Giàng, sương giăng kín, cơn mưa cả ngày hôm qua khiến con đường trở nên ướt nhẹp, in rõ những rãnh dài của bánh xe máy chạy đến cuối bản. Khoác thêm chiếc áo, cô giáo Vàng Thị Chu đẩy cửa bước ra ngoài, leo qua một con dốc đến nhà trưởng thôn để nhờ ông phát loa thông báo học sinh đi học. Dù ngày hôm qua, cô đã đến từng nhà để vận động.
- Alo, thor hais tsus chaor pux tuz muôx nhaoz haur jex jaos, muôx me nhuôv cơưv ntơưr ntrhuôl maol, nhaoz cis sir jus chaox môngl cơưv ntơưr nơưz! Người đàn ông nói bằng tiếng Mông, dịch ra có nghĩa là: “Alo, xin thông báo với bà con nhân dân, hôm nay là đầu tuần thứ hai, yêu cầu anh chị có con học mầm non thì hãy chú ý đưa con đi học đúng giờ nhé!”
Ở nơi không có điện, không có sóng thì đây là cách thông tin hữu hiệu nhất mà cô giáo Chu biết, trong bản chỉ có vài hộ sắm được máy phát chạy bằng nước, đủ để thắp sáng một bóng đèn và một chiếc loa được đặt trên ngọn đồi cao nhất, nơi thỉnh thoảng truyền đi vài mẩu tin có thể vang xa khoảng 2 cây số.
Từ thứ 2 đến thứ 6, sáng nào cô giáo Chu cũng nhìn trời để đoán xem hôm nay lớp có bao nhiêu học sinh đến trường. Trời nắng ráo thì gần như 31 em có mặt, còn ngày mưa như hôm nay, chỉ vắng 4-5 em đã là một thành công.
Đường đến trường một bên là vách một bên là vực
Làng Giàng là một bản thuộc xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Bản có một điểm trường mầm non cho trẻ từ 4-5 tuổi, đứng lớp là hai cô giáo người Mông Vàng Thị Chu (sinh năm 1986) và Mùa Thị Sa (sinh năm 1997).
Để đi đến điểm trường, hai cô giáo phải vượt qua 20 km đường đất, mặt đường bị xẻ thành năm bảy rãnh, gặp ngày mưa, chỉ còn cách bỏ lại xe bên đường.
Sinh ra và lớn lên ở miền núi nên phần nào hai cô giáo đã quen với thời tiết khắc nghiệt cùng những cung đường một bên là vách, một bên là vực nhưng vẫn không tránh khỏi những lần xe trượt bánh, cả người cả xe toàn bùn đất.
Chiều Chủ nhật, cô giáo Sa hết đi ra lại đi vào nhìn về phía bản Giàng, nơi mây đang che kín đỉnh. Là một cô giáo trẻ, năm đầu đi dạy ở vùng xa, tay lái yếu khiến mỗi lần lên trường, cô vẫn không khỏi lo lắng.
“Ngày nào mưa quá thì chồng chở em đi. Mùa mưa lũ, cả tháng trời không về nhà là chuyện bình thường”. Mấy năm trước, Sa có con nhỏ nên được nhà trường ưu tiên dạy ở điểm chính, cách nhà 2 km. Năm nay, khi con được gần 3 tuổi, Sa và cô Chu xung phong lên bản Giàng để dạy học.
Xã Nậm Có gồm 6 điểm trường: Lùng Cúng, Làng Giàng, Thào Xa Chải, Tu Xan, Mú Cái Hồ và Đá Đen. Ngoài những cô giáo mới lập gia đình, có con nhỏ thì phần lớn mọi người đều xung phong đi cắm bản.
“Nhà mình ở đây nên đi được càng xa thì các cô giáo ở dưới xuôi lên đây sẽ được gần gia đình hơn chút”.
Quãng đường 20 km đi hết gần 2 giờ đồng hồ, đến nơi, chỉ kịp gột rửa bùn đất, hai cô giáo lại cùng nhau đi đến những nhà học sinh ở xa, cách 4-5 cây số để nhắc bố mẹ ngày mai đưa con đi học.
- Az tsưr, nhaoz cis caox păngz chaox tul nhuôl Az môngl cơưv ntơưr nơưz (Bố A, ngày mai cho cháu A đi học nhé)
- Ơưx, nhao kis Az tsir ha chaox Az môngl cơưv ntơưr ol cu zaor (Ừ, ngày mai bố A sẽ cho A đi học cô giáo à)
Cô Chu là người Mông vùng Cao Phạ nên nói chuyện với người dân ở đây một cách dễ dàng. Cô Sa là người Mông ở Bắc Yên (Sơn La) ngôn ngữ tuy có chút khác biệt nhưng cô vẫn hiểu được người dân nói gì. Những năm trước, cô giáo người Kinh, người Thái đôi khi phải dùng cả ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với bà con.
Đi được mấy nhà, trời mùa đông chẳng mấy chốc tối sầm.
Buồn nhiều hơn sợ
Tranh thủ trên đường đi vận động học sinh, hai cô giáo hái ít măng rừng, ngọn chanh leo cho bữa tối. Người phụ nữ nhanh nhẹn leo hết ngọn cây này sang ngọn cây khác để “mót” vài ngọn rau, luồn lách trên dốc đồi để bẻ vài đọt măng.
Sinh ra và lớn lên giữa núi đồi, đôi bàn tay, bàn chân của hai cô giáo đã quá quen với việc trèo đèo, lội suối. Nhớ lại những ngày vừa mới ra trường, trong lúc đợi xin việc, Vàng Thị Chu, khi ấy mới là cô gái 20 tuổi, dậy từ 3 giờ sáng, đi bộ gần 30 cây số lên đỉnh Lùng Cúng để hái táo mèo. Cô trở về nhà khi đã tối mịt với thành quả là cả trăm kg táo.
Cả bản Giàng có 43 hộ, sống tập trung khoảng 10 hộ, còn lại rải rác ở các ngọn đồi xung quanh. Ngày mới lên bản, quanh trường chỉ có vài nóc nhà, điện hay sóng đều không có, hai cô giáo chỉ biết động viên nhau: “Rồi sẽ quen thôi”.
Cứ cách ngày, cô giáo lại lên ngọn đồi cách trường 1 km để bắt sóng, gọi điện hỏi thăm tình hình ở nhà. Những lần có việc gấp, nhà trường sẽ điện lên điểm trường gần Làng Giàng nhất, sau đó thông tin sẽ được viết giấy, nhờ người dân chuyển lên.
Buổi tối, ánh sáng được thắp lên bằng bếp lửa và 2 chiếc đèn được sạc nhờ ở nhà trưởng thôn.
Những điểm trường mầm non khác của xã Nậm Có đều có từ 3-4 cô giáo nên gần như các cô giáo không phải ở một mình. Nhưng ở Làng Giàng, mỗi khi cô Chu có việc phải xuống xã thì chỉ còn mình cô Sa, và ngược lại.
"Cả tối chẳng biết làm gì, chỉ mong trời sáng nhanh để được gặp lũ trẻ".
"Chỉ mong trời bớt lạnh, bớt mưa để học sinh tới lớp"
7h, vài học sinh được cha mẹ đưa đến. Sùng A Giang là đứa trẻ được bố cõng đến lớp sớm nhất dù nhà cách trường 4 km. Mỗi em được trang bị thêm một cặp lồng đựng cơm cho bữa trưa.
“Con chào ô”, Giang khoanh tay trước ngực bập bẹ nói khi nhìn thấy cô giáo.
Tiếng Mông không nói chữ “C” nên trẻ không quen khi phát âm tiếng phổ thông. Với các cô giáo, học sinh chủ động nói được mấy câu giao tiếp hàng ngày đã là một bước tiến.
Cô Sa dẫn Giang vào lớp, đứa trẻ tự lấy ghế, ngồi im đợi các bạn.
9h, lớp mới ổn định trật tự, hôm nay 27 em có mặt.
“Ngày 20 tháng 11” là một từ mới được cô Chu dạy trong buổi học hôm nay.
“Ngày 20 tháng 11 là ngày nhà giáo Việt Nam, là ngày của các cô giáo, thầy giáo đấy các con ạ. Chúng mình cùng nhắc lại lời cô nhé! Ngày 20 tháng 11”.
“Ngày 20 tháng 11”.
Những đứa trẻ Mông líu ríu nhắc lại lời cô giáo, có lẽ, chúng cũng chưa hiểu hết được đó là ngày gì. Người Mông thường quen với ngày Tết hay Trung Thu hơn, bởi hôm ấy, họ được xã lên bản phát bánh kẹo.
Khoảng 10h30, trong lúc cô Chu dạy học, cô Sa tranh thủ xuống bếp nấu bữa trưa cho học sinh. Nhờ vận động, mỗi ngày cha mẹ mang rau đến lớp để cô giáo làm món canh. Một tuần 2 buổi vào thứ 3 và thứ 5, học sinh được thêm quả trứng.
Phần lớn trẻ chỉ có cơm trắng cho bữa trưa, nhà nào có điều kiện hơn thì các em được ít trứng hoặc cá khô. Cơm để đến trưa lạnh ngắt. Các cô giáo phải nấu canh để cái bụng thêm ấm.
Bữa trưa kết thúc lúc 12h, lúc này cô Sa cho các bé đi ngủ. 27 em nằm chéo nhau trên mấy chiếc phản, chỗ co chỗ kéo, chẳng mấy chốc tất cả chìm vào giấc ngủ. Cô Sa nằm bên cạnh, trông chừng.
- Các cô mong nhất điều gì khi dạy học ở đây?
- Mong trời bớt lạnh, bớt mưa, học sinh đến lớp đều là vui lắm rồi.
Chiều nay, cô Chu trở về trường chính dưới xã để tổng duyệt văn nghệ, chuẩn bị cho hội thi chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam. Lớp học tan sớm vì mùa đông trời tối nhanh, cô Sa ở lại một mình, khều bếp lửa cho đỏ rực, nghĩ đến tuần sau được về nhà thăm con.