh đã từ chối trách nhiệm trong việc tổ chức hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Đồng Tranh.
Sau đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố đã có văn bản gửi Thường trực UBND TP.HCM và các Sở, Ngành đề nghị không cấp phép cho công ty Hải Hưng Thịnh thực hiện dự án nạo, duy tu, nâng cấp luồng sông Đồng Tranh.
Mới đây, ngày 27/2/2020 Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM tiếp tục có văn bản số 295/BCH-MT gửi Sở GTVT TP HCM kiến nghị Thường trực UBND thành phố không cấp phép cho công ty Hải Hưng Thịnh tiếp tục thực hiện dự án nêu trên.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP HCM cho biết, dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu, nâng cấp luồng sông Đồng Tranh và tuyết luồng Tắt Ông Cu – Tắt Bài đến sông Gò Gia do Công ty Hải Hưng Thịnh là nhà đầu tư nổi lên nhiều vấn đề.
Theo đó, từ tháng 8/2014 khi công ty Hải Hưng Thịnh đang trong giai đoạn khảo sát, thăm dò địa chất khu vực nêu trên, Bộ đội biên phòng thành phố đã nhận đơn tố cáo của công dân về việc công ty Hải Hưng Thịnh lợi dụng khảo sát để khai thác cát, gây sạt lở rừng phòng hộ, gây ô nhiễm môi trường tại khu vực sông Gò Gia, Tắt Ông Cu, Tắt Bài sông Đồng Tranh, TP.HCM.
Tháng 8/2015, Bộ đội biên phòng thành phố đã phát hiện, bắt giữ xử lý hành chính đối với 5 tàu hút cát chuyên dụng có hành vi lén lút khai thác cát trái phép ngay trong phạm vi khu vực công ty Hải Hưng Thịnh đang thực hiện khảo sát, thăm dò địa chất. Người điều khiển các tàu hút khai nhận do người của công ty Hải Hưng Thịnh đứng ra tổ chức cho các phương tiện khai thác cát trái phép.
Sự việc xảy ra đã gây mất an ninh trật tự trong khu vực, ảnh hưởng đến chủ trương của Nhà nước đối với nhà đầu tư trong thực hiện các dự án xã hội hóa không sử dụng ngân sách nhà nước.
Vì vậy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM đã kiến nghị Thường trực TP.HCM xem xét không cấp phép cho công ty Hải Hưng Thịnh tiếp tục thực hiện dự án nêu trên.
Trước đó, nhằm giảm nguy cơ sạt lở rừng phòng hộ Cần Giờ, UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM cũng có văn bản kiến nghị Sở GTVT thành phố tham mưu UBND thành phố có ý kiến tạm thời không chấp thuận triển khai dự án xã hội hóa của công ty Hải Hưng Thịnh trong thời gian đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở (xâm thực) đất rừng phòng hộ trước khi chấp thuận thực hiện dự án nạo vét theo hình thức xã hội hóa.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.