Bà Lê Thị Hoạch, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, giặt quần áo sau khi lũ rút (đỉnh lũ tại đây cao từ 2-3m)
Người nông dân cố gắng cứu thóc lúa, dựng lại căn nhà đổ nát; người thợ quê dọn dẹp quán xá, sửa chữa máy móc; thầy cô lao vào dọn dẹp trường lớp chuẩn bị đón học trò; nhân viên y tế xem lại thuốc thang chuẩn bị đón bệnh nhân... Cuộc tổng lực của sức dân đang dần xóa đi hình ảnh hoang tàn sau lũ.
Khắp vùng rốn lũ Quảng Bình, Quảng Trị sau trận đại hồng thủy là không khí chạy đua với lũ, nước rút đến đâu, bùn lầy được đẩy ra khỏi nhà cửa, làng mạc đến đó. Trong cuộc tái thiết này còn có sự chung tay của quân đội, công an..., họ đến với bà con lúc cần mình nhất.
Còn những chuyến hàng của cả nước vẫn tiếp tục đến vùng lũ, tạm giúp bà con đỡ lo cái ăn trong những ngày tái tạo lại cuộc sống sau trận lũ để trở về cuộc sống bình thường.
Ý chí sắt đá của người dân thật sự đáng khâm phục. Ở đó có nụ cười lạc quan, có cả nước mắt xót xa cho gia sản trôi theo dòng lũ, nhưng tất cả đều không dừng lại hay quỵ ngã mà đều đứng lên khi lũ rút xuống.
Bà Mai Thị Liên, thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, bật khóc khi tài sản bị hư hỏng nặng
Thầy cô giáo tại Trường THCS Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình dọn dẹp lại trường học khi nước vừa rút
Bà Dương Thị Hứa, 70 tuổi, ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, tận dụng xe lại cuộn len bị ngâm nước
Em Nguyễn Đăng Phúc, 9 tuổi, nhận hàng cứu trợ gồm gạo, nước tương, chả chay và một tấm chăn
Người dân xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình giặt lại mền chiếu khi nắng lên
Giáo viên Trường THCS Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình dọn dẹp lại phòng ốc
Rửa lại ổ điện bị ngập trong lụt ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình